Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đe dọa TP.HCM

Sự kiện: Tin bão

Dải hội tụ nhiệt đới có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí thành bão, gây ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM và Nam Bộ.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, đe dọa TP.HCM - 1

Những ngày cuối tháng 10, TP.HCM sẽ có mưa to đến rất to

Ngày 27.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, dải hội tụ nhiệt đới (vùng hội tụ gió) đang nằm trên khu vực nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông mạnh, trong cơn dông có khả năng gió giật mạnh cấp 6-7, sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m, biển động. 

Đến ngày 28.10, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp ngay trên vùng biển quần đảo Trường Sa, sau đó vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng xấu đến thời tiết các vùng biển phía nam và khu vực đất liền Nam Bộ. 

Phân tích dữ liệu, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng, dải hội tụ nhiệt đới nhiều khả năng sẽ mạnh thành áp thấp nhiệt đới và không loại trừ khả năng mạnh thành bão.

“Thời gian thành áp thấp nhiệt đới có thể sẽ vào các ngày cuối tháng 10, tức là 30, 31 này. Vùng ảnh hưởng trực tiếp sẽ là toàn bộ khu vực vùng biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau, từ Cà Mau, Kiên Giang, Phú Quốc, toàn bộ trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Nhận định nếu có hình thành bão, áp thấp nhiệt đới thì cường độ không mạnh lắm nhưng mức độ nguy hiểm cũng sẽ rất nghiêm trọng”, ông Quyết cho biết.

Theo ông Quyết, dù khả năng hình thành bão, áp thất nhiệt đới vẫn còn đang phải tiếp tục theo dõi, song không được phép chủ quan.

“Còn nhớ cách đây đúng 20 năm, cơn bão LinDa đã làm gần 3.000 người chết và mất tích, hư hại rất nhiều tài sản. Cơn bão LinDa ban đầu cũng không mạnh nhưng chỉ trong 36 giờ gió từ cấp 6 đã mạnh lên cấp 11. Tốc độ di chuyển cũng rất nhanh, 25km/h nên nếu chủ quan chúng ta sẽ không kịp trở tay”, ông Quyết cảnh báo.

Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, theo dự báo quỹ đạo bão sẽ di chuyển thiên về hướng Tây nên nếu như ảnh hưởng tới các tỉnh phía nam như: Cà Mau, Kiên Giang bão vẫn tiếp tục tàn phá vùng biển phía tây, bao gồm cả đảo Phú Quốc. Bão vẫn giữ cường độ khá mạnh nên sẽ nguy hiểm cho toàn vùng biển phía tây thuộc Nam Bộ trong các ngày 1-2/11.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để cung cấp thông tin sớm nhất vì đây mới chỉ là những nhận định ban đầu để có thông tin sớm giúp bà con chủ động ứng phó. Việc có thể hình thành bão, áp thấp nhiệt đới hay không  cần có thêm thời gian 1-2 ngày tới mới có thể xác định cụ thể hơn” ông Quyết chia sẻ.

Từ ngày 30 đến 31 không khí lạnh tăng cường mạnh xuống phía Nam, nén dải hội tụ nhiệt đới lùi xuống phía nam. Do vây những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 Nam bộ sẽ mưa nhiều, có nơi mưa to đến rất to, kèm dông, sét, gió giật mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN