Vỡ đập ở Lào: Tiếng nổ hãi hùng và âm thanh kỳ lạ?

7 ngôi làng ở tỉnh Attapeu đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn, và làng của cô Chantamart bị ngập tới 9m.

Vỡ đập ở Lào: Tiếng nổ hãi hùng và âm thanh kỳ lạ? - 1

Người dân Lào đứng trên nóc nhà chờ cứu hộ.

Petchinda Chantamart, sống ở một ngôi làng gần đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, cho biết cô nghe thấy tiếng nổ như bom cách đó vài km, sau đó là âm thanh kỳ lạ như tiếng gió rít.

Đó là lúc bản năng mách bảo Petchinda Chantamart rằng một trong những con đập mới đang xây dựng gần làng đã gặp trục trặc. Cô chạy đến gõ cửa từng nhà hàng xóm và hối thúc họ sơ tán đến nơi cao hơn, theo New York Times.

“Nước đang tràn đến”, cô Chantamart hét lớn. Trong vòng nửa tiếng, ngôi làng Xay Done Khong nơi cô sinh sống đã ngập sâu tới 9 mét.

Chantamart, 35 tuổi và nhiều người hàng xóm trong làng may mắn thoát khỏi trận lụt khủng khiếp. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, khi xảy ra thảm họa vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy. Ước tính 5 tỷ m3 nước đổ xuống hạ lưu.

Tại cuộc họp báo ngày 25.7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói vẫn còn 131 người mất tích và 3.000 người mất nhà cửa. Nhiều người được giải cứu trên mái nhà, trên cây sau khi ngôi làng họ sinh sống bị nước tràn qua. Lực lượng cứu hộ Lào hiện đã tìm thấy 26 thi thể người xấu số.

Vỡ đập ở Lào: Tiếng nổ hãi hùng và âm thanh kỳ lạ? - 2

Những người sống sót tập trung tại một nhà kho chờ nước rút.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập và xác định danh tính những người chết, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là giải cứu những người còn mắc kẹt”, Bounhom Phommasane, người đứng đầu khu vực Sanamxay nói.

Cô Chantamart nói hàng trăm người trong làng đã thoát nạn, nhưng vẫn còn 15 người mất tích, 9 trong số đó là trẻ em. Cô vẫn chưa thể trở về nhà vì nước dâng cao.

“Tôi rất lo lắng cho họ, đặc biệt là các cháu nhỏ”, cô nói. Chantamart và những người sống sót được đưa đến thị trấn Paksong, phía tây khu đập để ở tạm trong một nhà kho vốn được dùng làm nơi tích trữ cà phê.

Đoạn video đăng tải trên internet cho thấy cảnh lượng nước lớn đổ dồn qua khu vực con đập bị phá hủy. Hãng thông tấn Lào nói con đập đã bị vỡ hoàn toàn. Công ty xây dựng Hàn Quốc và các đơn vị liên quan hiện đang xác minh thiệt hại tại con đập.

Một tổ chức phản đối chính sách xây đập thủy điện hàng loạt ở Lào nói, họ đã cảnh báo về cơn mưa lớn khiến nước dâng cao từ đêm ngày 23.7. Đây được coi là bằng chứng cho thấy nhiều con đập ở Lào không được thiết kế để chống chịu lại thời tiết cực đoan.

Vỡ đập ở Lào: Tiếng nổ hãi hùng và âm thanh kỳ lạ? - 3

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy khu vực bị nước nhấn chìm ở Lào sau thảm họa.

“Thời tiết ngày càng khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu. Điều này đe dọa đến tính mạng của hàng triệu người sinh sống ở hạ lưu”, tổ chức này nói. Theo đó, những người sống gần con đập chỉ có vài giờ để sơ tán.

Trong vụ vỡ đập mới nhất, 7 ngôi làng ở tỉnh Attapeu đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn, khiến 6.000 người phải sơ tán. Việc dọn dẹp hiện trường sau thảm họa được dự báo sẽ rất khó khăn vì bom mìn còn sót lại thời chiến tranh.

“Đội cứu hộ có thể bị đe dọa tính mạng bởi số bom mìn chôn vùi dưới lòng đất hoàn toàn có khả năng phát nổ”,  Mark Hiznay, giám đốc tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ nói.

Xe-Pian Xe-Namnoy chỉ là một trong số 70 đập thủy diện đang được Lào xây dựng. Đa số do các công ty tư nhân sở hữu và vận hành.

Chantamart nói cô không hy vọng còn lại thứ gì ở nhà. “Mọi ngôi nhà trong làng đã bị nước cuốn trôi”, cô nói. Chantamart cho rằng, chính phủ và công ty xây dựng con đập phải có hành động giúp đỡ các nạn nhân.

Vỡ đập ở Lào: Tiếng nổ hãi hùng và âm thanh kỳ lạ? - 4

Các tình nguyện viên chuẩn bị gạo cho những người mất nhà cửa vì thảm họa vỡ đập.

“Mọi người rất sốc, sợ hãi và luôn chia buồn với những mất mát của nhau”, cô nói.

Ước tính 70% người trong làng nơi cô Chantamart sinh sống là dân tộc thiểu số. Họ chủ yếu trồng lúa và cà phê. Thỉnh thoảng, có người tìm được việc làm công nhân.

Khamla Souvannasy, quan chức địa phương nói chính quyền đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ những người sống sót. “Mưa lớn là một trở ngại. Chúng tôi vẫn đang đi kiếm thêm nệm”, Souvannasy nói.

Souvannasy nói thêm: “Thảm họa diễn ra quá nhanh nên chúng tôi không thể kịp chuẩn bị. Chúng tôi đang làm việc với trách nhiệm cao nhất”.

Den Even Den, một nông dân địa phương nói tất cả mọi người đã mất hết nhà cửa, tài sản. “Những gì chúng tôi còn lại chỉ là tính mạng”.

Công trình đập thủy điện của Lào bị vỡ ”khủng” như thế nào?

Được khởi công xây dựng vào năm 2013, công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy được đánh giá là dự án tầm cỡ có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN