Bầm dập vì… trúng độc đắc

Sự kiện: Thời sự

Có những người nghèo khó gặp được vận may khi trúng số độc đắc. Thế nhưng, đổi đời đâu chưa thấy mà họ phải chuốc lấy vô vàn rắc rối…

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1989; ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) không giấu nỗi bức xúc: “Do tin bạn mà tôi vướng vào vòng kiện tụng, nợ nần, cuộc sống và công việc bị xáo trộn”.

Huynh đệ tương tàn

Cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà vợ chồng anh Tuấn không thuận thảo, dẫn đến ly hôn. Người vợ trẻ để lại cho anh “gia tài” lớn nhất là đứa con gái 2 tuổi. Anh Tuấn theo cha phụ việc kiếm tiền nuôi con với thu nhập hằng tháng khoảng 3 triệu đồng.

Tuy nghèo nhưng sống có tình có nghĩa nên anh Tuấn được bạn bè quý mến, trong đó có Lâm Văn Vui, ở gần nhà. Gia đình Vui thuộc diện khá giả nhưng 2 người rất thân nhau và họ kết nghĩa anh em. Khoảng 11 giờ ngày 6-10-2015, anh Tuấn rủ Vui và 2 người bạn đến quán cà phê của anh Lê Văn Có tổ chức nhậu. Sau khi uống hết 1 lít rượu, có người bán vé số đến mời mua. Ai nấy đều lắc đầu, chỉ anh Tuấn mua 5 tờ vé số.

Trả tiền xong, anh Tuấn liền đưa cho Vui tất cả 5 tờ vé số và nói: “Anh giữ giùm em”. Theo lời anh Tuấn, thời gian gần đây, Vui liên tục nhận được nhiều may mắn nên đưa giữ để lấy hên. Mặt khác, Vui là anh em kết nghĩa, con của chủ cơ sở bán vật liệu xây dựng nên không có chuyện bậy bạ về tiền bạc. Tiệc nhậu đến 12 giờ thì tan, ai nấy ra về, không nhắc chuyện 5 tờ vé số.

Trưa hôm sau, Vui đem 200 triệu đồng đưa cho anh Tuấn và nói: “Tiền hôm qua anh em mình nhậu, em mua 5 tờ vé số đưa cho anh, trúng 2 tờ đặc biệt”. Anh Tuấn khá bất ngờ nhưng cũng nhận 200 triệu đồng rồi đưa cho mẹ cất giữ. Tuy nhiên, nghĩ việc mình nhờ Vui giữ giùm 5 tờ vé số chứ không phải tặng nên anh Tuấn yêu cầu chia đôi. Vui không đồng ý, anh Tuấn làm đơn tố cáo đến công an.

Bầm dập vì… trúng độc đắc - 1

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (bìa phải) và những người bạn nhậu hôm mua vé số Ảnh: DUY NHÂN

Bầm dập vì… trúng độc đắc - 2

Bà Nguyễn Thị Tuyết (đứng) cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện tới cùng Ảnh: CÔNG TUẤN

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu xác định lời khai của nhân chứng hoàn toàn phù hợp với trình báo của anh Tuấn. Tuy nhiên, đây là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Sau nhiều tháng mất ăn mất ngủ, bỏ cả công việc để chạy lo thủ tục kiện tụng, gia đình anh Tuấn bàng hoàng khi bị TAND thị xã Giá Rai xử sơ thẩm tuyên bác đơn. “Mặc dù rất hoang mang, tuyệt vọng vì trúng số không được hưởng mà còn mất quá nhiều thời gian và tiền bạc nhưng tôi không còn đường nào khác là phải tiếp tục đeo đuổi vụ kiện đến cùng. Rất giận Vui nhưng tôi luôn nghĩ nếu thắng kiện sẽ chia cho anh ấy một tờ” - anh Tuấn nói.

Ngày 25-8, TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên chấp nhận kháng cáo của anh Tuấn, buộc Vui trả cho nguyên đơn 2,7 tỉ đồng, tương đương với số tiền của 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt (sau khi trừ thuế). HĐXX cũng chấp nhận yêu cầu của anh Tuấn là chia cho bị đơn một tờ vé số trúng thưởng, trừ 200 triệu đồng trước đó.

Thế nhưng, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, Vui không tự nguyện thi hành án mà làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chờ gần một tháng mà chưa nhận được tiền, anh Tuấn đành làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng cho đến thời điểm này, đã hơn 20 ngày trôi qua, cơ quan thi hành án vẫn chưa có động tĩnh gì. “Nếu biết trước trúng số mà rắc rối như vậy thì tôi sẽ không mong chờ điều đó xảy ra. Giờ chưa biết số tiền đó có thuộc về mình hay không nhưng đã mất đi quá nhiều. Mất tình nghĩa, mất tiền và mất cả sự hồn nhiên khi gặp bạn bè, lối xóm” - anh Tuấn chua chát.

Vào vòng lao lý

Những ngày qua, ngôi nhà tình thương của bà Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi; ngụ ấp Thuận Hòa, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đầy ắp người đến chia sẻ, động viên theo đuổi tới cùng vụ kiện tờ vé số trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng nghi bị đánh tráo. Bởi trong phiên xét xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao về TAND TP Rạch Giá xét xử lại vì vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Cụ thể, tòa cấp phúc thẩm cho rằng phía nguyên đơn là bà Tuyết đã kiện “nhầm” bị đơn là ông Ngô Xương Phúc (45 tuổi, chủ đại lý vé số Triều Phát ở TP Rạch Giá), thay vì kiện bà Ngô Thị Thu (chị ruột ông Phúc). Theo HĐXX, bà Thu đứng tên trong giấy phép kinh doanh của đại lý vé số này nên mới là người bị kiện. Ngặt nỗi, bà Thu đang định cư ở nước ngoài nên quá trình giải quyết vụ kiện này sẽ không đơn giản vì tốn rất nhiều thời gian.

Theo đó, tối 21-7-2011, anh Nguyễn Thành Được (26 tuổi, con bà Tuyết) phát hiện tờ vé số mà mình mua của một “đồng nghiệp” (anh Được bán vé số dạo) để lấy hên đã trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng. Do bị tật nguyền nên anh Được đã gọi điện cho mẹ mình đến thị xã Hà Tiên (nơi anh Được thuê trọ), tỉnh Kiên Giang để giữ tờ vé số vì sợ bị mất.

Sáng hôm sau, mẹ con bà Tuyết cùng ông Trần Thanh Phương (cậu bà Tuyết) và vài người thân đến đại lý Triều Phát để đổi tờ vé số trúng thưởng. Sau khi xem qua bằng mắt thường rồi đưa vào máy để soi, ông Phúc khẳng định tờ vé số đã trúng giải đặc biệt. Có mặt bà Thu nhưng chính ông Phúc là người đứng ra thương lượng với phía bà Tuyết về số tiền huê hồng đổi thưởng, cách trả thưởng bằng vàng hay tiền mặt...

Một tình tiết gây tranh cãi là sau khi khẳng định tờ vé số đã trúng thưởng, thay vì yêu cầu bà Tuyết tự điền thông tin cá nhân và ký tên vào mặt sau tờ vé số thì ông Phúc lại... ghi giùm, sau đó đẩy tờ vé số sát mặt bàn (không lật ra mặt trước) về phía ông Phương và yêu cầu ký tên vào.

Ông Phương ký xong, ông Phúc bỏ tờ vé số vô tủ rồi gọi ông Ngô Xương Bình (cháu ông Phúc) vào với lý do: “Kiểm tra kỹ lại tờ vé số để trả thưởng cho người ta (!?)”. Mở hộc tủ lấy ra tờ vé số, ông Bình chỉ cần xem qua xong rồi phản ứng ngay: “Vé số cắt dán thế này mà trúng cái gì”. Từ đây, bà Tuyết và những người đi chung bị mời đến cơ quan công an để lấy lời khai. Sau khi về nhà, bà Tuyết làm đơn tố cáo ông Phúc đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Thế nhưng khi vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã đình chỉ vụ án vì cho rằng ông Phúc, bà Thu và ông Bình không có hành vi đánh tráo tờ vé số của bà Tuyết. Không cam tâm, bà Tuyết khởi kiện ông Phúc ra tòa.

Sau nhiều phiên tòa đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng bị hoãn, bà Tuyết và người thân đã phản ứng phía ngoài tòa vượt quá sự cho phép nên bị tuyên phạt tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Đầu tháng 4 vừa qua, TAND TP Rạch Giá đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tuyết, buộc ông Phúc phải trả cho nguyên đơn 1,5 tỉ đồng. HĐXX cho rằng đại lý Triều Phát đã vi phạm nguyên tắc giao dịch dân sự, dẫn đến việc bà Tuyết không được nhận số tiền 1,5 tỉ đồng như đã thỏa thuận. Vì thế, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.

Lỗi từ cơ quan chức năng?

Khi HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm vụ bà Nguyễn Thị Tuyết kiện ông Ngô Xương Phúc để xét xử lại vì vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, nhiều người trong giới luật cho rằng việc sai này không phải lỗi của phiên tòa sơ thẩm mà là lỗi từ phía cơ quan chức năng của TP Rạch Giá. Theo đó, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, TAND TP Rạch Giá có nhận được Công văn số 175 (ngày 2-7-2013) của UBND TP Rạch Giá xác định chưa bao giờ cấp giấy phép kinh doanh cho đại lý vé số Triều Phát. Trả lời trước HĐXX cấp sơ thẩm, ông Phúc cũng cho rằng mình chính là chủ đại lý vé số này nên việc xác định tư cách bị đơn đối với ông là có cơ sở.

Thế nhưng, sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, phía UBND TP Rạch Giá lại có công văn gửi tòa án để... xin lỗi vì “nhầm”. Cơ quan này cho rằng do dữ liệu quản lý hồ sơ trên máy chỉ thể hiện từ năm 2008 trở về sau này, còn từ năm 2008 trở về trước thì không thể hiện. Theo UBND TP Rạch Giá, đại lý vé số Triều Phát đã được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2006, trong đó bà Thu là người đứng tên (!?).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DUY NHÂN - CÔNG TUẤN (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN