9 Luật bắt đầu có hiệu lực từ 1/7

Hơn 2 triệu người không phải nộp thuế; Hà Nội siết chặt nhập cư nội thành... là những điều chỉnh của hai trong số 9 Luật có hiệu lực từ 1/7. Bên cạnh đó, còn một số luật khác cũng bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm này.

Trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế

Ngày 27/6, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013.

Nghị định quy định mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108  triệu đồng/năm); Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Nghị định cũng quy định, trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân thì thực hiện theo mức do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì phải tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Giảm nhiều thủ tục cho người nộp thuế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế sửa đổi 36 Điều trong tổng số 120 Điều của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và điều chỉnh 2 nội dung về kĩ thuật văn bản.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến 3 nhóm vấn đề lớn. Nhóm vấn đề về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế.

Nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách, hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế.

Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế.

Trong đó, nhóm vấn đề đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế có các nội dung như: Giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc; sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản liên quan vấn đề hoàn thuế;..

Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô

Luật thủ đô với 4 chương, 27 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Quốc hội đã thông qua điều 6 của dự án Luật, quy định biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

9 Luật bắt đầu có hiệu lực từ 1/7 - 1

Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô

Đồng thời, tán thành quy định về danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô để tặng cho đối tượng là người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

Đáng chú ý, Luật cũng quy định về quản lý dân nhập cư vào thủ đô theo hướng chặt chẽ hơn.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện phải thực hiện công khai


Điểm mới đáng chú ý của Luật Điện lực quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt qua khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.

Người bị phạt có quyền chứng minh không vi phạm

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Luật quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra.

Người chưa đủ 14 tuổi vi phạm hành chính sẽ được nhắc nhở, giáo dục tại gia đình, có nghĩa là họ không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Viên chức đang giảng dạy pháp luật không được hành nghề luật sư


Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng (tăng 6 tháng so với quy định cũ).

Điểm đáng chú ý của Luật này quy định “viên chức là người đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được hành nghề luật sư”.

Luật Xuất bản

Luật xuất bản 2012 ra đời đã quy định rõ quyền hạn của các chức danh giám đốc nhà xuất bản, tổng biên tập, biên tập viên…

Lần đầu tiên có quy định điều chỉnh về việc xuất hành ấn phẩm điện tử bao gồm điều kiện hoạt động xuất bản và phát hành, cách thức thực hiện xuất bản, kỹ thuật, công nghệ để xuất bản, quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử…

Luật dự trữ quốc gia

Luật dự trữ quốc gia (DTQG) bao gồm 6 Chương và 66 Điều. Theo đó, Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Luật hợp tác xã

Luật quy định việc Nhà nước có chính sách ưu đãi với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN