4 con chó Tây cắn người trên phố có bị tịch thu?

Sau khi clip 4 con chó Tây xông vào cắn chủ xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi liệu đàn chó có bị tịch thu?

4 con chó Tây cắn người trên phố có bị tịch thu? - 1

 Bốn con chó Tây xông vào cắn chủ ảnh cắt từ Clip

Ngày 13/3, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 4 con chó Tây hung hãn cắn lao vào cắn anh Duy (chủ nhân của đàn chó) và bà Nguyễn Thị Lợi. Cả 2 người bị chó cắn đều ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.

Đưa chó ra đường phải có người dắt, rọ mõm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội không có quy định cấm các hộ dân nuôi chó mèo ở hộ gia đình nhưng cũng không khuyến khích. Tại điều 6 Nghị định số 05/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật, có quy định rõ về việc nuôi chó.

Cụ thể, chủ nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp phường, xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Xích, nhốt hoặc giữ chó, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Ông Sơn cho biết, theo quy định, khi biết sự việc nêu trên, cán bộ thú y của phường sẽ báo lên trạm thú y của quận Ba Đình. Tiếp đó, cán bộ của quận sẽ phối hợp với Chi cục Thú y Hà Nội kiểm tra đàn chó về dịch bệnh, bệnh dại.

“Nếu trong quá trình kiểm tra mà cán bộ phát hiện ra đàn chó của anh Duy bị bệnh dại thì sẽ yêu cầu lãnh đạo phường tiêu hủy đàn chó nói trên để tránh dịch bệnh lây lan. Còn trường hợp, đàn chó không có dịch bệnh sẽ yêu cầu người nuôi đảm bảo các quy định nuôi nhốt, tiêm phòng dịch, không làm ảnh hưởng tới người dân xung quanh”, ông Sơn thông tin.

Theo vị lãnh đạo này, hiện nay chưa có quy định nào cụ thể nên đơn vị không thể tịch thu 4 con chó của anh Duy.

Ông Sơn cho hay, hàng năm, TP. Hà Nội vẫn tổ chức các đợt tiêm phòng cho gia súc của hộ dân nuôi. Trước khi tiêm phòng, lãnh đạo phường đều có thông báo trên hệ thống loa phường để người dân biết, chủ động đem chó đi tiêm phòng dịch.

Có một số ít nơi người dân được thành phố hỗ trợ chi phí mua vắc xin nhưng lại phải mất chi phí tiêm. Còn những nơi không được hỗ trợ thì người dân phải chịu các chi phí tiêm phòng dịch.

Thả chó rông ngoài đường có bị xử phạt hành chính?

Luật sư Trần Tuấn Anh thuộc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Hà Nội) cho hay, sự việc xảy ra hết sức đáng tiếc, đây cũng là một bài học cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc cho những người hiện đang nuôi, nhốt và có thú vui sở hữu những con vật có bản năng hung hãn, có nguy cơ gây hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Theo luật sư Tuấn Anh, điều 5, Nghị định 167/2013 quy định đối với trường hợp để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác thì bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Còn trường hợp, chó cắn người dân gây thiệt hại về sức khỏe thì chưa có quy định nào quy định về việc xử phạt hành chính.

Tuy nhiên luật sư Tuấn Anh cho rằng, trong trường hợp nêu trên, chủ sở hữu của đàn chó phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị chó cắn, đó là bà Lợi.

Cụ thể, nếu  cơ quan chức năng xác định là "thú dữ" thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp những chú chó này phải bồi thường khi nó gây ra thiệt hại theo quy định.

Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Clip: 4 con chó Tây hung hãn cắn chủ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Hiểm họa khi nuôi chó dữ trong nhà Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN