Vờ đánh rơi 17.000 ví khắp thế giới và điều ngỡ ngàng về số ví, loại ví người nhặt trả lại

Số ví được trả lại dường như có liên quan đến số tiền nằm trong đó, theo cách mà chính những người thử nghiệm thấy khó tin.

Vờ đánh rơi 17.000 ví khắp thế giới và điều ngỡ ngàng về số ví, loại ví người nhặt trả lại - 1

Các nhà nghiên cứu có phát hiện bất ngờ khi vờ đánh rơi ví thử lòng người nhặt

Theo Independent, nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi các chuyên gia tại đại học Zurich, Thụy Sĩ thực hiện một nghiên cứu kỳ lạ tại 335 thành phố thuộc 40 quốc gia trên khắp thế giới.

Họ cố tình đánh rơi 17.000 chiếc ví tại khu tiếp tân của nhiều địa điểm như khách sạn, ngân hàng, bảo tàng, bưu điện hay thậm chí là đồn cảnh sát.

Mục đích của nhóm là để kiểm chứng mức độ trung thực của mọi người, xem họ có trả lại của rơi cho người mất hay không. Số ví khổng lồ được chia ra làm hai loại: một loại có tiền (khoảng 13-94 USD) và chìa khóa bên trong, loại còn lại chỉ có chìa khóa kèm một số vật dụng mà không có tiền.

Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học cho thấy 40% ví không có tiền, 51% ví chứa ít tiền và 72% ví chứa nhiều tiền được trả lại.

"Mọi người có xu hướng trả lại ví khi nó có nhiều tiền bên trong. Lúc đầu chúng tôi không tin điều này nhưng sau khi cho tăng gấp 3 số tiền trong ví, nhóm nghiên cứu đều ghi nhận tỷ lệ ví được trả lại tăng cao", Alain Cohn, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, chia sẻ với NPR.

Các nhà khoa học lý giải việc ví càng nhiều tiền, tỷ lệ người nhặt trả lại ví càng cao xuất phát từ "tâm lý của hành vi thiếu trung thực". Khi số tiền càng lớn, người nhặt mà không trả sẽ tự cho hành động này của họ là hành vi trộm cắp. Một chi tiết thú vị từ kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ ví được trả lại tăng cao khi trong ví có chìa khóa. 

Quốc gia có tỷ lệ trả lại ví cao nhất là Thụy Sĩ, Na Uy và Hà Lan (trung bình khoảng 75 - 80%). Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc, Peru, Kazakhstan hay Kenya sở hữu tỷ lệ thấp nhất (khoảng từ 8 đến 20%).

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm nhà khoa học khá ngạc nhiên khi họ vờ rơi ví tại hai văn phòng chống tham nhũng tuy nhiên những chiếc ví không được trả về với chủ.

Các nhà khoa học tin rằng người nhặt trả lại ví vì hai lý do. Thứ nhất, họ quan tâm đến cảm giác của người mất ví. Thứ hai, họ quan tâm tới hình ảnh của chính mình.

"Trước nghiên cứu, chúng tôi cho rằng con người khá ích kỷ. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Mọi người chú ý tới việc xây dựng hình ảnh họ là con người trung thực hơn là lợi ích trước mắt", ông Alain cho hay.

Thái Lan: Dạo bãi biển, nhặt được vật quý 10kg, giá hơn 11 tỉ đồng?

Người đàn ông ở Thái Lan tình cờ tìm thấy một vật tròn màu vàng trên bãi biển, bị nghi là vật quý có giá trị lên tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Independent ([Tên nguồn])
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN