1001 kiểu quấy rối tình dục nơi công sở

Cấu véo, cưng nựng, rờ rẫm, vuốt ve khen ngợi, gạ đi công tác nước ngoài rồi đòi ngủ chung phòng... là những tình huống quấy rối tình dục dở khóc, dở cười được những người làm việc văn phòng, nhà máy… từng gặp phải hoặc đã chứng kiến tại nơi làm việc.

Vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) đã được bàn thảo sôi nổi tại chương trình tập huấn “Phòng, chống QRTD tại nơi làm việc” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cùng các đơn vị phối hợp tổ chức vào ngày 15/4, tại TP.HCM.

“Cưng nựng” như con…

Mở đầu cho một chuỗi các tình huống về hành vi QRTD xảy ra tại nơi làm việc, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành dệt may Việt Nam, kể: “Tôi có đứa cháu gái trong thời gian ôn thi đại học xin đi làm thêm. Ngoại hình dễ nhìn, cháu được nhận vào làm nhân viên trực văn phòng với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Quản lý văn phòng là một người đáng tuổi cha chú của cháu nhưng bắt cháu phải gọi bằng anh. Vào làm chưa được bao lâu, cháu hớn hở báo tin được công ty cho đi nước ngoài.

Nhưng vài hôm sau, cháu lại đột ngột thông báo là không đi nữa. Gặng hỏi mãi cháu mới thổ lộ: “Chú phụ trách văn phòng nói với cháu là không đặt được chỗ nên phải ở chung phòng với chú. Cháu hoảng hồn nên hủy chuyến đi luôn”. Gần đây, do quá bức xúc nên cháu mới kể một loạt các hành vi của ông này: Có lần cháu đang nghỉ trưa, ông sà đến cưng nựng theo kiểu thân tình chú cháu. Bận khác thì ông rủ đi bơi, chở đi chơi nhưng một tay cặp hông, nắm tay cháu. Chưa hết, vài ba hôm ông lại nhờ đến nhà nấu cơm, ủi áo quần…”.

“Kể ra thì còn dài lắm nhưng đó là những tình huống mà cháu gái đã kể lại với tôi mong mọi người cùng chia sẻ, đánh giá đây có phải là hành vi QRTD hay không?” - chị Mai đặt vấn đề.

1001 kiểu quấy rối tình dục nơi công sở - 1

Những người từng chứng kiến hành vi QRTD đã diễn lại một tình huống QRTD tại một công ty may mặc. Ảnh: P.Điền

Khen eo thon, mông tròn

Chị L., nhân viên phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần May VT, chia sẻ: “Công ty tôi có một bác tài xế tuổi gần 50 nhưng luôn bắt mọi người gọi bằng anh. Ông này có một chiêu đối với chị em trong công ty là hay cà khịa vuốt ve khen ngợi và hễ ai sơ hở là ông nhanh tay sờ mó lung tung. Bản thân tôi từng bị “anh” này khen lấy khen để: “Trời ơi sao eo em đẹp thế, em đúng là gái một con…”. Lúc đó tôi muốn sởn hết gai ốc nhưng hỏi mấy chị xung quanh thì hầu như ai cũng từng là nạn nhân của “anh” này” - chị L. nói.

Kịch tính hơn, chị H., nhân viên văn phòng một công ty Đài Loan, tố: “Công ty em vừa tuyển thêm một nữ nhân viên cao ráo, dáng chuẩn làm phòng nhân sự. Hằng ngày, hễ cô nhân viên này đi ngang qua phòng kỹ thuật là ông sếp trưởng phòng người Đài Loan lại trố mắt khen: “Ôi sao mông tròn thế, eo thon thế!”. Để được gần người đẹp, ông sếp này không ngần ngại đề xuất với bộ phận nhân sự chuyển cô sang hẳn phòng ông để được nhìn ngắm mỗi ngày”.

Oái oăm hơn, chị Ly, phụ trách nhân sự một công ty, kể lại: “Lần đó tôi bắt gặp hai nam nhân viên rủ nhau vào toilet mải miết chơi game. Khi tôi nghiêm khắc nhắc nhở họ trở về làm việc thì một người cười cợt và véo nhẹ vào má tôi. Lúc đó dù rất bực nhưng tôi vẫn nghiêm túc yêu cầu họ chỉ được nói chứ không được chạm vào người tôi thì họ bảo: “Đùa chút xíu thôi có gì mà làm dữ vậy cưng?”. Tôi xin hỏi hành vi này có phải là QRTD nơi làm việc hay không?” - chị Ly đặt câu hỏi.

Ngăn ngừa là chủ yếu

Từ những tình huống mà mọi người chia sẻ, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai đúc kết: “Nạn nhân của hành vi QRTD bao gồm cả nam, nữ và người có giới tính thứ ba. Tuy nhiên, nữ nhân viên là nạn nhân phổ biến nhất. Điểm chung nhất của hành vi QRTD là mọi người sợ, mắc cỡ không dám nói ra. Thứ hai là họ ở vị thế yếu, sợ mất việc nên không dám thổ lộ, tố cáo”.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng: Hành vi QRTD nơi làm việc rất phức tạp, cần phải được giải thích cụ thể, phù hợp với văn hóa Việt Nam thì mới luật hóa được. Tuy nhiên, cốt lõi của nó là việc chấm dứt hành vi QRTD chứ không nhất thiết phải áp dụng hình phạt, mức phạt nào trong khi chưa phân định hành vi rõ ràng. Theo đó, cần phải xây dựng nhận thức rõ ràng về hành vi QRTD trong nội bộ doanh nghiệp để người lao động, người sử dụng lao động... không cảm thấy bị bức bối, quấy rầy để các bên cùng hợp tác.

Bà Hồng khuyến cáo các doanh nghiệp nhận thức hành vi QRTD ảnh hưởng đến môi trường làm việc thì họ có thể đưa vào nội quy lao động thay vì thụ động chờ đợi sự giải thích hành vi QRTD là gì. Vì với các hành vi QRTD thì biện pháp ngăn ngừa là chủ yếu, còn muốn xử lý rốt ráo thì phải chờ đến khi có sự giải thích rõ ràng mới có căn cứ xử phạt.

Những người từng gặp phải các vụ QRTD tỏ ra hết sức băn khoăn, chẳng hạn cùng một cái ôm nhưng ranh giới giữa QRTD và thái độ thân thiện rất mong manh, bởi với người mình thích thì đó là thân thiện, còn với người mình ghét thì đó là QRTD. Ngoài ra, nhiều người cho rằng nếu không có sự giải thích rõ ràng cụm từ QRTD thì sẽ rất phức tạp để xử lý hành vi QRTD và sẽ có người lợi dụng nó để bôi nhọ hình ảnh, danh dự người khác…

______________________________

Trong khuôn khổ của chương trình tập huấn này, tôi nghĩ rằng những tình huống về hành vi QRTD mà mọi người cùng chia sẻ ít ra sẽ được phổ biến trong môi trường làm việc của họ để mọi người nhận diện, tự bảo vệ chính mình.

Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH)

Công ty Chan Shing Việt Nam chuyên về may mặc hiện có 23.000 công nhân, từ 10 năm nay người lao động đã được tập huấn, tuyên truyền về việc chống hành vi QRTD tại nơi làm việc. Ngoài ra, hành vi QRTD cũng được đưa vào nội quy lao động. Theo đó, ai vi phạm sẽ bị kéo dài thời hạn nâng lương trong sáu tháng. Riêng các chuyên gia người Hàn Quốc nếu vi phạm sẽ bị đuổi việc ngay lập tức.

Ông Lâm Hữu Hùng,
Phó CT Công đoàn Cty Chan Shing Việt Nam, vốn đầu tư Hàn Quốc (Đồng Nai)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Điền (Pháp luật TPHCM)
Quấy rối nơi công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN