Thế lực kinh hồn của nhà giàu Hàn Quốc

Sự kiện: Tin tức Hàn Quốc

Từng tai tiếng toàn cầu bởi bê bối "hạt mắc-ca" hồi năm 2014, người thừa kế Tập đoàn Korean Air Cho Hyun-ah vừa bất ngờ tái xuất khi cùng cha tham gia chạy tiếp sức đưa ngọn đuốc Thế vận hội Mùa đông 2018 qua thủ đô Seoul - Hàn Quốc hồi tháng rồi.

Korean Air là đối tác chính thức của Olympic Mùa đông 2018 sẽ khai mạc tại Pyeongchang vào ngày 9-2. Cha của cô Cho, ông Cho Yang-ho, là chủ tịch của hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc này và vẫn thường được gọi là "ông chủ" bởi dù niêm yết cổ phiếu công khai, Korean Air thực ra vẫn vận hành theo kiểu doanh nghiệp gia đình.

Xuất hiện tại sự kiện rước đuốc Olympic cùng cha và em gái, cô Cho Hyun-ah tiếp tục được truyền thông để mắt với nụ cười rạng rỡ. Hình ảnh này hoàn toàn tương phản với tình cảnh cay đắng của tiếp viên trưởng Park Chang-jin trên chuyến bay Korean Air Flight 86 từ New York tới Seoul vào ngày xảy ra vụ lùm xùm "hạt mắc-ca". 

Chỉ vì một nữ tiếp viên hàng không - tên Kim Do-hee - phục vụ hạt mắc-ca để trong túi thay vì trên đĩa mà cô Cho (lúc đó đang là phó chủ tịch Korean Air) đã ra lệnh ông Park đuổi nữ tiếp viên này dù máy bay khi đó chuẩn bị cất cánh. Theo lời ông Park, cô Cho đã bắt ông và cô gái họ Kim quỳ xin lỗi, rồi ra lệnh máy bay quay trở lại cổng và tống họ khỏi đó. 

Thế lực kinh hồn của nhà giàu Hàn Quốc - 1

Ông Cho Yang-ho mang đuốc Olympic chạy cùng 2 con gái Cho Hyun-ah (trái) và Hyun-min tại Seoul hôm 13-1 Ảnh: KOREA TIMES

Cô Cho sau đó bị kết án 1 năm tù vì tội cản trở an toàn hàng không nhưng được thả sau 3 tháng ngồi tù. Cuộc sống của ông Park, 47 tuổi và làm việc cho Korean Air được 21 năm, cũng bước sang một trang tăm tối. Ông phải nghỉ bệnh 18 tháng để điều trị cú sốc tâm lý nói trên trước khi trở lại làm việc. Không còn đảm nhận vị trí tiếp viên trưởng khoang thương gia, ông Park thường xuyên bị cấp trên mỉa mai và phải cọ toilet trong khoang phổ thông. "Tôi yêu công việc của mình nhưng rồi đột nhiên sự việc với cô Cho xảy ra. Tôi mất tất cả bởi ai đó nắm quyền lực trong tay đã nổi cơn giận dữ" - ông Park trải lòng.

Theo tờ The Washington Post, quyền lực vô hạn của những tập đoàn lớn và khoảng cách rõ rệt giữa các gia đình "ông chủ" với người thường đã trở thành một vấn đề nhức nhối ở đất nước kim chi. Nhiều người xôn xao rằng có những luật lệ riêng phân biệt cho người giàu và người nghèo. Một trong những trường hợp điển hình gần nhất phải kể tới người thừa kế "đế chế" Samsung Lee Jae-yong. 

Ông này vừa được ra tù hôm 5-2, sau khi mới ngồi tù 6 tháng dù bị kết án 5 năm tù giam vì các tội danh liên quan tới hối lộ. "Thái tử" Samsung sẽ tham gia lễ khai mạc Olympic với vị thế quan trọng khi Samsung vừa là đối tác lớn vừa là nhà tài trợ chính thức của sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế này.

Thế lực kinh hồn của nhà giàu Hàn Quốc - 2

Ông Park Chang-jin Ảnh: YONHAP

Chính phủ Hàn Quốc cam kết hành động để giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế, xã hội và hạn chế một số quyền lực của những tập đoàn lớn như Korean Air và Samsung. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jun Sung-in của Trường ĐH Hongik (Hàn Quốc), không dễ thay đổi thực trạng này chỉ bằng cách thay quyền lực chính trị. "Thay đổi chỉ đến khi có những nỗ lực không ngừng xuyên suốt tất cả ngóc ngách của xã hội trong thời gian dài" - ông Jun nhận định.

Mỹ nữ Triều Tiên ”đổ bộ” Hàn Quốc

Các quan chức và đội cổ vũ của Triều Tiên gồm 280 người đã tới Hàn Quốc hôm 7-2 để chuẩn bị tham dự Thế vận hội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng (Người lao động)
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN