Lần duy nhất chiến đấu cơ Mỹ phóng tên lửa diệt vệ tinh cao 500km

Giây phút chiến đấu cơ F-15 của Mỹ phóng tên lửa chuyên dụng đánh chặn vệ tinh đang bay với tốc độ 28.000 km/giờ ở độ cao 500km được coi là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử.

Lần duy nhất chiến đấu cơ Mỹ phóng tên lửa diệt vệ tinh cao 500km - 1

Chiếc F-15A phóng tên lửa ở góc nghiêng 60 độ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6 đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc thành lập quân chủng vũ trụ (SF), quân chủng thứ 6 trong các lực lượng vũ trang Mỹ. Điều này mở ra những định nghĩa mới về tác chiến trong môi trường vũ trụ.

Ít người biết rằng, cuộc chạy đua vũ khí Liên Xô-Mỹ trong giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh đã đưa người Mỹ chạm tay đến mục tiêu tưởng chừng như bất khả thi. Đó là bắn rơi một vệ tinh đang bay trong quỹ đạo.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi Mỹ phát hiện Liên Xô đang bí mật phát triển loại vệ tinh sát thủ. Điều này tạo ra mối đe dọa đối với mạng lưới vệ tinh liên lạc và trinh sát của Mỹ.

Trong nỗ lực tìm phương án đối phó, quân đội Mỹ đã tạo ra tên lửa Vought ASM-135A (ASAT). Tên lửa này có những tính năng tương đồng với mẫu tên lửa hạt nhân đối đất AGM-69 SRAM-A. Nhưng mẫu ASM-135A không được trang bị đầu đạn, nghĩa là nó tiêu diệt mục tiêu bằng động năng.

Để làm được điều này, tên lửa được gắn thiết bị dẫn đường tầm nhiệt nhằm mục tiêu vệ tinh bay trong quỹ đạo.

Trong một thời gian cân nhắc, không quân Mỹ lựa chọn chiến đấu cơ F-15 cho nhiệm vụ này bởi đây là mẫu máy bay có lực đẩy lớn, có thể được cải tiến để gắn ASM-135A mà không cần phải chỉnh sửa khung thân.

Lần duy nhất chiến đấu cơ Mỹ phóng tên lửa diệt vệ tinh cao 500km - 2

Quả tên lửa ASM-135A chuyên dùng cho mục đích diệt vệ tinh.

Theo kế hoạch, các chiến đấu cơ F-15 được đặt trong tình trạng sẵn sàng xuất kích ở Trung Tâm Chỉ Huy Phòng Không Bắc Mỹ (NORAD). Trung tâm sẽ có nhiệm vụ cung cấp vị trí, hướng bay của mục tiêu và chiếc F-15 thực hiện đúng theo chỉ đạo, bay đến địa điểm định trước ở độ cao tối thiểu 11.000 mét và phóng tên lửa theo góc cao 60-65 độ.

Dự án ASM-135A của Mỹ bắt đầu thử nghiệm vào năm 1982. Ban đầu, phi công lái F-15 chỉ được bay đến địa điểm định sẵn và quay về, không cần khai hỏa tên lửa. Hai năm sau, các tên lửa ASM-135A đầu tiên mới được khai hỏa nhằm vào khoảng không trong vũ trụ.

Lần thử nghiệm bắn vệ tinh duy nhất được không quân Mỹ ấn định vào ngày 13.9.1985 với mục tiêu là vệ tinh Solwind P78-1.

Đây là mẫu vệ tinh quang phổ được phóng lên quỹ đạo vào năm 1979 nhưng đã trở nên vô dụng sau 6 năm. Đó là lúc người Mỹ lựa chọn Solwind P78-1 là mục tiêu thử nghiệm thực tế.

12 giờ 42 phút ngày 13.9.1985, thiếu tá Wilbert "Doug" Pearson bấm nút khai hỏa trên chiếc tiêm kích F-15A mang số hiệu 76-0084. Tên lửa ASM-135A được phóng đi khi chiếc F-15A đang bay gần như thẳng đứng với tốc độ xấp xỉ vận tốc âm thanh ở độ cao 11.000 mét.

Bay thẳng vào không gian, tên lửa ASM-135A hướng đến mục tiêu Solwind P78-1, khi đó đang di chuyển theo quỹ đạo với vận tốc 28.000 km/giờ ở độ cao 500km. Để có thể đánh trúng mục tiêu, mọi hoạt động của tiêm kích F-15A cần phải diễn ra đúng theo tính toán đến từng phút, thậm chí từng giây cho đến khi khai hỏa.

Lần duy nhất chiến đấu cơ Mỹ phóng tên lửa diệt vệ tinh cao 500km - 3

Tiêm kích F-15A gắn tên lửa ASM-135A dưới bụng.

"Tôi phải bay theo các điểm mốc trên máy tính, điều này đòi hỏi kỹ thuật bay rất tốt để có thể tới điểm mốc đúng thời gian, độ cao và tốc độ quy định", Pearson nhớ lại. “Phi công không được phép mắc sai sót”.

Ở thời điểm đó, chiếc F-15A do Pearson điều khiển trải qua một lần tiếp nhiên liệu ở độ cao 9.100 mét. Máy bay sau đó hướng thẳng lên trời với tốc độ 1.400 km/giờ và đạt góc 60 độ so với mặt đất. Máy bay chạm đến mốc độ cao 11.000 mét là lúc Pearson phải bấm nút khai hỏa.

Giây phút tên lửa ASM-135a tách khỏi máy bay được các tiêm kích hộ tống ghi lại hình ảnh một cách chi tiết. “Tên lửa hướng vào không gian trong chớp nhoáng”, Pearson nhớ lại.

Vào thời điểm đó, vệ tinh Solwind P78-1 đang bay qua bầu trời Hawaii với tốc độ 7 km/s, trong khi quả đạn ASM-135 đạt vận tốc 4 km/s. Tốc độ va chạm giữa hai vật thể tạo nên động năng cực lớn, phá hủy vệ tinh Solwind.

Pearson khi đó không biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa, nhưng ông nghe thấy tiếng hò reo từ phòng điều khiển khi liên lạc với trung tâm dưới mặt đất. Không quân Mỹ sau đó kết luận rằng thử nghiệm đã thành công tốt đẹp khi tên lửa bắn trúng vệ tinh.

Nhưng có một vấn đề là các nhà khoa học nói họ vẫn nhận được thông tin phản hồi từ vệ tinh Solwind. Dường như cú va chạm với quả tên lửa không mang đầu đạn khiến cho vệ tinh này không bị phá hủy hoàn toàn.

Dự án ASM-135A sau này cũng không còn được phát triển thêm vì thỏa thuận ký kết giữa Liên Xô và Mỹ. Theo thỏa thuận, hai nước cam kết không chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Kết quả là Quốc hội Mỹ cắt nguồn tiền cấp cho dự án, buộc không quân Mỹ phải ngừng kế hoạch phát triển tên lửa diệt vệ tinh vào năm 1988.

Khoảnh khắc máy bay Mỹ-Liên Xô suýt khơi mào Thế chiến 3

Cuộc chạm trán giữa máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird Mỹ và tiêm kích đánh chặn MiG-31 Liên Xô được biết đến là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN