Lũ lụt TQ: Dụng cụ cổ giúp "cứu mạng" nhiều người dân nông thôn

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Lei Xia, một trong số hàng chục triệu người dân Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng, đã sơ tán an toàn trước khi trận lụt kéo đến khu người phụ nữ này sinh sống chiều 16/7. Tất cả là nhờ một dụng cụ có từ cách đây khá lâu.

Nước lũ dâng cao ở huyện Vô Tích, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 12/6. Ảnh: Tân Hoa xã

Nước lũ dâng cao ở huyện Vô Tích, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 12/6. Ảnh: Tân Hoa xã

"Khoảng 15h, một âm thanh lớn bất ngờ vang lên. Đó là tiếng cồng chiêng báo hiệu cơn lũ sắp tới. Nhờ đó, chúng tôi có thời gian để cuốn gói đồ đạc và sơ tán", bà Lei Xia, chủ một quán trà tại quận Kaizhou, thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, kể lại.

Kể từ ngày 15/7, những cơn mưa xối xả đã trút xuống khu vực thượng nguồn sông Dương Tử, nơi quận Kaizhou tọa lạc.

Người dân địa phương thay nhau tuần tra, theo dõi và mỗi người đều có một chiếc cồng trên tay để cảnh báo nếu phát hiện dấu hiệu nguy hiểm.

Cồng, dụng cụ được sử dụng từ thời xa xưa, vẫn đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát lũ lụt ở vùng nông thôn Trung Quốc, gián tiếp cứu sống nhiều người và bảo vệ nhiều tài sản.

"Những cơn lũ lụt dữ dội đôi khi xảy ra bất thình lình vào ban đêm. Và cách nhanh nhất để báo động cho người dân là sử dụng cồng chiêng", Zou Pinsheng, trưởng quận Kaizhou, cho hay.

Ngoài cồng, loa phát thanh cũng phát huy hiệu quả trong vấn đề cảnh báo khẩn cấp.

Tại thị trấn Tianba thuộc quận Vô Tích, thành phố Trùng Khánh, lũ đã tràn qua một con sông và đổ về thị trấn vào khoảng 3h sáng 16/7.

"Mau thức dậy và rời khỏi nhà ngay! Một trận lũ đang đến", tiếng của Yuan Zhujun, nhân viên thị trấn Tianba, cảnh báo cho mọi người trên loa phát thanh.

Mọi người thức giấc và khẩn trương thu dọn đồ đạc để sơ tán theo lời của Yuan. Hơn 1.000 cư dân được sơ tán trong 3 tiếng. Khi nước dâng cao tới 2 mét, thị trấn không ghi nhận bất cứ thương vong nào.

Người dân đang cố chặn bờ kè bị vỡ ở huyện Vô Tích, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 12/6/2020. Ảnh: Tân Hoa xã

Người dân đang cố chặn bờ kè bị vỡ ở huyện Vô Tích, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc hôm 12/6/2020. Ảnh: Tân Hoa xã

"So sánh với việc gõ cửa từng nhà, sử dụng loa phát thanh có thể truyền thông tin nhanh và ở phạm vi rộng hơn. Từ đó, giúp người dân biết tin sớm và có thêm thời gian để di chuyển", ông Yuan nói.

Tuy nhiên, ở nhiều khu vực nông thôn trên khắp Trung Quốc, các nhân viên cảnh báo vẫn phải đi bộ tới từng nhà để cảnh báo, nhất là những khu vực có nhiều người già (thính giác kém và di chuyển chậm).

Fu Shanxiang, bí thư đảng ủy khu vực Xianglushan, thuộc quận Wanzhou, Trùng Khánh, cho biết: "Gõ cửa từng nhà là điều bắt buộc và chúng tôi chưa từng để ai mắc kẹt tại nhà, nhất là người già".

Flycam, các hệ thống tuần tra thông minh cũng như công nghệ hiện đại đã được sử dụng nhiều để phục vụ công tác kiểm soát lũ lụt ở Trung Quốc, nhưng các phương pháp cổ xưa, lưu truyền qua nhiều thế hệ như sử dụng cồng chiêng, vẫn phát huy vai trò quan trọng tại các vùng nông thôn kém phát triển.

"Những biện pháp tưởng chừng đã lỗi thời này vẫn có tính hiệu quả ở nông thôn. Nhưng tựu trung lại, kiểm soát lũ vẫn phải phụ thuộc vào con người", ông Zou nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Trung Quốc hứng chịu lũ lụt dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ?

Lũ lụt ở Trung Quốc xảy ra vào mùa hè hàng năm nhưng năm nay sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và các hoạt động của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Tân Hoa xã ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN