Toan tính của Trump và Kim Jong-un giống nhau kì lạ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều không lùi bước về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng hai người cũng có quan điểm giống nhau đến kỳ lạ.

Toan tính của Trump và Kim Jong-un giống nhau kì lạ? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh minh họa.

CNN ngày 26.4 đã đăng tải bài phân tích của tác giả Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Chính sách Lowy ở Sydney (Úc), về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Graham viện dẫn việc người dân Hàn Quốc từ lâu đã phải sống trong mối đe dọa từ Triều Tiên. Thủ đô Seoul nằm trong tầm bắn của hàng chục ngàn khẩu pháo Triều Tiên, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn một cách yên bình trong hàng thập kỷ qua.

Ở Nhật Bản, chính phủ nước này đã công bố hướng dẫn chi tiết, hướng dẫn người dân phản ứng trước một đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo về năng lực tấn công hóa học của Triều Tiên.

Tại Washington, các nghị sĩ Mỹ vẫn đang thảo luận về mối đe dọa Triều Tiên. “Mọi lựa chọn” vẫn đang được tính tới, bao gồm cả đòn tấn công phủ đầu, ngăn Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Ông Graham đặt câu hỏi, vì sao mọi chuyện lại trở nên căng thẳng đến vậy? Nguyên nhân chính là do Triều Tiên đã mở rộng năng lực chế tạo vũ khí hủy diệt, với mục đích cuối cùng là sở hữu ICBM gắn đầu đạn hạt nhân, tầm bắn đến Mỹ. Đây là loại vũ khí mà hiện nay chỉ có Nga và Trung Quốc sở hữu.

Toan tính của Trump và Kim Jong-un giống nhau kì lạ? - 2

Sức mạnh quân sự chính là chìa khóa giúp Triều Tiên ngăn Mỹ và Hàn Quốc gây hấn.

Căng thẳng lên đến cao trào vào ngày 15.4, khi Triều Tiên duyệt binh rầm rộ, công bố hai loại tên lửa đạn đạo mới, sử dụng công nghệ hiện đại nhất. Thậm chí, Bình Nhưỡng có thể làm chủ công nghệ ICBM ngay trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Hiện chưa rõ chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump sẽ đưa ra chính sách nào về vấn đề Triều Tiên. Tác giả Graham nhận định, viễn cảnh chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên là điều chưa thể xảy ra trong tương lai gần.

Mỹ sẽ vẫn phải hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên, tăng cường cấm vận Bình Nhưỡng. Nếu không, Mỹ sẽ đích thân cấm vận các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên. Và chỉ đến khi biện pháp này không có hiệu quả, giới chức Mỹ mới bắt đầu nghiêm túc về hành động quân sự.

Ngay cả hành động quân sự cũng không hề dễ dàng. Đây không phải là Syria. Một cuộc chiến tranh Triều tiên lần hai cũng sẽ hết sức đẫm máu và khó lường. Theo ông Graham, mọi người đều hiểu những lần can thiệp quân sự của Mỹ vào khu vực Trung Đông gần đây đã dẫn đến hậu quả tồi tệ như thế nào.

Tác giả Graham nhận định, vũ khí hạt nhân luôn là yếu tố sống còn của chính quyền Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ rất khó chấp nhận từ bỏ hạt nhân.

Bởi sức mạnh quân sự chính là yếu tố răn đe của Triều Tiên, ngăn chặn các hành vi gây hấn từ Mỹ và Hàn Quốc. Sức mạnh quân sự này bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công căn cứ Mỹ ngay từ khi xung đột nổ ra.

Toan tính của Trump và Kim Jong-un giống nhau kì lạ? - 3

Chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên trong tương lai gần.

Nhưng chính quyền Kim Jong-un biết cách lùi lại khi cần thiết. Việc Triều Tiên không thử hạt nhân lần 6 trong những tuần qua, cho thấy ông Kim đã cân nhắc kỹ lưỡng về những hậu quả.

Thay vào đó, Triều Tiên chỉ diễn tập pháo binh quy mô lớn, đánh dấu dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội. Tất cả chỉ dừng lại ở đó, theo ông Graham.

Khó khăn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ là sức ép của ông Trump, mà còn từ việc đồng minh Trung Quốc áp đặt cấm vận kinh tế.

Theo tác giả Graham, Kim Jong-un cũng phải để tâm đến các tướng lĩnh quân đội dưới quyền. Không ai muốn khơi mào chiến tranh hạt nhân, để đe dọa chính vị trí của mình. Kẻ thù nội bộ luôn là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất.

Do đó, ông Graham nói, hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un đang trở nên giống nhau hơn bao giờ hết. Cả hai đều không muốn chiến tranh. Nhưng vẫn tồn tại nguy cơ một trong hai nhà lãnh đạo nhầm lẫn khi đánh giá về người kia, khiến mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tác giả Graham kết luận, Mỹ chắc chắn sẽ không tấn công quân sự Triều Tiên trong tương lai gần. Washington sẽ cho Trung Quốc vài tháng để gây sức ép với Triều Tiên.

Cách tiếp cận này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới nếu như Bình Nhưỡng hiểu vấn đề, và hành xử an toàn.

Triều Tiên đã hội đủ 3 điều kiện bắn hạt nhân tới Mỹ?

Về lý thuyết, Triều Tiên hoàn toàn có thể tấn công Mỹ nếu đáp ứng đủ ba điều kiện cơ bản sau đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN