Bạc Hy Lai: Những góc khuất cuộc đời

Cùng nhìn lại Bạc Hy Lai với những góc khuất chưa từng biết trong cuộc đời.

Ngày 28/9, Tân Hoa xã ra thông báo: Hội nghị Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc đã quyết định khai trừ đảng, bãi bỏ mọi chức vụ công của Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Trùng Khánh - về những tội lỗi đã phạm phải trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Bộ Thương mại và TP Trùng Khánh. Hành động này được coi là dọn đường cho bước tiếp theo: giao vụ việc sang cho cơ quan pháp luật xử lý.

Tội lỗi chủ yếu của Bạc Hy Lai được báo chí Trung Quốc khái quát lại là “lạm dụng chức quyền, tham nhũng hủ bại, sinh hoạt tha hoá, dùng người sai trái”. Tuy nhiên, sau khi thông tin về việc Bạc Hy Lai bị “song khai” (khai trừ đảng, khai trừ (bãi) chức), trên báo chí trong nước Trung Quốc và Hoa ngữ hải ngoại đã có nhiều bài viết phân tích, làm rõ thêm vấn đề của Bạc Hy Lai và chân tướng của con người này...

Nổi lên với “mô hình Trùng Khánh”

Quê gốc ở Sơn Tây, nhưng Bạc Hy Lai sinh ở Bắc Kinh (3/7/1949), trong Cách mạng Văn hóa tham gia Hồng vệ binh, năm 1972 đi làm công nhân cơ khí; tháng 2 năm 1978 vào học tại chức đến năm 1979 thì tốt nghiệp khoa Sử, đại học Bắc Kinh, vào đảng năm 1980; năm 1982 đỗ bằng Thạc sĩ ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, sau đó vào Phòng nghiên cứu Ban Bí thư TW rồi trở thành cán bộ thuộc Văn phòng TW Đảng.

Bạc Hy Lai: Những góc khuất cuộc đời - 1

Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai và Bạc Qua Qua

Là con trai của Bạc Nhất Ba, một bậc nguyên lão, Ủy viên BCT, hai lần làm Phó Thủ tướng nên Bạc Hy Lai thăng tiến như diều gặp gió trên chính trường.

Từ năm 1984, Bạc Hy Lai được đưa về cơ sở để rèn luyện, phát triển. Ông lần lượt được giao giữ các chức Phó bí thư rồi Bí thư huyện ủy huyện Kim (Liêu Ninh), Bí thư khu ủy Kim Châu (Đại Liên), Phó thị trưởng, Phó Bí thư, rồi Thị trưởng Đại Liên (từ 1992- 1999), UVTV tỉnh ủy Liêu Ninh, Bí thư thành ủy Đại Liên rồi Tỉnh trưởng Liêu Ninh (2-2001); năm 2004 sau khi một loạt các vụ việc tham nhũng bị phát hiện ở Liêu Ninh, Bạc Hy Lai được điều trở lại Bắc Kinh làm Bộ trưởng Thương Mại.

Tháng 10/2007, Bạc Hy Lai được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị khóa 17, đến 30/11 cùng năm, được điều về làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh – một đơn vị hành chính cấp tỉnh được tách từ tỉnh Tứ Xuyên. Từ đây, Bạc Hy Lai trở nên nổi danh bởi thành công của “Mô hình Trùng Khánh”.

Báo chí Trung Quốc một dạo ra sức tuyên truyền cho thành công của “Mô hình Trùng Khánh”.

Theo đó, trong thời gian Bạc Hy Lai nắm quyền lãnh đạo, năm 2008, kim ngạch đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Trùng Khánh đã tăng 170%, đạt 2,7 tỷ USD, từ vị trí thứ 6/12 tỉnh thành miền Tây, nhảy lên đứng thứ 2; năm 2009 thu hút thêm được 4 tỷ USD, chiếm ngôi vị số 1; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 đạt tới 14,3%. Tháng 7/2008, thành ủy Trùng Khánh đã đưa ra “quyết sách chiến lược xây dựng mô hình Trùng Khánh” gọi là “5 đặc điểm Trùng Khánh: dễ sống, (giao thông) thông suốt, xanh hóa, bình yên, lành mạnh” với những biện pháp cụ thể được lòng dân, được đánh giá cao, như xây dựng thêm 164 quảng trường, 882 công viên, vườn hoa, tỷ lệ diện tích cây xanh thảm cỏ trong thành phố đạt 41,8%, đứng đầu cả nước. Năm 2011, Trùng Khánh được xếp thứ 5 trong danh sách “100 thành phố sống hạnh phúc” của Trung Quốc....

Bạc Hy Lai phát động ở Trùng Khánh chiến dịch gọi là “Đả hắc trừ ác” (dẹp xã hội đen, trừ ác cho dân), bắt giam tới 3.000 người trong các vụ án.

Ông ta cũng phát động phong trào “Hát nhạc đỏ, đọc kinh điển, kể chuyện cũ, truyền danh ngôn”, lập ra danh mục “27 ca khúc cách mạng phải thuộc” để dạy trong các trường học, cho lập các tấm bảng màu đỏ trích lời Mao Trạch Đông dựng khắp nơi trong thành phố. Những hành động đó đã gây nên tranh cãi lớn trong xã hội Trung Quốc.

Những báo chí ủng hộ như trang mạng “Utopia” ca ngợi Bạc Hy Lai là “người đem tư tưởng Mao Trạch Đông trở lại Trùng Khánh”, “lãnh tụ mới”, tung hô “Tinh thần Bạc Hy Lai muôn năm”... Những người phản đối thì phê phán ông “sáo rỗng”, “giáo điều”, “chơi ván cờ chính trị”, “giáo dục ngu dân”, “nọc độc CMVH rơi rớt”...

Gia cảnh phức tạp

Là con cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhưng trong bối cảnh chính trị - xã hội chung của Trung Quốc, gia đình Bạc Hy Lai khá phức tạp.

Bạc Hy Lai: Những góc khuất cuộc đời - 2

Bạc Hy Lai và con trai Bạc Qua Qua phía sau là bức ảnh người cha Bạc Nhất Ba, một lão thành cách mạng của Đảng cộng sản Trung Quốc

Bố ông, Bạc Nhất Ba (1908-2007) là một cán bộ lão thành, từng được giao nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế quốc gia, Phó thủ tướng, trong cách mạng văn hóa bị đánh đổ, đấu tố, đến khi cải cách mở cửa lại được phục chức Phó thủ tướng, sau khi nghỉ hưu thì giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn TW, được coi là một trong số “8 vị nguyên lão”.

Bạc Nhất Ba có 2 vợ, bà đầu là Lý Như Minh, sinh 1 con gái là Bạc Hy Oanh; bà thứ 2 tên Hồ Minh, vốn là thư ký của ông, tự sát chết trong CMVH, sinh được 2 con gái, 4 con trai (Bạc Hy Lai là con trai thứ 2).

Ông Bạc Hy Lai cũng có 2 vợ, đều là con cán bộ cấp cao. Bà vợ đầu Lý Đan Vũ là con gái ông Lý Tuyết Phong (Bí thư TW, Bí thư thành ủy Bắc Kinh thời kỳ CMVH). Hai người kết hôn năm 1976, ly hôn năm 1984. Bà Lý Đan Vũ là bác sĩ Viện Quân y Bắc Kinh. Hai người có một con trai là Bạc Vọng Tri (sinh 1977, sau đổi theo họ mẹ là Lý Vọng Tri).

Bà vợ thứ 2 Cốc Khai Lai là con ông Cốc Cảnh Sinh (1913-2004), Thiếu tướng quân đội. Hai người có 1 con trai là Bạc Qua Qua (sinh 1977, hiện sống ở bang Massachuset (Mỹ).

Những anh, chị, em của ông Bạc Hy Lai đều khá thành đạt. Người chị khác mẹ là Bạc Hy Oanh nguyên là Vụ trưởng Vụ châu Phi, Bộ ngoại giao; Chị gái Bạc Khiết Oanh là Tiến sỹ Y khoa sống ở Mỹ; Người anh cả Bạc Hy Vĩnh từng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quang Đại lừng danh; em trai Bạc Hy Thành hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Trung Tín; những người em khác cũng đều là giáo sư đại học hoặc làm kinh doanh.

Hai con trai, hai số phận

Ông Bạc Hy Lai có hai con trai với hai bà vợ. Cùng mang dòng máu của cha, nhưng được những bà mẹ khác nhau nuôi dưỡng, họ có số phận khác nhau một trời một vực.

Bạc Hy Lai: Những góc khuất cuộc đời - 3

Hai mẹ con Lý Đan Vũ và Lý Vọng Tri

Người con đầu Bạc Vọng Tri do bà Lý Đan Vũ sinh năm 1977, khi lên 7 tuổi thì cha mẹ ly dị do xuất hiện “người thứ 3” là Cốc Khai Lai – em gái của người bác dâu. Bạc Vọng Tri sống với mẹ, chẳng hề được cha ngó ngàng tới, sau đổi sang họ mẹ thành Lý Vọng Tri. Anh được mẹ nuôi nấng học xong Đại học Bắc Kinh, sang Mỹ học tiếp bằng Thạc sĩ truyền thông ở đại học Columbia rồi trở về nước làm cho một quỹ tư nhân.

Không biết do lo sợ sau này Lý Vọng Tri được cha ưu ái hay vì lý do gì mà dù Bạc Hy Lai hầu như không ngó ngàng gì đến anh, nhưng Cốc Khai Lai vẫn đe dọa Lý Vọng Tri “hãy tránh xa Bạc gia, nếu không sẽ mất mạng”.

Lần cuối cùng Lý Vọng Tri gặp mặt cha là tại tang lễ ông nội. Nhiều người dự đám tang đã rất bất bình khi chứng kiến Cốc Khai Lai đuổi Lý Vọng Tri khỏi hàng ngũ con cháu họ Bạc. Lý Vọng Tri phải lên xe hơi khóc chịu tang ông, nhưng vẫn bị Cốc Khai Lai cho người đuổi khỏi đám tang. Hồi đầu năm 2012, báo chí Hoa ngữ đã đưa tin Lý Vọng Tri bị công an tạm giữ một thời gian vì “dính líu đến một vụ án kinh tế”.

Giới thạo tin cho rằng đó là cách để Cốc Khai Lai dằn mặt bà Lý Đan Vũ vì sợ rằng bà sẽ tiết lộ những “thông tin khủng khiếp” làm ảnh hưởng đến sự thăng tiến của Bạc Hy Lai. Trong một lần hiếm hoi tiếp xúc với báo chí, hôm 25/4/2012, Lý Vọng Tri đã nhận trả lời qua điện thoại phóng viên hãng Bloomberg.

Anh khẳng định: từ xưa đến nay chưa bao giờ lợi dụng chức vụ, địa vị của cha để mưu lợi cho mình, đã 5 năm nay anh không gặp cha kể từ sau đám tang ông nội, nhưng việc ông Bạc Hy Lai ngã ngựa đã ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của anh.

Lý nói: “Sự kiện này đã hủy hoại cuộc sống của tôi. Tôi không thể khống chế suy nghĩ của người khác, nhưng tôi không hề muốn dính dáng đến ông ấy. Tôi không mang họ Bạc, xin hãy nhớ điều đó”. Tuy nhiên, anh mong muốn vụ việc của Bạc Hy Lai được kết luận một cách công bằng.

Trong khi đó, người em trai khác mẹ, “công tử Bạc Qua Qua” được đưa sang Anh du học từ khi 11 tuổi ở trường Harold giành cho con cái quý tộc, sau đó vào trường Oxfort danh giá, nhưng do học kém nên bị sa thải, sau nhờ can thiệp của Thống đốc Hongkong Patten, Bạc Qua Qua mới được vào học trường Kennedy thuộc đại học Harvard.

Bạc Qua Qua viết bài trên tờ báo của trường Harvard rằng học phí và sinh hoạt phí của mình đều lấy từ học bổng và thu nhập từ nhuận bút và làm luật sư của mẹ. Tuy nhiên báo chí Anh lại khẳng định mọi khoản chi phí đều do tỷ phú Từ Minh bỏ ra.

Về sinh hoạt, Bạc Qua Qua nổi tiếng là tay chơi có những mối quan hệ tình ái phức tạp và nhiều lần được lên báo chí Anh, Mỹ bởi các vụ bị cảnh sát tạm giữ hoặc bị phạt vì chạy xe quá tốc độ.

Với việc Bạc Hy Lai bị kết tội: “lợi dụng chức quyền để mưu lợi cho người khác, trực tiếp hoặc thông qua người nhà để nhận khoản hối lộ khổng lồ”, giới pháp luật cho rằng “người nhà” ở đây ám chỉ việc Bạc Qua Qua liên quan đến việc phạm tội của cha bởi khi bà Cốc Khai Lai bị xử đã không đề cập đến vấn đề “nhận hối lộ”.

Như thế, khả năng Bạc Qua Qua bị yêu cầu dẫn độ về nước và phải đối diện với tội danh nhận hối lộ là rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN