Liệu Trung Quốc có thế chân Mỹ làm “anh cả” thế giới?

Sự trỗi dậy gần đây của Trung Quốc khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về vị thế trong tương lai của “gã khổng lồ châu Á”.

Liệu Trung Quốc có thế chân Mỹ làm “anh cả” thế giới? - 1

Liệu Trung Quốc có thế chân Mỹ làm “anh cả” thế giới?

Mới đây, tác giả Xue Li và Cheng Zhangxi của tờ Diplomat viết bài phân tích với tiêu đề: “Liệu Trung Quốc có thay thế vai trò toàn cầu của Mỹ?”

Trong bài viết, hai chuyên gia về chính trị cho rằng điều này phụ thuộc vào hai yếu tố. Đầu tiên, liệu Trung Quốc có muốn như vậy không? Thứ hai, Trung Quốc có khả năng làm vậy không?

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc bao gồm Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình đều tuyên bố rõ ràng rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm sự bá chủ”.

Ông Tập còn thêm rằng Trung Quốc không sẵn sàng trở thành “cảnh sát thế giới” và không muốn thay thế bất kỳ ai. Điều này có thể được hiểu là Trung Quốc không muốn thay thế vai trò toàn cầu của Mỹ, theo các chuyên gia.

Một số người có thể nói rằng mong muốn của một quốc gia có thể thay đổi và năng lực của họ mới là thứ quan trọng hơn: Trung Quốc có thể thay đổi mong muốn khi sức mạnh của nước này tăng lên. Vậy năng lực của Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ hay không?

Liệu Trung Quốc có thế chân Mỹ làm “anh cả” thế giới? - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) được chụp ảnh ở Mỹ

Theo Diplomat, năng lực của một quốc gia có thể được phân thành “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Quyền lực cứng, đặc biệt là năng lực kinh tế và sức mạnh quân sự, là nền tảng của vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sau Thế chiến II. Nhưng sự kết hợp giữa quyền lực cứng và mềm là điều kiện cần và đủ cho sự tăng trưởng của một nhà lãnh đạo toàn cầu. Quyền lực mềm của Mỹ chủ yếu thể hiện trong việc xây dựng và lãnh đạo hệ thống quốc tế sau chiến tranh, đóng góp văn hóa, phát triển khoa học công nghệ và giáo dục, chính sách nhập cư tương đối thoáng.

Vào cuối Thế chiến II, Mỹ chiếm 60% GDP toàn cầu và năng lực sản xuất công nghiệp của nước này chiếm một nửa thế giới. Sản lượng dầu và thép của Mỹ chiếm 70% và 64% tổng số thế giới. Với quyền lực cứng này, cộng thêm khả năng sản xuất tiên tiến và phát triển công nghệ, sức mạnh quân sự của Mỹ vào cuối Thế chiến II đã vượt qua sức mạnh của các nước Đồng minh khác. Mỹ liên tục trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ Thế chiến II, xây dựng hệ thống liên minh toàn cầu cũng như mạng lưới các căn cứ quân sự.

Liệu Trung Quốc có thế chân Mỹ làm “anh cả” thế giới? - 3

Liệu năng lực của Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ hay không?

Sau Thế chiến II, Mỹ đã vượt các nước châu Âu về công nghệ và giáo dục cấp cao. Do sự phát triển nhanh chóng của Mỹ trong khoa học xã hội và nhân văn, cũng như dòng chảy của trí thức châu Âu trong Thế chiến II, Mỹ đã thay thế các nước châu Âu và trở thành thành trung tâm nghiên cứu khoa học và giáo dục cấp cao toàn cầu. Do vậy, quốc gia này thu hút tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Chính sách nhập cư tương đối thoáng của Mỹ cũng góp phần cho sự lãnh đạo toàn cầu. Nhờ thu hút được nhiều tài năng, Mỹ đạt được “năng lực vô song về sự sáng tạo và trở thành ngôi nhà toàn cầu cho người tài đến từ các quốc gia và nền văn minh khác nhau”, theo các chuyên gia. Sau Thế chiến II, hơn 50% số người đoạt giải Nobel đến từ Mỹ. Làn sóng tài năng giúp nâng cao vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Liệu Trung Quốc có thế chân Mỹ làm “anh cả” thế giới? - 4

Ảnh chụp trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11.2017 của ông Trump

Thế chiến II cung cấp cho Mỹ cơ hội đặc biệt để trở thành nhà lãnh đạo thế giới. Trung Quốc giờ chỉ có thể vượt Mỹ trong một số khía cạnh như GDP, chi tiêu quốc phòng, số sinh viên quốc tế… Xét về số đồng minh, căn cứ quân sự toàn cầu, ảnh hưởng đến Liên Hiệp Quốc, ảnh hưởng đến tài chính toàn cầu…, rất khó để Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ.

Thêm nữa, Trung Quốc cũng khó có thể thu hút tài năng như Mỹ. Quyền lực mềm của Mỹ được mở rộng nhờ sự tương đồng về văn hóa với các quốc gia châu Âu, sự truyền tải văn hóa qua các thuộc địa. Tuy nhiên, văn hóa Trung Quốc là nền văn minh khu vực điển hình. Vì điều này, Trung Quốc khó có thể thu hút tài năng toàn cầu như Mỹ và trở thành ngôi nhà cho người nhập cư. Do đó, nước này khó có khả năng vượt Mỹ về giáo dục, nghiên cứu khoa học và sáng tạo.

Nhìn chung, Trung Quốc dường như không muốn và cũng không thể thay thế vai trò toàn cầu của Mỹ kể cả sau khi “trỗi dậy”, các chuyên gia kết luận.

Một thế giới, hai đế chế: Khả năng đụng độ giữa TQ và Mỹ?

Washington và Bắc Kinh có thể không thừa nhận, nhưng sự thật là lần đầu tiên Trái Đất của chúng ta nằm trong sự “thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - The Diplomat ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN