Ông Biden kêu gọi loại Nga khỏi G20

Tổng thống Mỹ cho biết quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào G20 nhưng ông Biden cũng có đề xuất mới nếu các nước G20 không tán thành việc loại Nga khỏi nhóm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi loại Nga khỏi nhóm G20. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi loại Nga khỏi nhóm G20. Ảnh: Reuters

Theo Independent, sau cuộc gặp với lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu hôm 24/3 tại Brussels, ông Biden nói trong cuộc họp báo rằng đã đến lúc phải đẩy mạnh nỗ lực cô lập Nga khỏi cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ kêu gọi loại Nga khỏi nhóm G20 dù trước đó Indonesia - với vai trò chủ tịch G20 - tuyên bố không loại bỏ Nga khỏi nhóm này. Ông Biden nói thêm rằng, nếu các thành viên G20 bác bỏ yêu cầu loại Nga của ông, thì nên mời Ukraine tham gia với tư cách một nước quan sát. 

Ngoài ra, ông Biden cũng cho biết đã cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về hậu quả nếu Bắc Kinh ủng hộ Moscow về vấn đề Ukraine. 

"Tôi không đe dọa mà chỉ nói rõ quan điểm của Mỹ và đảm bảo rằng ông Tập hiểu hậu quả của việc giúp đỡ Nga", Tổng thống Mỹ nói về cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc hôm 18/3. 

"Trung Quốc hiểu rằng tương lai kinh tế của họ gắn chặt với phương Tây hơn là với Nga", ông Biden nói với các phóng viên. 

Ông Biden cho biết đang cùng các nhà lãnh đạo châu Âu phát triển các chiến lược để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thiếu lương thực toàn cầu. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, Washington và các đồng minh đã lên kế hoạch để thành lập một tổ chức mới nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt của Nga. 

Hôm 25/3 (giờ địa phương), ông Biden dự kiến công bố một sáng kiến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm tăng cường cung cấp năng lượng cho châu Âu bằng khí đốt tự nhiên của Mỹ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sáng kiến này chưa thể giúp châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu từ Nga. 

Ông Biden và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 24/3 "thảo luận về hợp tác giữa EU và Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga", theo một tuyên bố của Nhà Trắng. 

Tổng thống Mỹ cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và các nhà lãnh đạo EU là minh chứng thể hiện sự đoàn kết của phương Tây, đồng thời cho rằng ông Putin đã thất bại trong việc chia rẽ NATO. 

Tuy nhiên, theo Reuters, các sự kiện liên quan tới cuộc gặp giữa ông Biden và các lãnh đạo EU cho thấy, Mỹ và các đồng minh vẫn chưa sẵn sàng vượt qua các giới hạn tự đặt ra về phạm vi hỗ trợ quân sự cho Ukraine. 

Trong một bài phát biểu với các nước thành viên NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky than thở rằng NATO đã không lắng nghe những lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine của ông. 

"Điều tệ nhất trong chiến sự là không có câu trả lời rõ ràng khi bạn cầu khẩn giúp đỡ", ông Zelensky nói. 

Theo Reuters, hội nghị thượng đỉnh ở Brussel hôm 24/3 giữa Tổng thống Mỹ và các lãnh đạo EU là phép thử khả năng phát huy sức mạnh của ông Biden khi đối đầu với Nga và khả năng tập hợp các đồng minh nhằm tăng cường loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Moscow. 

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà Trắng giải thích lý do tại sao ông Biden sẽ không đến thăm Ukraine

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington và Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa cân nhắc đến việc đến thăm Ukraine trong khoảng thời gian hiện tại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Joe Biden Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN