Trung Quốc đang chờ xem Mỹ làm gì với Nga ở Ukraine

Khi binh lính Nga đang tập trung gần biên giới Ukraine, châu Âu đau đầu xác định xem liệu Mátxcơva có thực sự tấn công cũng như tìm cách để ngăn chặn điều đó xảy ra.

(Từ trái sang phải) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)

(Từ trái sang phải) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)

Một cuộc tấn công vào Ukraine nếu xảy ra sẽ không gây nhiều tác động về chiến lược với châu Á, nhưng cũng có một số điểm tương đồng đáng quan tâm.

Trong bài viết đăng trên CNA, ông Christian Le Miere, cố vấn về chính sách đối ngoại và giám đốc điều hành của hãng tư vấn chiến lược Arcipel tại Anh, cho rằng 2 câu hỏi quan trọng đang được nêu ra: Liệu Mỹ có thể ngăn cản Nga hay ủng hộ Ukraine khi cần, và cách thúc đẩy các liên minh đang gây bất ổn như thế nào.

Ukraine không phải Đài Loan (Trung Quốc). Lịch sử, địa vị, vị trí địa lý và nhiều yếu tố khác khiến hai nơi này rất khác nhau. Và nếu Nga tấn công Ukraine cũng không làm tăng hay giảm khả năng Trung Quốc đại lục tấn công đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, Ukraine cung cấp những thông tin hữu ích cho những điểm nóng tiềm tàng ở châu Á.

Hai nơi có một số điểm tương đồng. Ở châu Âu, Nga đang chứng kiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng ảnh hưởng đến sát biên giới của mình.

Tại châu Á, Trung Quốc đang lo ngại trước việc Mỹ tăng cường quan hệ liên minh và hợp tác quốc phòng với những quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp và mâu thuẫn với Bắc Kinh, như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Ví dụ của châu Âu gợi ý rằng một liên minh phòng thủ tương hỗ như NATO có thể trở thành nhân tố ổn định địa chính trị sau khi nó ra đời.

NATO và Liên Xô (cũ) đã trải qua một số thời điểm thách thức trong Chiến tranh Lạnh, như cuộc tập trận Able Archer năm 1983 gây lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng sự ra đời của NATO cũng mang lại cho Tây Âu sự hỗ trợ quân sự cần thiết từ Mỹ để đối phó với Liên Xô.

Sự tồn tại của liên minh như vậy có thể đóng vai trò ổn định, nhưng quá trình thành lập và mở rộng nó có thể gây bất ổn. Việc thay đổi nguyên trạng và thay đổi lực lượng gây lo ngại về an ninh cho một hoặc nhiều bên.

Trong tình hình hiện nay, sự mở rộng của NATO sang các quốc gia Baltic có thể tăng cường an ninh của họ, nhưng phản ứng của Nga đối với việc NATO mở rộng sang các nước gần gũi về lịch sử và văn hoá với Nga cho thấy việc mở rộng liên minh có thể đe doạ hoà bình, ông Miere viết.

Việc Nga tập hợp lực lượng gần biên giới cho thấy những rủi ro mà Mátxcơva phải đối mặt lớn đến mức phải đe doạ chiến tranh.

Tại châu Á, những lo ngại về Trung Quốc thúc đẩy Mỹ làm sâu sắc quan hệ với các đồng minh chủ chốt ở khu vực, như Úc với liên minh an ninh ba bên AUKUS; mở rộng kết nối chiến lược với các đối tác mới, như Ấn Độ thông qua nhóm Bộ Tứ; và thể hiện quan điểm rõ ràng hơn với những tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông bằng cách khẳng định phạm vi áp dụng của các hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Nhật Bản và Philippines.

Thử quyết tâm của Mỹ

Một ví dụ cho sự thay đổi trong quan hệ của Mỹ ở khu vực là đảo Đài Loan, với việc tăng cường tiếp xúc ngoại giao và ủng hộ mạnh hơn về lời nói.

Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như có ý khẳng định Mỹ “cam kết” bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc), cho thấy Mỹ đang giảm bớt sự mơ hồ chiến lược mà Washington sử dụng trong 3 thập kỷ qua để răn đe Trung Quốc, cho dù Nhà Trắng sau đó hạ thấp ý nghĩa của thay đổi này.

Đối với Bắc Kinh, khả năng Mỹ trực tiếp đưa quân đến bảo vệ Đài Loan sẽ gây phức tạp cho việc hoạch định chính sách quốc phòng và khiến nỗ lực “tái thống nhất” với hòn đảo trở nên khó khăn hơn.

Vì thế, ông Miere cho rằng những nỗ lực của Mỹ có thể gây bất ổn cho quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, cho đến khi Mỹ có thể chứng minh năng lực răn đe vững chắc và cam kết chắc chắn bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc).

Ukraine cũng có thể là bài học hữu ích cho Đông Á khi cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ đối tác và đối phó với đối thủ đến mức nào.

Để phản ứng với việc Nga tập hợp lực lượng sát biên giới, Mỹ doạ sẽ trừng phạt và ủng hộ quân đội Ukraine nếu Mátxcơva thực sự tấn công.

Cách phản ứng của Mỹ đối với nước cờ của Nga không chỉ định hình quan hệ giữa Washington và Mátxcơva, mà còn cung cấp những chỉ dấu cho Bắc Kinh.

Theo bài viết trên CNA, có 3 yếu tố cần được tính đến: Liệu Mỹ có thể ngăn chặn Nga hay không? Liệu Mỹ có quyết tâm bảo vệ Ukraine? Liệu Washington có chấp nhận nhượng bộ những yêu cầu của Mátxcơva để ngăn chặn xung đột?

Ukraine không giống Đài Loan và nhiều khía cạnh không thể so sánh trực tiếp. Sự bố trí lực lượng của Mỹ ở tây Thái Bình Dương và những phát biểu mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với Đài Loan cho thấy tính toán của Washington đối với Đài Loan rất khác so với Ukraine.

Tuy nhiên, ông Miere cho rằng sự phản ứng yếu ớt của Mỹ ở Ukraine có thể khiến Trung Quốc tính đến những hành động rủi ro hơn ở nhiều khu vực.

Nguồn: [Link nguồn]

Phó Tổng thống Mỹ đe dọa áp trừng phạt ‘chưa từng có' với Nga

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết Mỹ và các đồng minh đã chuẩn bị sẵn sàng những biện pháp trừng phạt mới nhắm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang - CNA ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN