Phát hiện kinh ngạc trong ngôi mộ 2.300 năm tuổi của nước Sở thời Chiến Quốc

Các hiện vật được tìm thấy trong ngôi mộ 2.300 năm tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã góp phần giải mã lịch sử nước Sở, một trong những thế lực hùng mạnh thời Chiến Quốc (475 TCN - 221 TCN).

Nhà khảo cổ học phân loại các mảnh tre tại một ngôi mộ ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Nhà khảo cổ học phân loại các mảnh tre tại một ngôi mộ ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy gần 4.000 thẻ tre còn nguyên vẹn tại một ngôi mộ ở thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia công bố phát hiện trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào tuần trước, theo China Daily.

Khoảng 1.200 - 1.500 thẻ tre khác đang trong quá trình khôi phục và có thể ghép lại với nhau, Yang Kaiyong, nhà khảo cổ học đến từ bảo tàng Kinh châu, người phụ trách khai quật, cho biết. Tổng cộng có khoảng 30.000 ký tự được viết theo lối chữ của nước Sở được tìm thấy.

"Đây là phát hiện lớn nhất đối với chữ viết trên thẻ tre của nước Sở thời Chiến Quốc", ông Yang nói. Nước Sở tồn tại trong khoảng 800 năm, cai trị một khu vực rộng lớn dọc theo vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử cho đến khi bị Tần Thủy Hoàng khuất phục vào năm 223 TCN.

Các nhà khảo cổ bước đầu xác định ngôi mộ thuộc về thời Sở Tuyên vương Hùng Sự hoặc Sở Uy Vương Hùng Thương, giai đoạn năm 369 TCN - 329 TCN.

Trước khi giấy được phát minh, chữ được viết trên mảnh gỗ hoặc mảnh tre, trở thành dạng viết chữ phổ biến ở Trung Quốc. Phân tích 30.000 ký tự, các nhà khảo cổ phát hiện manh mối về nhiều chủ đề khác nhau, từ thơ ca, toán học, y học cho đến nghệ thuật.

"Các thẻ tre cung cấp những tài liệu quý giá cho việc nghiên cứu lịch sử và tư tưởng trước khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa", ông Yang nói. "Nó giúp chúng ta hình dung quan điểm và tư tưởng của người thời cổ xưa".

Wang Zijin, giáo sư tại Đại học Tây Bắc ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nói phát hiện có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu hệ thống pháp luật Trung Hoa thời cổ đại.

Ông Yang nói nhiều sự kiện lịch sử chép trong các thẻ tre đã được người hiện đại biết đến. Nhưng phát hiện mới giúp tìm hiểu một cách chi tiết hơn. "Thông qua phát hiện mới, chúng ta có thể tái hiện các sự kiện lịch sử một cách sinh động", ông Yang nói.

Vị trí nhóm khảo cổ Trung Quốc phát hiện ngôi mộ nằm cách nơi từng là kinh đô của nước Sở khoảng 1km. Chủ nhân ngôi mộ nhiều khả năng là một người có địa vị thấp, có thể chỉ là thường dân. Điều này càng khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc.

"Một người bình dân như thế nào lại có thể được chôn cất với một lượng lớn tài liệu lịch sử giá trị như vậy", ông Yang nói. "Có thể chủ nhân ngôi mộ từng thuộc tầng lớp quý tộc, nhưng đã sa sút đến mức trở thành người bình dân".

Đối với các nhà khảo cổ, những tấm thẻ tre không chỉ giúp làm phong phú thêm hiểu biết về lịch sử mà còn hé lộ góc nhìn về cuộc sống đời thường của người bình dân.

Trên một số mảnh tre, các nhà khảo cổ phát hiện dấu hiệu về bảng cửu chương. Ông Yang nói đây là bảng cửu chương lâu đời nhất được tìm thấy ở Trung Quốc.

Khác với nhà Tần, nước Sở có quan điểm văn hóa khác biệt, đề cao trí tưởng tượng và phác họa một cuộc sống đầy màu sắc. "Người nước Sở đã đóng góp sự lãng mạn cho nền văn minh Trung Hoa", Liu Qingzhu, nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiếm cổ thời Chiến Quốc còn nguyên vẹn sau 2.300 năm

Cây kiếm cổ 2.300 năm tuổi vẫn còn sáng loáng khi được đào lên khỏi ngôi mộ cổ ở thành phố Tín Dương, Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh - China Daily ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN