Tình hình "nóng" ở 2 nước có các vụ đốt kinh Koran

Chính phủ 2 nước ở châu Âu lo ngại về hậu quả sau các vụ biểu tình đốt kinh Koran.

Người biểu tình cầm bản sao của kinh Koran khi đi biểu tình ở ngoài Tổng lãnh sự quán Thụy Điển ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 30/7. Ảnh: Reuters

Người biểu tình cầm bản sao của kinh Koran khi đi biểu tình ở ngoài Tổng lãnh sự quán Thụy Điển ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 30/7. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters ngày 1/8 đưa tin, các mối đe dọa an ninh gia tăng tại Thụy Điển và Đan Mạch, nơi có các vụ biểu tình đốt kinh Koran khiến các quốc gia Hồi giáo phẫn nộ.

Chính phủ Thụy Điển cho biết đã tăng cường kiểm soát biên giới để sớm phát hiện các mối đe dọa. 

Một luật mới, có hiệu lực từ tháng 8, giúp cảnh sát Thụy Điển có thêm quyền hạn để thực hiện việc kiểm tra ở biên giới và khu vực gần biên giới, bao gồm việc khám xét thân thể, đồng thời cho phép tăng cường giám sát điện tử. 

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer cho biết: "Kiểm soát biên giới là một biện pháp giúp chúng tôi có đủ điều kiện để tìm ra những kẻ tới Thụy Điển với ý định đe dọa an ninh". 

Thụy Điển và Đan Mạch đã ghi nhận nhiều cuộc biểu tình trong những tuần gần đây, trong đó có hoạt động đốt hoặc xúc phạm kinh Koran, gây ra sự phẫn nộ ở các nước Hồi giáo. 

Nhiều vụ đốt kinh Koran đã diễn ra ở 2 nước vào ngày 31/7. Cả Thụy Điển và Đan Mạch đều cho biết đang tìm cách để hạn chế một cách hợp pháp các hoạt động kiểu này, nhằm giảm căng thẳng. 

Cuối tháng 7, cảnh sát Đan Mạch cho biết, nước này nhận thấy nguy cơ bị tấn công ngày càng cao do hệ quả của các vụ biểu tình đốt kinh Koran. 

Ngày 1/8, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho rằng, tình hình đang trở nên "nguy hiểm, phức tạp" và "bị người ngoài lợi dụng".  

"Có thể mục đích của những người lợi dụng vụ việc này là để ngăn Thụy Điển gia nhập NATO", ông Kristersson nói. 

Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xung đột ở Ukraine nhưng chưa thể gia nhập khi Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia NATO, phản đối. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ nỗ lực để đơn xin gia nhập của Thụy Điển được chấp thuận, nhưng cũng cảnh báo điều đó sẽ không xảy ra nếu các vụ đốt kinh Koran còn tiếp diễn ở quốc gia Bắc Âu. 

Thủ tướng Thụy Điển cho rằng điều quan trọng lúc này là phải xoa dịu căng thẳng và kêu gọi người dân sử dụng quyền tự do ngôn luận có trách nhiệm và tôn trọng.

Theo Reuters, chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch đang cân nhắc để có các thay đổi, cho phép cảnh sát ngăn việc đốt kinh Koran ở nơi công cộng nếu hành động đó gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ đốt kinh Koran: Người biểu tình Iraq xông vào Đại sứ quán Thụy Điển

Đám đông xông vào Đại sứ quán Thụy Điển sau lời kêu gọi hành động của một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng ở Iraq.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Reuters ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN