“Bão số 2 không thể chạy như tàu hỏa”

“Cơn bão đi không giống như một đoàn tàu, thậm chí đoàn tàu chạy từ Hà Nội đến Huế còn bị sai giờ, trễ giờ, đến sớm hoặc đến muộn, huống hồ đây là bão. Mà bão thì không ai dám nói là đúng giờ đấy bão vào”.

Đây là cách ví von của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương khi nói về cơn bão số 2 trong cuộc họp đánh giá công tác dự báo và phục vụ cơn bão số 2 (có tên quốc tế là Benbinca).

Cuộc họp do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức vào sáng 28/6, tại Hà Nội.

“Nói bão vào bờ trước 9 tiếng là không đúng”

Một số ý kiến nhận định thời gian đổ bộ của bão số 2 vào bờ trước 9 tiếng so với dự báo của Trung tâm, ông Tăng lý giải, thời điểm đổ bộ của bão không thể xác định chính xác vào một giờ cụ thể nào được, chỉ có thể xác định bão vào bờ khoảng thời gian, trưa, chiều, tối.

Thông thường, một cơn bão khi vào đất liền sẽ kéo dài 4 đến 5 tiếng thậm chí cả 10 tiếng. “Cơn bão đi không giống như một đoàn tàu, thậm chí đoàn tàu chạy từ Hà Nội đến Huế còn bị sai giờ, trễ giờ, đến sớm hoặc đến muộn, huống hồ đây là bão. Mà bão thì không ai dám nói là đúng giờ đấy bão vào”, ông Tăng nói.

Ông Tăng cho biết thêm, không bản tin nào của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa thông tin bão số 2 sẽ đổ bộ vào đất liền vào lúc 4h sáng 24/6 như báo chí đã nêu.

“Bão số 2 không thể chạy như tàu hỏa” - 1

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương

Mặt khác, từ ngày 22/6, trong các bản tin của trung tâm và trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Trung tâm đã dự báo bão số 2 sẽ đổ bộ trong ngày và đêm 23/6. Do đó, mọi công tác chuẩn bị phòng chống bão phải được hoàn thành trước đêm 23/6.

“Các bản tin của trung tâm được cập nhật liên tục về gió, lượng mưa thực tế tới trung tâm khí tượng thủy văn các tỉnh nên không thể nói người dân bị bất ngờ trong quá trình diễn biến của cơn bão này”, ông Tăng nói.

Ông Tăng cho biết, trung tâm phát “Tin áp thấp trên biển Đông” vào 13h30 ngày 20/6 và đã có cảnh báo tin áp thấp nhiệt đới này có thể mạnh lên thành bão trong 24h tiếp theo.

“Bão số 2 không thể chạy như tàu hỏa” - 2

Đê kè ở huyện Cát Hải, Hải Phòng bị sạt lở sau bão số 2

Sáng ngày 21/6 trung tâm tiếp tục phát tin bão trên biển Đông đồng thời có cảnh báo “Vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ từ chiều mai (22/6), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh…”.

Đến đêm 21/6, trung tâm phát “Tin bão gần bờ” và tiếp tục nhận định chiều tối 23/6, bão đi vào địa phận  Quảng Ninh – Hải Phòng. Trưa ngày 22/6, Trung tâm phát “Tin bão khẩn cấp” nhận định bão đi vào qua Hải Nam, Trung Quốc sau đó đi vào vùng Bắc Bộ, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận Hải Phòng – Thái Bình vào chiều tối ngày 23/6.

“Như vậy, trung tâm luôn theo sát và điều chỉnh kịp thời diễn biến của bão số 2 kịp thời phục vụ cho Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương trong việc chỉ đạo phòng chống bão số 2. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão cũng đánh giá tốt công tác dự báo bão số 2”, ông chia sẻ.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tính đến 17h ngày 24/6/2013, thiệt hại do bão số 2 gây ra: Ở Nghệ An 1 người chết và hai người mất tích vì bị lũ cuốn, 1 ngôi nhà bị cuốn trôi, 7.100m kênh bị hư hỏng; Quảng Ninh 6 ngôi nhà bị sập; Thủy lợi, 1.980 m đê, kè bị sạt lở (Quảng Ninh: 12 m; Hải Phòng: 510 m; Nam Định: 1.158m; Thái Bình 297m…)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN