Tranh cổ động chống Covid-19 ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Dù có đường biên giới với Trung Quốc, nước đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình với số lượng ca mắc thấp và chưa có ca tử vong. Theo Guardian (Anh), thành công bước đầu này là nhờ Việt Nam chủ động kiểm dịch, theo dõi người tiếp xúc gần, làm xét nghiệm và công tác truyền thông tốt.

Bức poster có hình ảnh nhân viên y tế đeo khẩu trang, đứng hiên ngang như một người lính, nắm tay người dân cũng đeo khẩu trang, bên cạnh là khẩu hiệu: "Ở nhà nhà yêu nước". Bên dưới hình ảnh là dòng chữ khuyến cáo người dân có triệu chứng thì báo với nhân viên y tế, biết ai tung tin giả hoặc trốn cách ly thì báo với lực lượng chức năng, kèm số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế và lực lượng chức năng.

Poster cổ động "Ở nhà là yêu nước" của họa sĩ Lê Đức Hiệp. Ảnh: Lê Đức Hiệp

Poster cổ động "Ở nhà là yêu nước" của họa sĩ Lê Đức Hiệp. Ảnh: Lê Đức Hiệp

Theo tờ Guardian, bức poster, của họa sĩ Lê Đức Hiệp, chỉ là một trong số nhiều tác phẩm cổ động xuất hiện ở Việt Nam trong đợt dịch Covid-19: Từ bài hát rửa tay "Ghen Cô Vy" tới tem nhà nước in hình cổ động chống dịch. Chúng phản ánh tinh thần thời chiến mà nhiều người Việt Nam muốn khơi gợi lại trong việc chống dịch Covid-19.

"Sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở yên trong nhà để giúp ngăn dịch Covid-19 lây lan, tôi lướt trên mạng xã hội và thấy vẫn có nhiều người tụ tập và đi ra ngoài các quán cà phê, nhà hàng... điều đó khiến tôi phải suy nghĩ.

Tôi muốn làm thứ gì đó có thể được chia sẻ rộng rãi, giúp nâng cao nhận thức và thôi thúc mọi người làm điều đúng đắn. Và tôi chọn phong cách tranh cổ động vì nó thân thuộc với người dân Việt Nam và nó luôn khơi gợi tinh thần đoàn kết, yêu nước", tờ báo Anh dẫn lời tác giả bức poster "Ở nhà là yêu nước".

Hiệp không phải người Việt Nam duy nhất có ý tưởng dùng tranh ảnh cổ động để chống dịch Covid-19. Phạm Trung Hà, một họa sĩ thuộc lứa nghệ sĩ lớn tuổi hơn Hiệp, cũng hợp tác cùng Bộ Y tế Việt Nam và Công ty tem Việt Nam, cho ra 2 mẫu thiết kế tem cổ động với thông điệp rõ ràng là đoàn kết chống dịch Covid-19.

Một trong số 2 mẫu tem là hình ảnh các y bác sĩ bận rộn làm xét nghiệm Covid-19, phía sau họ là một bàn tay nắm chặt giơ lên, tượng trưng cho sự quyết tâm và đồng lòng chiến đấu chống dịch.

Hai mẫu tem cổ động chống dịch Covid-19 của họa sĩ Phạm Trung Hà. Ảnh: Twitter BNG

Hai mẫu tem cổ động chống dịch Covid-19 của họa sĩ Phạm Trung Hà. Ảnh: Twitter BNG

Chính quyền cũng kêu gọi các họa sĩ trên cả nước gửi các thiết kế cho poster cổ động. Dù đang điều trị ung thư, họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi, cũng hưởng ứng lời kêu gọi và đóng góp 2 mẫu thiết kế với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Cả 2 mẫu đều được chấp nhận cho in thành poster cổ động và treo trên các đường phố.

"Vẽ tranh cổ động là sở thích của tôi từ thập niên 60 và 70 khi Việt Nam tập trung thống nhất và xây dựng đất nước. Thời điểm đó, tranh cổ động ngập tràn khắp đất nước.

Dù tình trạng sức khỏe hiện tại không tốt và hạn chót gửi bài dự thi cũng đến gần, nhưng tôi vẫn quyết định tham gia, góp chút sức lực cùng cả nước chống dịch. Nếu chúng tôi không thể ở tiền tuyến, các họa sĩ, nghệ sĩ có thể có cách riêng để hỗ trợ", họa sĩ 73 tuổi cho hay.

Một bức tranh cổ động chống dịch Covid-19 của họa sĩ Lưu Yên Thế. Ảnh: Lưu Yên Thế

Một bức tranh cổ động chống dịch Covid-19 của họa sĩ Lưu Yên Thế. Ảnh: Lưu Yên Thế

Những bức tranh cổ động như vậy cùng với việc chủ động hành động, theo dõi người tiếp xúc gần... giúp Việt Nam tránh được "thảm cảnh" mà các nước châu Âu hiện đang phải gánh chịu, theo Guardian. Việt Nam chỉ có hơn 200 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 120 ca đã được điều trị khỏi và chưa có ca nào tử vong.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng tập trung vào việc cách ly bất cứ ai có tiếp xúc gần với ca nhiễm bệnh cũng như người trở về từ vùng dịch trên thế giới, tờ báo Anh đưa tin. Việc cách ly toàn xã hội cũng được áp dụng từ ngày 1/4 (kéo dài ít nhất 15 ngày).

Cùng với đó là những hình phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, được thi hành thông qua hệ thống giám sát chặt chẽ và thông tin do người dân cung cấp.

Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính nhiều trường hợp đăng tin giả trên mạng xã hội hoặc đi ra ngoài vì lý do không thiết yếu ở thủ đô Hà Nội.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Dòng người ùn ùn rời Vũ Hán được tỉnh thành khác “chào đón” như thế nào?

Khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ ở thành phố Vũ Hán hôm 8/4, hàng dài ô tô chở người ùn ùn rời khỏi tâm dịch ở tỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Guardian ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN