Bị cấm bay vẫn sang được Nga bằng... hàng không

Sự kiện: Tin nóng

Hiện nay, tại các sân bay, công tác sàng lọc đối tượng cấm bay vẫn được làm thủ công, mỗi cơ quan có cách sàng lọc khác nhau nên dễ để "lọt lưới" những hành khách bị cấm bay.

Nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận vừa xảy ra trường hợp một nữ hành khách người Việt bị nhà chức trách hàng không Việt Nam (HKVN) cấm bay nhưng vẫn sang được Nga bằng đường hàng không. Sự việc này làm dấy lên quan ngại về công tác phối hợp của các cơ quan chức năng tại cảng hàng không quốc tế cũng như mức độ ứng dụng công nghệ trước diễn biến phức tạp của công tác kiểm soát an ninh trong vận tải hàng không hiện nay.

40 lệnh cấm bay trong năm 2017

Sự việc hy hữu trên xảy ra đối với hành khách Phạm Thị Thu Thủy (SN 1982, ngụ TP Hải Dương). Bà Thủy bị Cục HKVN ra quyết định cấm bay có thời hạn 6 tháng, hiệu lực từ ngày 16-9-2017 đến hết ngày 15-3-2018. Hết thời hạn cấm bay, bà Thủy nếu đi lại bằng đường hàng không phải tuân thủ sự kiểm tra trực quan bắt buộc trong 6 tháng tiếp theo.

Theo quy định, trong thời gian cấm bay, hành khách không được sử dụng dịch vụ của bất cứ hãng hàng không nào có đường bay đến/đi từ Việt Nam. Thế nhưng mới đây, bà Thủy đã xuất cảnh trên chuyến bay SU 291 của hãng hàng không Aeroflot (Nga) từ Hà Nội đi Moscow.

Sau khi phát hiện sự việc, Cục HKVN đã yêu cầu hãng Aeroflot phải tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm về vụ việc; đồng thời có biện pháp thích hợp, hiệu quả để cảnh báo, phát hiện ngay đối tượng bị cấm vận chuyển khi đặt chỗ, làm thủ tục đi máy bay để ngăn chặn kịp thời.

Bị cấm bay vẫn sang được Nga bằng... hàng không - 1

Sân bay Nội Bài, nơi một hành khách bị cấm bay nhưng vẫn sang được Nga bằng đường hàng không

Cục HKVN cho biết năm 2017 có khoảng 40 lệnh cấm bay được ban hành - con số cao nhất từ trước đến nay. Theo báo cáo tổng hợp của các cảng vụ hàng không, lý do cấm bay xuất phát từ các hành vi vi phạm phổ biến là hành khách hút thuốc lá trong buồng vệ sinh trên máy bay; không tuân theo hướng dẫn về bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn hàng không của thành viên tổ bay; trộm cắp, chiếm đoạt tài sản khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay hoặc trên máy bay… Các vi phạm này có thể chỉ phạt vi phạm hành chính nhưng hành khách chây ì không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cấm bay. Tuy nhiên, trong các đối tượng cấm bay cũng không loại trừ những trường hợp nguy hiểm như tái phạm nhiều lần, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không…

Vì sao "lọt lưới"?

Theo quy định, lệnh cấm bay của Cục HKVN ban hành sẽ được gửi đến nhiều cơ quan để phối hợp thực hiện trong toàn bộ 21 cảng hàng không cả nước. Bao gồm các hãng hàng không trong và ngoài nước, Tổng Công ty Cảng HKVN, các cảng vụ hàng không (cơ quan đại diện của Cục HKVN tại các sân bay), các cảng hàng không (đơn vị quản lý lực lượng an ninh hàng không), công an cửa khẩu, chi cục hải quan sân bay.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến bà Thủy "lọt lưới" xuất cảnh được trong khi lệnh cấm bay vẫn còn hiệu lực?

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia công tác trong ngành hàng không cho biết một hành khách đi chuyến bay quốc tế phải thực hiện kiểm tra giấy tờ tùy thân qua nhiều cửa: khi làm thủ tục check-in, khi qua cửa kiểm tra an ninh để vào khu vực cách ly và khi làm thủ tục xuất cảnh tại cơ quan công an cửa khẩu.

Hiện nay, công tác sàng lọc đối tượng cấm bay vẫn được làm thủ công. Tức là mỗi khi có lệnh cấm bay, Cục HKVN gửi văn bản đến từng đầu mối thực hiện. Tại các cửa kiểm tra an ninh có dán bảng danh sách cấm bay để nhân viên an ninh hàng không ghi nhớ và tự đối chiếu khi kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách đi vào khu vực cách ly. Nếu danh sách cấm bay quá dài, nhân viên an ninh hàng không cũng khó ghi nhớ hết để thực hiện. Do không được cập nhật trong cùng hệ thống, mỗi cơ quan có cách sàng lọc khác nhau nên rất khó phối hợp. 

Chậm triển khai

Một chuyên gia ngành hàng không cho biết đến năm 2017, Cục HKVN mới triển khai dự án xây dựng hệ thống cảnh báo bạo động, khủng bố, danh sách đen, bao gồm cả các đối tượng truy nã, cấm bay, đối tượng yêu cầu phải kiểm tra trực quan bắt buộc. Dự kiến đến cuối năm 2018, dự án này mới hoàn thiện. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng cơ chế quản lý tập trung cơ sở dữ liệu để triển khai trên 21 sân bay trong cả nước, đến tận đầu làm thủ tục check-in và kiểm tra an ninh. Trong đó, Cục HKVN quản lý cơ sở dữ liệu, cập nhật vào hệ thống danh sách tất cả đối tượng cấm bay để hệ thống tự phát hiện, cảnh báo khi "đọc" thông tin hành khách trong các khâu làm thủ tục check-in, kiểm tra thẻ lên tàu, giấy tờ tùy thân đi máy bay.

Vợ hơn 10 tuổi đấm chồng sưng mắt trên máy bay: Cấm bay cả đôi

Đánh nhau trên máy bay và không chịu nộp phạt vi phạm hành chính, một cặp vợ chồng đã bị cấm bay trong thời hạn 12 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN