Bí mật hình xăm trên cánh tay người cựu tù binh Côn Đảo

Trên cánh tay ông Lý Hồng Sơn, cựu tù Côn Đảo với tỉ lệ thương tật 91%, có một hình xăm mà sau khi nghe ông giải thích, chúng tôi thấm thía được cuộc sống trong chốn "địa ngục trần gian" ấy.

Chúng tôi gặp ông Lý Hồng Sơn (SN 1949, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khi ông đang trên đường ra Hà Nội tham dự Hội nghị biểu dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Với vóc người nhỏ, 2 chân đã vĩnh viễn mất đi, trên người còn nhiều vết thương, với tỷ lệ thương tật 91% phải ngồi trên chiếc xe lăn hoặc được người khác cõng, ông Sơn không ngại ngần kể với chúng tôi về những ngày bị đọa đày trong "địa ngục trần gian" - nhà tù Côn Đảo.

Ông Lý Hồng Sơn, cựu tù Côn Đảo với tỉ lệ thương tật 91%

Ông Lý Hồng Sơn, cựu tù Côn Đảo với tỉ lệ thương tật 91%

Tham gia cách mạng vào tháng 10-1964, nhập ngũ năm 1967 và chiến đấu tại chiến trường quân khu 5 tại mảnh đất Quảng Nam. Trong một trận đánh khốc liệt, ông Sơn bị địch bắt giữ vào năm 1972 và đưa ra giam giữ tại nhà tù Côn Đảo cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975. Ông kể lúc bị bắt đã bị đánh ngất, không biết được đưa đi đâu. Đến khi tỉnh lại, bị áp giải, nhìn thấy chữ "Phi trường Côn Lôn", mới biết mình đã được đưa đến nơi "Côn Lôn đi dễ khó về. Già đi bỏ xác, trai về nắm xương"

Lúc bị áp giải đưa ra nhà tù, hai bên đường, giám thị, cai ngục cầm gậy tre liên tục chửi, đánh rồi cảnh báo: "Đây là Côn Đảo, không phải đất liền, nghe lời thì yên thân, cứng đầu là đi Hàng Dương (Hàng Dương là nghĩa địa của tù nhân)".

Ba năm bị giam giữ, ông Sơn không thể nhớ hết được những trận tra tấn, những lần bị bỏ đói và những lời động viên chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tù nhân sau khi bị tra tấn còn phải lao dịch khổ sai như đập đá làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, nung vôi,... Trong khi đó, cai ngục trộn lẫn cơm với cát, sạn, thóc, trấu bắt tù nhân ăn.

Ông Sơn kể về những ngày chết đi sống lại trong lao ngục

Ông Sơn kể về những ngày chết đi sống lại trong lao ngục

Nhiều tù nhân không qua khỏi. Bản thân ông Sơn mất đôi chân cũng vì những đòn roi tra tấn dẫn đến nhiễm trùng không được chữa trị. "Khi đi đánh giặc nếu có trải qua đói khổ, dù có chết nhưng còn được tự do tự tại như chim bay, đằng này bị giam cầm thể xác giày vò, ăn uống khổ sở đúng như câu thơ "một ngày trong tù bằng ngàn năm ở ngoài""- ông rưng rưng nước mắt nhớ lại.

Không chỉ bị hành hạ về mặt thể xác, những tù nhân còn bị tra tấn về mặt tinh thần với những đòn tra khảo hay dụ dỗ đầu hàng. "Tuy nhiên, tên này thì ta nói tên khác, đơn vị đóng chỗ này thì ta nói chỗ khác… không bao giờ khai thật"- ông kể.

Những trận đòn và những tra tấn về mặt tinh thần không dập tắt được tinh thần đấu tranh, những tù nhân cách mạng liên tục đấu tranh viết những lời tố cáo Mỹ, ngụy Sài Gòn đọc trước cửa phòng giam đòi tự do đã bị địch ném lựu đạn cay vào buồng giam đàn áp. Lúc này, ông và các bạn tù đối phó bằng cách lấy nước tiểu uống sẽ hết ngạt, dùng nước tiểu xoa đều lên hai mắt sẽ hết cay. Hình thức đấu tranh quyết liệt nhất là mổ bụng. "Chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ đầu hàng, có chết cũng không khai, nếu giết thì giết. Đó là vì chúng tôi luôn tin cách mạng sẽ thắng lợi. Cũng có những người không vượt qua được, kết cục của họ rất buồn, sau này họ không có gì trong tay cả"- ông nói.

Sau 3 năm giam cầm, ngày 30-4-1975, Côn Đảo được giải phóng, ông được Quân khu ra đón. Ông kể "bạn tù" ở xà lim bên cạnh của ông suốt mấy năm trời mà không hề biết nhau, đến khi được ra tù mới lần đầu nhìn thấy mặt. Những người đồng đội của ông đã hy sinh rất nhiều. Sau này, ông Sơn có dịp gặp lại các đồng đội trong Đại đội ngày trước có tổng số 40 người, nay gặp lại chỉ còn được 6, người trong đó tất cả chỉ còn có… 4 chân.

Hình xăm trên tay ông Lý Hồng Sơn

Hình xăm trên tay ông Lý Hồng Sơn

Khi chúng tôi hỏi về hình xăm trên tay, ông cho biết hình xăm này được bạn tù xăm trong ngục. Những ngày ở Côn Đảo, không ai biết ngày mai mình còn sống hay sẽ chết, nên những tù nhân đã xăm tên và ngày sinh lên tay để nếu chết, những người bạn tù vẫn có thể nhận diện được xác. Trên cánh tay có tên ông được xăm bằng tiếng Hán và dòng ngày tháng năm sinh. "Chúng tôi không dám viết tên tiếng Việt bởi sợ lính ngụy ở Côn Đảo khai thác lai lịch. Còn ngày sinh 15-5-1950 là ngày sinh thật của tôi, khác so với trong chứng minh thư là năm 1949 là do trước đây tôi có khai tăng 1 tuổi để xung phong đi bộ đội"- ông Sơn giải thích.

"Tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật may mắn, vì mình vẫn còn có ngày về trong vòng tay của người thân, còn lập gia đình, con cái được Nhà nước ưu đãi học hành đều đã trưởng thành, trong khi đồng đội mình có biết bao người đã ngã xuống ngay trước mắt mình. Mỗi khi đi đâu, hễ biết tôi là cựu tù Côn Đảo là lại nhận được những tình cảm nồng ấm, trân trọng. Với một người lính, như thế cũng đã là quá mãn nguyện"- ông Sơn chia sẻ.

Kỷ vật 10 cô gái Đồng Lộc kể lại chuyện tình yêu nơi tọa độ lửa

Bức thư gửi mẹ, nồi cá kho dở hay chiếc lược cùng lọn tóc hẹn thề... là những kỷ vật của 10 cô gái TNXP được trưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Ngọc ([Tên nguồn])
Ngày Thương binh liệt sỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN