8 HS chết đuối: Xe máy chở xác con
Từng gia đình chở xác con về bằng xe máy, biến tất cả con đường trong xã trở nên tang thương. Xe máy đi đến đường nào, ở đó nước mắt lại rơi.
Cả làng chung một nỗi đau
Trong một buổi chiều, 8 em học sinh chết đuối là một nỗi đau quá lớn. Nỗi đau ấy, người dân gần Hồ Tuy Lai không phải lần đầu chứng kiến, mà thỉnh thoảng nó vẫn xảy ra.
Chúng tôi tìm đến xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trong một ngày miền Bắc đón đợt mưa rét đầu tiên mùa thu đông. Cái rét cái làm cho không khí vốn ảm đạm vì tang thương càng thêm tê tái. Người dân trong xã vẫn chưa hết bàng hoàng vì tử thần vừa cướp đi 8 sinh linh thương tâm.
Đập tràn nơi thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai nạn thương tâm
Buổi chiều định mệnh ấy không thể nào quên, 8 em nữ sinh mãi mãi ra đi. “Thấy có tiếng kêu cứu, đầu tiên tôi tưởng là các em đùa vui. Rồi tôi chạy lại thấy một em đang nằm thoi thóp, ba em nữa mặt mũi tím tái chỉ biết kêu khóc. Một em chỉ tay xuống hồ nói không ra hơi rằng dưới hồ còn 7 người nữa”, một nhân chứng chưa hết bàng hoàng.
Quang cảnh Hồ Tuy Lai đẹp, nhiều người đến tắm...
... nhưng biển báo nguy hiểm thì vừa ít, vừa khó nhìn
Em Nguyễn Thị Thanh Tâm, nạn nhân may mắn sống sót nhớ lại: “Thấy chị Phượng (Mai Lê Hồng Phượng) đứng trên bờ kêu cứu 7 bạn khác đang ở dưới hồ, lúc ấy thấy có bạn vẫn đang giơ tay cầu cứu, cháu và hai bạn nữa cùng nhảy xuống. Nhưng cả 3 người là cháu, bạn Nguyễn Thị Trang (SN 2000) và Lê Thị Chinh (SN 1999) đều không biết bơi nên tất cả ngụp lặn trong hồ nước, bị các bạn lôi xuống. Cháu ngã ngay cạnh bờ kè được chị Phượng đưa tay kéo lên và may mắn sống. Sau đó bạn Chinh được một anh học cấp 3 đi qua cứu vì còn đang nổi, còn lại các bạn đều chìm”.
Những di vật của nỗi đau
Anh Lê Thanh Nam (thôn Đoan Lữ, xã An Mỹ) kể về buổi chiều định mệnh khi các gia đình nhận xác con: “Chiều 12/9, nếu ai chứng kiến cảnh các gia đình nhận xác con sẽ không khỏi trào nước mắt. Từng gia đình chở xác con về bằng xe máy, biến tất cả con đường trong xã trở nên tang thương. Xe máy đi đến con đường nào, ở đó nước mắt lại rơi. Năm ngoái cũng thế, năm kia cũng thế, rồi năm nay nữa... Sao mà tôi phải chứng kiến những điều khủng khiếp!”.
"Mong rằng đây sẽ là những người cuối cùng xấu số ở đập tràn hồ Tuy Lai"
Cả xã An Mỹ đêm 12/9 như thức trắng, bởi cái xã nghèo, yên bình ấy chỉ trong một đêm có tới 8 đám tang thì làm sao ngủ nổi. Đến sáng sớm ngày hôm sau, tất cả các cháu đã được gia đình chôn chất xong xuôi. Một gia đình nạn nhân cho biết, gia đình anh được chính quyền xã khuyên nên chôn cất sớm, ngay trong đêm nhưng chúng tôi cố giữ đến sáng hôm sau để mong được gần con thêm vài phút nữa. Vậy là các cháu đã vĩnh viễn ra đi để lại nỗi đau day dứt, ân hận đối với gia đình, người thân...
"Chúng tôi muốn dạy bơi, nhưng không có điều kiện" - Thầy hiệu trưởng Trường THCS An Mỹ
Sao không rút ra bài học?
Trở lại địa điểm nơi tai nạn xảy ra, từ trong làng phải đi đến hơn một cây số đường cánh đồng đến đập tràn hồ Tuy Lai 2. Nơi đây, một bên sườn núi, một bên cạnh cánh đồng khá hoang vắng. Trừ người địa phương, ai đến đây có lẽ cũng nghĩ rằng đây là một địa điểm du lịch đẹp. Ngay dưới chân núi là một hồ nước trong xanh, nhìn thấy đáy, trên vách núi cao là ngôi chùa Hàm Long đẹp nổi tiếng trong vùng. Vào buổi chiều, hàng trăm người dân của xã Tuy Lai đến đây tắm.
Xin đừng nỗi đau thế này lặp lại!
Theo UBND xã Tuy Lai, Hồ Tuy Lai 2 nằm trên địa bàn của xã, được xây dựng từ những năm 50 thế kỷ trước để ngăn nước từ Hòa Bình chảy sang Mỹ Đức. Sau này, UBND tỉnh Hà Tây cũ giao cho Công ty cổ phần thuỷ sản và du lịch Quan Sơn quản lý. Ông Đinh Tất Tố, Chủ tịch xã Tuy Lai và người dân ở đây xác nhận đã có nhiều người chết đuối tại hồ. Ông Nguyễn Đăng Khang – Hiệu trưởng trường THCS An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội) đau xót thốt lên: “Thật không may tai nạn thương tâm lại xảy ra với học sinh của trường. Đây không phải lần đầu tai nạn xảy ra, nhưng sao không thấy hệ thống biển báo nguy hiểm hay biểm cấm tắm?”.
Ông Đinh Tất Tố cho hay sẽ đề nghị Công ty cổ phần thuỷ sản và du lịch Quan Sơn cắm biển báo trong lòng hồ. Ông cũng mong rằng huyện tổ chức những cuộc hội thảo cảnh báo mức nguy hiểm của hồ để người dân các xã khác biết...
Anh Mai Tuấn Long, người có đứa con xấu số tâm sự, mặc dù ở đập tràn hồ Tuy Lai thỉnh thoảng có người chết đuối, nhưng anh không ngờ rằng, con anh lại là nạn nhân. “Tôi đã cấm bọn trẻ không được đến những nơi ao hồ, nhưng lẽ ra sống ở vùng nhiều sông nước tôi phải dậy chúng bơi chứ, sao tôi lại cấm con?”.