Khủng hoảng Nga - Ukraine đặt ra thách thức lớn cho ông Biden

Tình hình bất ổn giữa Nga và Ukraine trở thành phép thử nặng ký cho chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Căng thẳng biên giới Nga - Ukraine tới nay vẫn tiếp tục leo thang, bất chấp những nỗ lực ngoại giao liên tục của các bên liên quan. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 12-2 đã có cuộc điện đàm trong gần 1 giờ về vấn đề này nhưng được cho là không đạt được đột phá nào, theo hãng tin Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN

Thông báo từ Nhà Trắng về sự kiện cho biết ông Biden đã làm rõ với ông Putin rằng Mỹ sẵn sàng theo đuổi con đường ngoại giao nhưng “đồng thời cũng chuẩn bị cho những kịch bản khác”. Nhà lãnh đạo Mỹ còn cảnh báo chủ nhân điện Kremlin rằng tấn công Ukraine “sẽ gây ra đau khổ sâu rộng cho toàn nhân loại và làm giảm vị thế chính trị của Nga”.

Giới quan sát lúc này nhận định những diễn biến từ đây sắp tới trong căng thẳng Nga - Ukraine sẽ là thách thức lớn cho năng lực đối ngoại nói riêng và khả năng lãnh đạo nói chung của chủ nhân Nhà Trắng khi ông phải hết sức giữ vững lập trường, kết hợp duy trì đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây trong cuộc đối đầu căng thẳng với Nga.

Phản ứng của ông Biden với Nga tới nay ra sao?

Khi chính thức lên nắm quyền, ông Biden đã cam kết sẽ đưa ra cách tiếp cận mới trong quan hệ với Nga. Đơn cử, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hồi tháng 2-2021, ông Biden tuyên bố “những ngày Mỹ để yên trước cách hành xử quyết đoán từ Nga đã kết thúc”. Tổng thống Mỹ cam kết chính quyền của ông sẽ không ngần ngại buộc Nga trả giá đắt nếu đe dọa lợi ích then chốt của Washington. Ông cũng kỳ vọng mối quan hệ Mỹ - Nga theo thời gian sẽ trở nên ổn định và dễ đoán hơn, tạo điều kiện thuận lợi để ông tập trung giải quyết thách thức chiến lược lớn hơn là Trung Quốc, đài BBC cho hay.

Tuy nhiên, việc Nga bất ngờ gia tăng áp lực quân sự lên khu vực phía đông Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay sau cuộc thượng đỉnh trực tuyến với Mỹ hồi tháng 12-2021 đã khiến ông Biden rơi vào thế bị động. Ngay sau đó, Moscow tiếp tục tung ra “tối hậu thư” với các yêu cầu an ninh buộc phương Tây phải nhượng bộ nhiều thứ, như phải cam kết không cho Ukraine gia nhập NATO, càng thu hẹp khả năng xoay trở của các bên.

Dù vậy, cho tới nay, phản ứng của Tổng thống Biden về các diễn biến ở châu Âu đều khiến giới quan sát ngạc nhiên, khi ông Biden thể hiện thái độ cứng rắn bất ngờ và đối đầu trực diện với Nga như cách mà Mỹ từng thể hiện trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Một mặt, ông Biden điều quân đội tăng viện cho sườn đông NATO như một đòn răn đe cứng. Mặt khác, chính quyền của ông đã thực hiện hơn 200 cuộc tiếp xúc ngoại giao với các đồng minh và đối tác nhằm thống nhất phản ứng từ phương Tây trước sức ép của Moscow, theo thông tin từ cuộc họp báo của Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, gần đây.

Ông Biden cũng nỗ lực tham vấn và phối hợp với Ukraine cùng các đồng minh gần như trên mọi phương diện của cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn. Cách tiếp cận này cho thấy dường như giới lãnh đạo Mỹ đã rút được bài học quan trọng sau chiến dịch rút quân thảm họa tại Afghanistan - vốn phần nhiều thất bại là do các đồng minh của Mỹ không được thông tin đầy đủ về dự định của Washington.

Hãng tin Interfax dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nga ngày 12-2 cho biết một tàu chiến nước này đã xua đuổi một tàu ngầm Mỹ trong trong lãnh hải của Nga gần đảo Urup thuộc quần đảo Kuril, sau khi tàu ngầm phớt lờ lệnh trồi lên mặt nước. Phía Moscow cáo buộc Washington vi phạm luật pháp quốc tế và tạo ra mối đe dọa an ninh quốc gia vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang. Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc này của Nga, theo đài RT. 

Phép thử quan trọng cho vị thế của Mỹ

Tờ The Financial Times nhận định kết quả cuộc đối đầu giữa NATO và Nga hiện nay có thể định hình cấu trúc quyền lực ở châu Âu, đồng thời là phép thử quan trọng xem liệu Mỹ có còn đủ khả năng đưa phương Tây đối đầu các thách thức ngoài Nga như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên hoặc Iran như một siêu cường thế giới hay không.

“Câu chuyện không chỉ dừng lại ở xung đột khu vực giữa Nga và Ukraine, mà còn liên quan nhiều vấn đề khác. Tôi không chắc ông Biden và cộng sự có thể dự liệu được cuộc khủng hoảng lần này sẽ đi về đâu trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn đương đầu với những hành vi quyết liệt của Nga, họ cần chứng tỏ được sức mạnh thực tế thay vì chỉ bằng các phát ngôn ngoại giao” - Chủ tịch quỹ German Marshall (Mỹ), bà Heather Conley, nhận định.

Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried chỉ ra rằng hiện nay Mỹ đang có một lợi thế quan trọng: Đó là việc giới chức Nga đang khá bối rối vì họ không nghĩ chính quyền ông Biden đã có thể đưa ra một phản ứng quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với đồng minh như hiện nay, nhất là sau thất bại ở Afghanistan.

Sau thời gian dài bị Mỹ dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump chỉ trích, NATO, hưởng ứng lời kêu gọi của ông Biden, lúc này đang hoạt động tích cực nhằm thực hiện sứ mệnh truyền thống là bảo vệ châu Âu trước các thách thức an ninh từ Nga với mức độ mà Moscow không ngờ tới. Lời kêu gọi đoàn kết từ ông Biden lại càng tăng hiệu quả khi Nga phản ứng lại bằng cách không ngừng gia tăng hiện diện quân sự sát NATO.

“Tôi cho rằng ông Biden lúc này đang đi đúng hướng. Mỹ càng làm ngơ trước các hành động từ Nga, họ sẽ càng đối mặt nhiều rủi ro an ninh - chính trị hơn và hệ lụy sẽ lan ra các khu vực khác như châu Á. Thất bại trong kiềm tỏa Nga sẽ phát đi tín hiệu là Mỹ không sẵn sàng duy trì trật tự tự do và khuyến khích Trung Quốc hành xử tương tự” - Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng của Viện Doanh nghiệp Mỹ Kori Schake nhận định.

Chuyên gia Rachel Rizzo thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) cũng đánh giá cao cách giới chức Mỹ có thể xoay chuyển nhanh chóng nguồn lực tùy theo yêu cầu tình hình của từng khu vực địa chính trị. Tuy nhiên, nguy cơ một cuộc chiến tranh nổ ra ở châu Âu có thể làm ông Biden mất tập trung vào tình hình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về lâu dài. Hơn nữa, nếu căng thẳng kéo dài quá lâu, quân đội Mỹ cũng sẽ rất khó thực thi hiệu quả các chiến lược đề ra cùng lúc ở châu Âu và châu Á.

“Đây là thời điểm uy tín và năng lực của Mỹ trên trường quốc tế bị thử thách tối đa. Vấn đề là liệu nước này đã sẵn sàng hay chưa và chính quyền ông Biden có đủ sức đưa ra các lựa chọn quan trọng nhưng khó khăn sắp tới hay không” - bà Rizzo nói.

Mỹ gấp rút sơ tán nhân viên sứ quán, quân sự khỏi Ukraine

Hãng tin AP ngày 12-2 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết nước này đang sơ tán gần như toàn bộ nhân viên khỏi đại sứ quán nước này tại Kiev, trong bối cảnh giới tình báo phương Tây cảnh báo về nguy cơ một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang đến gần.

Thời gian tới, chỉ còn một số lượng rất hạn chế nhân viên ngoại giao nước này sẽ ở lại Ukraine để giữ liên lạc với chính phủ nhưng tất cả hoạt động lãnh sự sẽ bị tạm dừng. Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu nhân sự ở lại. Tính đến tháng 12 năm ngoái, có khoảng 180 nhân viên Mỹ làm việc tại Đại sứ quán ở Kiev, theo AP.

Đáng chú ý, hai nguồn tin khác cũng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Mỹ cũng sẽ rút thêm nhân viên tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE). OSCE không trả lời yêu cầu bình luận. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bủa vây Ukraine 3 mặt, nếu tấn công, Nga có thể tiến bằng hướng nào?

Một số chuyên gia và quan chức Mỹ cảnh báo, Nga có thể ra lệnh tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. Nếu không may điều đó...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN