Trung Quốc - Ấn Độ: Kỳ lạ cuộc đối đầu 9 năm xuất phát từ một điểm tranh chấp nhỏ

Tình trạng căng thẳng ở Ladakh vẫn tiếp diễn trên thực tế bất chấp một số tiến triển nhất định về ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, đây không phải cuộc đối đầu quân sự lâu nhất giữa Trung - Ấn ở biên giới. Trước đó, một cuộc xung đột quân sự đặc biệt giữa Ấn Độ với Trung Quốc đã kéo dài suốt 9 năm.

Quân đội Trung - Ấn từng có cuộc xung đột ở biên giới kéo dài suốt 9 năm (ảnh: India Today)

Quân đội Trung - Ấn từng có cuộc xung đột ở biên giới kéo dài suốt 9 năm (ảnh: India Today)

Giữa năm 1986, Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột quân sự ở khu vực Sumdorong Chu, thuộc bang Arunachal Pradesh. Mãi đến năm 1995, cuộc xung đột này mới thực sự chấm dứt.

Từ sau chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, Ấn Độ không muốn có bất cứ động thái nào ở biên giới tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột với Trung Quốc. Những hoạt động quân sự, xây dựng cơ sở hạ tầng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) bị Ấn Độ đình chỉ hoàn toàn, tránh gây hấn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính sách “bỏ mặc” biên giới này chấm dứt khi bà Indira Gandhi – Thủ tướng Ấn Độ – nắm quyền vào năm 1980.

Chính phủ của bà Indira Gandhi phê duyệt kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và quân sự ở LAC, giao cho Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ khi đó là Krishna Rao thực hiện. Với kế hoạch này, các binh sĩ Ấn Độ quay trở lại LAC.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng ở Arunachal Pradesh. Bà Indira Gandhi cho rằng, Ấn Độ cần bảo vệ vững chắc Arunachal Pradesh trước bất kỳ động thái nào của Trung Quốc. Arunachal Pradesh ngày nay là một trong 29 bang của Ấn Độ.

Hè năm 1984, quân đội Ấn Độ dựng một trạm quan sát ở Sumdorong Chu. Trạm này bị bỏ trống và mãi tới tháng 6.1986, các binh sĩ Ấn Độ mới quay lại nơi này.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc chĩa súng vào nhau ở Sumdorong Chu (ảnh: India Today)

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc chĩa súng vào nhau ở Sumdorong Chu (ảnh: India Today)

Khi tới trạm Sumdorong Chu, binh sĩ Ấn Độ bất ngờ thấy một nhóm lính Trung Quốc đã xây dựng đồn kiên cố trên nền trạm quan sát cũ. Phát hiện ngay lập tức được các binh sĩ Ấn Độ thông báo tới cấp trên. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc xâm phạm phần kiểm soát ở LAC, Bắc Kinh phủ nhận.

Căng thẳng tiếp diễn mà không được giải quyết. Tới tháng 8, quân đội Trung Quốc triển khai thêm 200 binh sĩ cố thủ tiền đồn. Một bãi đáp trực thăng quân sự cũng được quân đội Trung Quốc xây mới.

Lúc này nữ Thủ tướng Indira Gandhi đã bị ám sát, tân Thủ tướng của Ấn Độ – ông Rajiv Gandhi – có thái độ cứng rắn đối với hành động của Trung Quốc tại LAC.  Lực lượng Ấn Độ dồn tới khu vực này đông hơn, gây sức ép buộc binh sĩ Trung Quốc bỏ đồn.

Ngay sau đó, Trung Quốc lên tiếng đe dọa sẽ “dạy cho Ấn Độ một bài học”.

Tình hình căng thẳng leo thang. Năm 1987, Trung Quốc triển khai 20.000 binh sĩ tới Arunachal Pradesh, quân đội Ấn Độ cũng điều lực lượng tương đương. Binh sĩ hai bên liên tục giành giật vị trí kiểm soát của đối phương và xảy ra xung đột.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng nhưng không mang lại kết quả.

Quân đội Trung - Ấn tiếp tục đưa nhiều binh sĩ và vũ khí tới Arunachal Pradesh. Ấn Độ thậm chí còn đưa cả tiêm kích và máy bay ném bom tới khu vực đang có xung đột. Ấn Độ được cho là chiếm nhiều vị trí then chốt ở Arunachal Pradesh hơn so với Trung Quốc.

Một binh sĩ Ấn Độ đang ngắm bắn, sẵn sàng bóp cò trong cuộc xung đột Sumdorong Chu (ảnh: India Today)

Một binh sĩ Ấn Độ đang ngắm bắn, sẵn sàng bóp cò trong cuộc xung đột Sumdorong Chu (ảnh: India Today)

Đầu năm 1987, giọng điệu của Trung Quốc về cuộc xung đột ở Sumdorong Chu bắt đầu trở nên gay gắt như trước khi xảy ra chiến tranh Trung - Ấn năm 1962. Giới chuyên gia phương Tây lo ngại về một cuộc chiến tranh Trung - Ấn mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều chuyên gia đến nay vẫn không giải thích nổi tại sao chỉ vì một trạm quan sát nhỏ mà cả quân đội Trung Quốc lẫn Ấn Độ lại trở nên “hăng máu” như vậy. Trong khi đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều chưa quên nhưng tổn thất sau cuộc chiến tranh năm 1962 .

Năm 1988, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi nhận lời mời sang đàm phán với Trung Quốc để chấm dứt xung đột. Quân đội Trung - Ấn ở Arunachal Pradesh sau đó không rút hết, nhưng đã giảm đáng kể về số lượng.

Năm 1993, thỏa thuận duy trì ổn định ở LAC giữa Trung Quốc với Ấn Độ được ký kết. Tháng 8.1995, cuộc xung đột quân sự Trung - Ấn ở Sumdorong Chu, bang  Arunachal Pradesh chính thức được tuyên bố chấm dứt. Nhiều người “thở phào” vì cuối cùng những cái đầu nóng cũng trở nên tỉnh táo.

Nguồn: [Link nguồn]

Binh sĩ TQ xách ”Thanh Long đao” như của Quan Vũ tới đánh đồn Ấn Độ nơi biên giới?

Không dùng xe tăng hay chiến đấu cơ phản lực, những binh Trung Quốc ở Đường kiểm soát thực tế (LAC) giờ sử dụng đại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – India Today ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN