Bí thư Đà Nẵng: 'Chấp nhận rủi ro để lập khu thương mại tự do'

Sự kiện: Thời sự

Theo Bí thư Nguyễn Văn Quảng, khu thương mại tự do là mô hình chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam, vì vậy khi thực hiện sẽ là "rủi ro với thành phố".

"Chúng tôi xác định có rủi ro, nhưng chấp nhận. Nếu thành công, đó sẽ là nền tảng để nhân rộng cho cả nước", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Theo ông Quảng, khu thương mại tự do là một trong những đột phá, thể hiện tinh thần "dám nghĩ dám làm" của Chính phủ cũng như thành phố. Dự thảo nghị quyết lần này đưa ra cơ chế thử nghiệm do mô hình này chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam, nhưng đã được thế giới khẳng định và thành công.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5. Ảnh: Giang Huy

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5. Ảnh: Giang Huy

Các chính sách trong dự thảo Nghị quyết đều hướng tới mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây là điểm mới, khác biệt so với chính sách ở các địa phương khác. Đà Nẵng sẽ thu hút nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đang đặt ra là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính sách sẽ tập trung vào lĩnh vực người Việt Nam có thế mạnh như thiết kế chip bán dẫn và chip AI; đưa ra nhiều cơ chế để thu hút tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới về đầu tư. "Các tập đoàn như Intel, Qualcomm, Ampere, ARM đã đặt vấn đề đầu tư vào thành phố, họ chỉ chờ cơ chế chính sách này", ông Quảng thông tin.

Thành phố không dựa vào nguồn lực trung ương mà sẽ xây dựng chính sách để tăng tính tự chủ và huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. "Đây là việc rất mới so với địa phương khác, nếu thành công sẽ là nền tảng nhân rộng trên cả nước", ông nói.

Đại biểu Trần Chí Cường (Phó đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy

Đại biểu Trần Chí Cường (Phó đoàn Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Giang Huy

Trả lời VnExpress bên lề phiên thảo luận, đại biểu Trần Chí Cường (Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) cho rằng cái lợi của mô hình này là tập đoàn, mạng lưới chuỗi cung ứng lớn sẽ tận dụng các cơ chế ưu đãi để đầu tư sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ cho các thị trường quốc tế hiệu quả hơn, giúp các bên tiếp cận nhiều hơn vào thị trường của nhau.

"Đây là cơ hội thử nghiệm các chính sách quản lý kinh tế mở hơn, cải thiện môi trường đầu tư với khả năng cạnh tranh toàn cầu, khuyến khích xuất, nhập khẩu hàng hóa đặc biệt là vốn và công nghệ", ông Cường phân tích.

Ông cho biết ở Trung Quốc, trong năm 2022 các khu thương mại tự do đã đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (khoảng 30,7 tỷ USD), 17,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (khoảng 1.000 tỷ USD) dù chỉ chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất.

Theo tính toán của TP Đà Nẵng, giai đoạn đầu, khu thương mại tự do sẽ không có dân cư thường trú và phải có hàng rào cứng để thuận lợi trong việc kiểm soát. Trong quá trình hoạt động, thành phố vừa thí điểm vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hóa ranh giới khi thỏa mãn các điều kiện nhất định để hình thành đô thị kinh doanh toàn cầu, đẳng cấp quốc tế.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do". Bà cho rằng việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chỉ phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng.

Khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến như ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng. Việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chỉnh sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam nói chung.

"Khu thương mại, tài chính tự do sẽ giúp Đà Năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hong Kong; tạo điều kiện để hình thành các chính sách ưu đãi về thuế và các quy định tài chính, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, bền vững", bà Thúy nói.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng vào ngày 26/6.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho thí điểm phương án phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng – một mô hình mới hoàn toàn và chưa được luật hóa tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN