Tăng ngân sách quốc phòng liên tiếp, Trung Quốc muốn gì?

Trung Quốc cho hay, nước này sẽ chi khoản ngân sách quốc phòng năm nay ở mức cao nhất trong 3 năm qua khi mà ông Tập Cận Bình muốn có một đội quân “đẳng cấp thế giới” để triển khai hoạt động ngoài lãnh thổ quốc gia.

Theo Bloomberg, hôm 5/3, trong bản báo cáo thường niên được Bộ Tài chính Trung Quốc trình bày trong kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 ở Bắc Kinh, ngân sách quốc phòng năm 2018 của nước này sẽ tăng 8,1% lên con số 1,11 ngàn tỷ nhân dân tệ (175 tỷ USD). Trong khi đó, ngân sách quốc phòng năm ngoái của Trung Quốc chỉ tăng 7,1% lên 164,6 tỷ USD, bằng 1/4 chi tiêu quốc phòng đề xuất của Mỹ trong năm. 

Khoản chi tiêu quốc phòng chỉ là một trong số những dữ liệu chính thức được chính quyền Trung Quốc công bố trong bối cảnh Mỹ và các nước láng giềng châu Á không ngừng quan ngại về sự phát triển nhanh chóng của đội quân 2 triệu người Trung Quốc.

Tăng ngân sách quốc phòng liên tiếp, Trung Quốc muốn gì? - 1

Ông Tập Cận Binh mong muốn mở rộng năng lực quân sự và phạm vi hoạt động ở nước ngoài của quân đội nước này. 

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thực tế số tiền Trung Quốc chi cho quân sự tăng hơn 55% so với con số công bố.

Trong bài phát biểu hôm 4/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại - người phát ngôn của kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII cho hay, khoản chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với quy mô kinh tế và ngân sách.

Còn theo SIPRI, khoản chi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chiếm 1,9% GDP nước này. Trong khi, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm 3,3% GDP.

“Trung Quốc cam kết theo đuổi con đường phát triển hòa bình và Trung Quốc cũng theo đuổi chính sách quốc phòng với mục tiêu là phòng thủ. Sự phát triển của Trung Quốc không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào với các quốc gia khác”, ông Trương nói.

Bên cạnh việc tăng chi tiêu quốc phòng, Quốc hội Trung Quốc còn chỉ định ông Tập giữ nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Chủ tịch và dự định thay đổi Hiến pháp để ông Tập tiếp tục giữ chức vụ sau năm 2023.

Theo Bloomberg, nếu được Quốc hội thông qua, ông Tập sẽ có thêm thời gian để hiện thực hóa cam kết hồi tháng 10 năm ngoái về việc tái khôi phục vị thế toàn cầu của Trung Quốc bao gồm sức mạnh quân sự.

“Trung Quốc đang tiếp tục có những nỗ lực tăng ngân sách quốc phòng và một phần của chính sách này là cải thiện sức mạnh các lực lượng hạt nhân và các lực lượng hoạt động ở nước ngoài. Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ đầu tư lâu dài của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ quân sự không chỉ có khả năng cạnh tranh mà thậm chí còn vượt qua cả Mỹ và các nước phương Tây”, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), ông Tim Huxley nhận định.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã bày tỏ mối quan ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế. Theo Mỹ, Trung Quốc đang là “quốc gia theo chủ nghĩa xét lại” với tham vọng phá vỡ trật tự thế giới hiện thời.

Bản báo cáo chiến lược quốc phòng được Mỹ công bố hồi tháng Một còn khẳng định, “trong thời gian gần, Trung Quốc đang tìm cách bá chủ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và thế chân Mỹ trở thành thế lực số 1 toàn cầu trong tương lai”.

Trong thời gian qua, ông Tập đã tiến hành cải tổ toàn diện quân đội nhằm xây dựng một đội quân có cấu trúc quản lý tập trung như Mỹ và một lực lượng có thể “chiến đấu và giành chiến thắng”.

Cụ thể, kể từ năm 2015, ông Tập đã cho cắt giảm 300.000 binh sĩ, bắt giữ hàng loạt tướng quân đội bị cáo buộc tham nhũng và thiết lập Lực lượng Tên lửa cũng như Lực lượng hỗ trợ chiến lược để giám sát các hoạt động mạng.

Trong khi tiết kiệm tiền bằng cách cắt giảm nhân lực, nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội nước này như cho hạ thủy chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên hồi tháng Tư năm ngoái. Ngoài ra, trong năm 2017, quân đội Trung Quốc cũng đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ngay gần Trại Lemonnier của hải quân Mỹ ở Djibouti, một quốc gia ở Tây Phi.

Kể từ năm 2000, 7 xưởng đóng tàu hải quân lớn nhất của Trung Quốc đã cho sản xuất thêm hàng loạt tàu sân bay, tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu hộ tống. Thậm chí, theo số liệu mới nhất trong bản báo cáo thường niên về cán cân quân sự toàn cẩu của IISS, số lượng tàu chiến được Trung Quốc sản xuất đã vượt qua cả tổng số tàu Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Sức mạnh quân sự Trung Quốc đáng sợ hơn phương Tây vẫn nghĩ

Tính ưu việt của phương Tây đang ngày càng bị đe dọa cả trên đất liền, trên biển và thậm chí trong không gian mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN