Bộ trưởng vi hành, thực phẩm sạch như mơ

Sáng 5/1, Bộ trưởng Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lần đầu tiên cùng đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) kiểm tra vệ sinh thực phẩm.

Khi kết quả kiểm tra nhanh được công bố tất cả đều âm tính, cả đoàn đồng loạt vỗ tay. Tuy nhiên, tình hình thực tế lại chưa thấy an toàn...

Tại cuộc họp giữa hai bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và chủ tịch UBND TP Hà Nội chiều cùng ngày, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho hay các kho của quản lý thị trường Hà Nội hiện không còn chỗ chứa với hàng chục ngàn chai nước giải khát, bánh kẹo và thực phẩm đông lạnh chất lượng kém.

Một hội chợ có 700 mặt hàng giả

Theo bà Mai, những ngày gần đây quản lý thị trường và công an phải làm việc xuyên đêm, nước giải khát hầu như cứ “bắt là dính” với các loại hương liệu, phẩm màu, chất tạo ngọt công nghiệp, nước dùng sản xuất là nước giếng chưa qua tinh lọc, đưa chất tạo mùi vào để át vị tanh và đem bán ở các chợ nhỏ, chợ vùng quê. Vừa qua kiểm tra phát hiện nhiều bánh snack cho trẻ em chứa chất tạo ngọt bị cấm sử dụng. Sản phẩm này cũng được bán rất nhiều tại chợ nhỏ, chợ cóc.

Bộ trưởng vi hành, thực phẩm sạch như mơ - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) sáng 5/1.

Cũng theo bà Mai, rượu giả đang là điểm nóng năm nay. Trong khoảng 20 ngày cao điểm vừa qua, quản lý thị trường và Công an Hà Nội đã thu giữ khoảng 10.000 lít nước hoa quả, 10.000 lít rượu. Trong đó có 2.000 lít rượu test nhanh dương tính với ma túy, số còn lại là rượu vang, rượu kém chất lượng được gắn tem rượu ngoại. “Số tem rượu ngoại giả thu giữ không đếm được mà phải tính bằng ký. Các trung tâm thương mại, siêu thị thì yên tâm nguồn gốc hàng hóa hơn, nhưng chợ phải tăng cường lực lượng kiểm tra. Ngay sáng 4/1, chúng tôi vào kiểm tra ngẫu nhiên một hội chợ phát hiện 700 mặt hàng giả. Đây là nguồn gốc bóp chết sản xuất nghiêm chỉnh” - bà Mai than.

Theo bà Mai, hiện đang là giai đoạn cao điểm trữ hàng vào các kho, nếu không phát hiện kịp thời thì 15 ngày nữa thực phẩm bẩn sẽ ra chợ. Gần đây khi kiểm tra phát hiện nhiều hàng đông lạnh hết hạn nhưng chưa tiêu hủy, nếu không bị phát hiện sẽ được dập hạn dùng mới và bán bình thường. Như việc cấm gà thải vào Hà Nội, ở một số tỉnh thành lân cận có hiện tượng cho xe chở gà thải đỗ lại đó, sau đó xé lẻ lô gà, thuê xe ôm chuyển dưới 50 con gà/xe, lợi dụng quy định dưới 50 con gà không cần hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc để chạy vào Hà Nội.

Muốn làm người tiêu dùng thông thái cũng khó

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kêu gọi người tiêu dùng thông thái nhưng ra chợ thì làm sao biết được thịt, cá, thực phẩm nào là sạch. “Có tem rau sạch rồi thì nên có tem thịt bò sạch, tem cá sạch, gà sạch. Muốn người tiêu dùng thông thái thì nhà quản lý phải lo cho dân” - bà Tiến yêu cầu.

Bộ trưởng vi hành, thực phẩm sạch như mơ - 2

Hai bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT kiểm tra một cơ sở bán giò chả trên phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: V.Dũng

Bà Tiến cho biết kiểm tra tại chợ Đồng Xuân và phố Hàng Bông bằng test nhanh ngày 5/1 chưa phát hiện sản phẩm bẩn, nhưng trước đó kiểm tra tại các TP khác đã phát hiện bánh phở có formol, thực phẩm nhiễm vi sinh, rượu pha từ cồn công nghiệp...

Trao đổi với PV sáng 5/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho hay kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy thịt tươi nhiễm vi sinh còn tới 30%, số nhiễm chất cấm và tồn dư kháng sinh còn trên 4%. Ông Phát cho rằng thịt nhiễm vi sinh có thể xử lý bằng nấu chín, nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe. Tại khu vực phía Bắc, 90% lò mổ chưa đảm bảo an toàn.

Không có lý do gì người VN phải ăn thực phẩm bẩn

Ông Phát cho biết trong 20 ngày triển khai chiến dịch ngăn chặn gà lậu vừa qua, đến nay nói “khiêm tốn” là đã giảm được 90% gà lậu vào VN.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc ngăn chặn gà lậu minh chứng rằng việc khó nhưng nếu quyết tâm và quyết liệt sẽ làm được. Ông Phát cho biết trước khi tiến hành ngăn gà lậu ai cũng nói rất khó, nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Với vấn đề thực phẩm hiện cũng đang bị cho là khó quản, nếu quyết tâm, quyết liệt sẽ làm được.

“Khi chúng tôi triển khai thực hiện các tiêu chuẩn thực phẩm, nhiều người nước ngoài nói các ông là nước nghèo, chưa cần phải thực hiện đến mức đó. Nhưng tôi đã nói chúng tôi thực hiện theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, không có lý do gì mà người VN phải ăn thực phẩm bẩn hơn các nước khác” - ông Phát cho biết.

Mứt “ba không”

Một số chợ như Bình Tây, Bến Thành, An Đông (TP.HCM) đã có nhiều gian hàng bày bán các loại thực phẩm phục vụ tết 2013 như bánh mứt, củ sấy, lạp xưởng, chạp phô...

Tại một quầy bán lẻ các loại mứt tết, chạp phô ở chợ Bến Thành, các loại mứt tết được đóng trong bao kiếng rất chỉn chu, riêng các loại mứt dừa, mứt bí không dùng bao nilông che đậy. Khi có khách đến mua, người bán hàng ở đây nhanh tay xua những con ruồi đang đậu trên các bọc mứt dừa. Người bán hàng cho biết các loại mứt khác phải đóng bao kiếng để tránh khách sờ mó làm mứt mau lên men, nhanh hỏng. Riêng mứt dừa, mứt bí do được cắt lát nên khách có thể dễ dàng lấy từng lát ăn mà không làm hư cả bọc mứt.

Một số người mua mứt tết nhỏ lẻ từ các chợ vùng ven đổ về khu Trần Bình - chợ Bình Tây để mua sỉ từ lâu đã quen miệng gọi các loại mứt tết bán ở khu vực này là mứt “ba không”: không bao bì, không hạn sử dụng và không xuất xứ.

Tại sạp mứt tết HT, chủ sạp để luôn hai ly cà phê đang uống dở lên thùng mứt táo đỏ. Do không được che chắn nên ruồi bay đậu cả vào thùng mứt. Các loại mứt tết cũng không gắn nhãn mác, hạn sử dụng trên sản phẩm.

Bà Hoa, chủ một cửa hàng mứt, thẳng thắn: “Cả chợ Bình Tây hầu hết các sạp mứt tết đều không có nhãn mác, nhà sản xuất. Ở đây sạp nào cũng vậy cả”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ xử lý khiếu nại ban quản lý chợ Bình Tây, cho biết ban quản lý chợ Bình Tây có ghi nhận việc các sạp bán mứt bày bán các loại thực phẩm tết nhưng không đóng bao bì, in hạn sử dụng và không che đậy để tránh ruồi, bụi... Do đây là mặt hàng truyền thống mua bán trao tay nên việc đóng gói, nguồn gốc hàng... đều do chủ sạp kinh doanh lấy uy tín đảm bảo với khách, nên ban quản lý chỉ có thể tổ chức kiểm tra và nhắc nhở thường xuyên.

Đ.THANH - C.THÀNH - N.NGA

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Anh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN