Ám ảnh “vong nhập, tàu ma”
Hàng chục vụ tai nạn với nhiều người tử vong khiến đoạn đường ngang dân sinh thuộc địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An) trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
Mê cung tử lộ
Người dân tại huyện Diễn Châu liên tục nhận được hoang tin đoạn đường ngang dân sinh cắt đường sắt Thống nhất, thuộc địa bàn xã Diễn Trường bị “ma ám”. Được biết, tại đây đã có hàng chục vụ tai nạn tàu hỏa, gây chết người. Chỉ tính trong vòng một năm trở lại đây, tại đường ngang dân sinh km 267 + 400, đã có tới 6 vụ tai nạn đường sắt và làm 3 người tử vong tại chỗ. Vụ tai nạn mới đây nhất xảy ra lúc 14h50 ngày 23/11, tàu chở hàng số hiệu 234 đã va vào cụ Phạm Thị Triên, 84 tuổi (thường trú xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu) làm cụ tử vong tại chỗ.
Trước đó, lúc 5h55 phút ngày 3/2/2012, cũng ở đoạn đường này, một nam thanh niên định băng qua đường sắt để sang quốc lộ 1A thì gặp nạn. Nhiều người chứng kiến vụ tai nạn đau lòng lúc đó kể lại, người bị nạn là anh Nguyễn Thế Đại, sinh năm 1987, thường trú xóm 6, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Khi đó anh Đại vừa đi đến điểm giao cắt với đường sắt thì bất ngờ đoàn tàu khách số hiệu NA1 chạy hướng Hà Nội - Vinh lao tới. Do tiếng tàu lẫn với tiếng động cơ ô tô, sương mù lại dày đặc nên anh Đại đã không kịp quan sát, bị tàu va phải, văng xa tới 50m. Anh Đạt tử vong tại chỗ.
Đoạn đường ngang - nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn
Khi chúng tôi đến nhà nạn nhân Đại để thăm viếng thì thấy di ảnh của bà Nguyễn Thị Xuyên (mẹ anh Đại) trên ban thờ. Bà Xuyên qua đời cách ngày anh Đại gặp nạn chỉ 50 ngày. Những người mê tín nói đó là “trùng tang”, họ thêu dệt đủ thứ chuyện, khiến nhiều người rất hoang mang.
Ông Nguyễn Thế Bính, bố anh Đại, nói: “Nhà tôi sinh được năm người con, duy chỉ có em Đại được ăn học. Do nhà nghèo nên Đại phải nghỉ học vào Nam làm thuê cùng chị gái. Tết vừa rồi Đại về, không ngờ phải chứng kiến mẹ nó ra đi vào đúng ngày mùng một Tết. Lẽ ra nó chưa vào Nam vội, nhưng nhà đã “sạch tay” để cứu mẹ nó nên em nó đành phải khăn gói ra đi làm thuê. Tôi đâu ngờ, vừa bước chân đi được vài chục phút thì con tôi đã mãi mãi không về...”.
Ông Bính thắp hương cho vợ và con
Nguyên nhân do “cốt” đường
Không chỉ tai nạn ở nơi giao cắt với đường sắt, ngay cả hành lang đường sắt ở khu vực này cũng có hàng chục vụ tai nạn mỗi năm (thời gian gần đây đã có 5 người tử vong). Nhiều người dân cho biết, không hiểu tại sao, tàu hỏa chạy rầm rầm, còi hú inh ỏi nhưng các nạn nhân vẫn như ngơ ngẩn lao vào hành lang đường sắt. Có những trường hợp người khác níu tay hoặc hò hét ngăn cản, nạn nhân vẫn cứ như trong cơn mộng du đi vào tử lộ.
Nạn nhân bị tai nạn tàu hỏa thường thi thể không còn nguyên vẹn, chính sự tang thương, thảm khốc này càng khiến người dân hoang mang, dễ tin vào những lời đồn thổi. Có người cho rằng cung đường này có nhiều “vong” nên các nạn nhân bị “bịt mắt, bịt tai”, khiến họ không nhận ra cả khối thép hàng nghìn tấn đang gầm rú lao đến.
Tuy nhiên, người tỉnh táo, lý trí hơn thì cho rằng do tàu chạy nên có lực hút quán tính, khiến những người đứng sát đường sắt bị hút vào, gây tử vong.
Ông Võ Hữu Thanh, Cung trưởng cung đường sắt Yên Lý (đoạn có đường ngang dân sinh trên) cho biết, hầu hết những vụ tai nạn là do nạn nhân thiếu quan sát khi băng qua đường sắt và không chấp hành Luật Giao thông. Tuy nhiên nguyên nhân chính là do “cốt” đường sắt cao hơn mặt đường bộ quá nhiều. Đường ngang dân sinh này dốc, điểm giao cắt cả đường bộ và đường sắt lại liền kề nhau. Đi từ chân dốc, mải tránh các phương tiện đường bộ mà không biết rằng đoạn giao với đường sắt liền kề có tàu đang chạy tới. Từ phía đường sắt đi xuống dốc thì mải nhìn tàu rất có thể sẽ va quệt với các phương tiện đường bộ lưu thông ngay sát đó. Bên cạnh đó việc mặt đường ngang gồ ghề dễ gây mắc kẹt chân chống xe, khiến xe không kịp qua vừa lúc tàu chạy đến, đây cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông chứ không có chuyện vong nhập hay tàu ma ở đây.