Lối thoát nào cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung?

Xét theo tình hình hiện nay, trong vòng từ 3 – 6 tháng tiếp theo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ diễn biến xấu hơn. Cụ thể, nhiều khả năng vào đầu năm 2019, Mỹ sẽ áp thuế với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Mỹ không thể ép Trung Quốc “đầu hàng” vô điều kiện

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm mà người đứng đầu Nhà Trắng mô tả là “một cuộc trao đổi rất tốt đẹp, đó đặc biệt là về vấn đề thương mại”. Tuy nhiên, diễn biến thực tiễn cho thấy tiến trình đàm phán về vấn đề thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách. 

Thứ nhất, nội bộ Washington xuất hiện quan điểm đối lập. Phe “chủ chiến” do ông Robert Lighthizer - Đại diện thương mại Mỹ đứng đầu - đặt mục tiêu cần phải phá vỡ chiến lược kinh tế hiện nay của Trung Quốc để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời cho rằng, hiện chưa phải là giai đoạn thích hợp để khôi phục đàm phán giữa hai bên. Trong khi đó, phe “chủ hòa”, dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, lại cho rằng mục đích chính của Washington là tìm cách giảm bớt thâm hụt thương mại với Bắc Kinh; đồng thời nỗ lực thúc đẩy đàm phán để đạt được thỏa thuận giữa hai bên.

Thứ hai, mặc dù ông Donald Trump có ý hòa hoãn với Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng. Trung Quốc mong muốn đạt được một thỏa thuận với Mỹ về việc thu hẹp thâm hụt thương mại giữa hai bên, nhưng Bắc Kinh cũng kiên quyết cự tuyệt các đòi hỏi khác của Washington như dừng hỗ trợ các doanh nghiệp, chấm dứt cưỡng ép chuyển giao công nghệ và hạn chế sự lũng đoạn của các doanh nghiệp nhà nước… Thứ ba, phong cách cá nhân “khó đoán” của Tổng thống Donald Trump. Một phong cách thường thấy của người đứng đầu Nhà Trắng là ban đầu bày tỏ sự nhất trí về mặt nguyên tắc đối với một hiệp định nào đó, nhưng sau đó lại thay đổi tất cả.

Lối thoát nào cho cuộc thương chiến Mỹ - Trung? - 1

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Xét từ những “cửa ải” cần vượt qua trên, giới phân tích Trung Quốc cho rằng, kết quả tốt nhất trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), sẽ diễn ra tại Thủ đô Buenos Aires của Argentina trong hai ngày 30-11 và 1-12 tới đây, là hai bên đạt được thỏa thuận về việc tạm thời cùng không áp dụng các biện pháp tăng thuế. Tuy nhiên, nếu Mỹ có ý muốn ép Trung Quốc phải “đầu hàng vô điều kiện”, hai bên chắc chắn sẽ không đạt được thỏa thuận, cuộc thương chiến sẽ tiếp tục diễn ra và thậm chí còn có phần gay gắt hơn. 

Ông Thôi Đại Vĩ, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu quan hệ Trung Quốc với các nước thuộc Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng, mặc dù cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đang được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, nhưng hiện vẫn chưa biết liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận mà cả hai đều có thể chấp nhận hay không. 

Chia sẻ quan điểm trên, Giáo sư chính trị học Trương Bạc Hối của Trường Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong) cảnh báo điều này sẽ không làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Vì chiến tranh thương mại chỉ là một khâu trong toàn bộ chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc. Cho dù Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận hoặc thậm chí là phương án tạm thời giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai bên, các nhân tố khác thúc đẩy Mỹ thực hiện chiến lược bao vây đối với Trung Quốc vẫn tồn tại.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thời Ân Hoằng, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc - cũng cho rằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc là động thái tích cực, nhưng về tổng thể Washington vẫn yêu cầu Bắc Kinh phải nhượng bộ, trong đó bao gồm cả việc mở rộng thị trường, tăng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ; thay đổi chính sách quản lý kinh tế, tiền tệ cũng như nỗ lực nâng cấp khoa học kỹ thuật của Trung Quốc… Theo chuyên gia này, mục đích quan trọng nhất của Mỹ là buộc Trung Quốc phải “đầu hàng vô điều kiện” và đây cũng là nội dung then chốt của va chạm thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Cơ hội mà Mỹ nên nắm giữ

Đòn áp thuế trừng phạt lẫn nhau đang khiến Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ. Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Mỹ hơn là kinh tế Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Mỹ là rất sáng sủa, trong khi đang xuất hiện những đám mây vần vũ chờ đón kinh tế Trung Quốc ở phía trước. Nói tóm lại, lợi thế đang ở trong tay Mỹ. Nhưng dạng thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump nên tìm kiếm là gì? Vấn đề với Mỹ nằm ở chỗ ông Tập Cận Bình không thể đáp ứng điều người đứng đầu Nhà Trắng yêu cầu: ngay lập tức giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ có thể nhận được một số bảo đảm về việc Trung Quốc tăng mua hàng từ Mỹ, nhưng chừng đó là không đủ để thay đổi thực tại cấu trúc tồn tại bấy lâu đưa đến mất cân bằng thương mại trầm trọng: Người Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn so với người Mỹ, còn người Mỹ lại chi tiêu nhiều hơn người Trung Quốc. Điều mà Trung Quốc có thể đồng ý cho đi và cũng là thứ mà Mỹ nên chấp nhận - đó là những quan ngại về đầu tư, chứ không phải thương mại. 

Ông Donald Trump cần hối thúc Bắc Kinh mở cửa thị trường nhiều hơn, các điều kiện bảo hộ tốt hơn, nhất là sở hữu trí tuệ đối với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ đang đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc. Mục tiêu là hạn chế các công ty Trung Quốc nắm giữ các tài sản hiện hữu của Mỹ, đồng thời tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào những dự án mới hứa hẹn sẽ tạo ra việc làm cho người dân Mỹ. Phần thưởng tiềm tàng cho Mỹ về đầu tư nằm ở tương lai của một trật tự thương mại tự do và công bằng hơn. Các công ty đa quốc gia ngày nay phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung và mạng lưới phân phối toàn cầu. Số lượng sản phẩm chỉ do một nước gia công và xuất khẩu ngày càng ít đi.

Bên cạnh đó, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ sẽ tạo ra tiềm năng về một chiến thắng khác cho cả đôi bên. Các cuộc đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương (BIT) đã bị ngưng trệ trong nhiều năm. Ngay cả khi khoảng cách để tiến đến một BIT chính thức còn quá xa, Buenos Aires vẫn là địa điểm phù hợp để làm sống lại ý tưởng đằng sau các cuộc hội đàm.

Ngoài tiếp cận của phía Mỹ với thị trường Trung Quốc, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc nên học hỏi từ những thành công trong đầu tư của Nhật Bản tại Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, vốn tạo ra khoảng 700.000 việc làm cho người lao động Mỹ - theo số liệu ước đoán của Bộ Thương mại Mỹ. Đầu tư bùng nổ của Trung Quốc sẽ đóng vai trò to lớn đối với kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới đây. Washington nên tạo ra những nền tảng để bảo đảm rằng, nước Mỹ sẽ nhận được nhiều từ dòng vốn này, và cũng là để chứng tỏ lợi ích cho cả đôi bên. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ biết vận dụng khéo léo, đầu tư của Trung Quốc không những tạo ra việc làm, mà còn giúp giảm thâm hụt thương mại.

Ông Donald Trump cần nói rõ với ông Tập Cận Bình rằng, dù phải nắm giữ bằng được quyền ngăn chặn các khoản đầu tư nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia hợp lý, Mỹ vẫn chào đón đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn nữa. “Chiến tranh thương mại” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng Internet ở hai bờ Thái Bình Dương. 

Thế nhưng ở góc độ nổi bật khác, phải thấy rằng thương mại truyền thống đang lui về vai trò thứ yếu trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở ở một nước nhưng hoạt động ở nhiều nước là xu thế chủ đạo. Thâm hụt thương mại là trò chơi “bên được-bên mất”, nhưng tự do hóa đầu tư, có đi có lại sẽ tạo ra “hợp tác cùng thắng”. Giờ là thời điểm Mỹ cần nắm lấy cơ hội đó.

Mỹ giáng đòn bất ngờ lên Trung Quốc

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc vừa thu hồi thị thực nhập cảnh nhiều lần trong 10 năm đối với các nhà nghiên cứu quan...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Bảo - tổng hợp ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN