Israel đã dội bao nhiêu bom đạn xuống Gaza?

Kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ, bom đạn Israel không ngừng rơi ở Gaza, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, nhiều người rơi vào cảnh mất nhà cửa và đói kém.

Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã kéo dài gần 4 tháng.

Những ngày qua, phía Israel vẫn không ngừng không kích, tấn công nhiều địa điểm tại Gaza. Bom đạn Israel không ngừng rơi ở Gaza khiến nhiều khu dân cư bị hư hại, nhiều cơ sở hạ tầng dường như không thể phục hồi.

Trong khi đó, nhiều người dân Gaza mất nhà cửa, phải sống trong các trại tị nạn, thiếu thốn trăm bề khi mùa đông đến. Ước nguyện lớn nhất của người dân Gaza bây giờ là mong sao xung đột sớm kết thúc.

Israel đã dội bao nhiêu bom đạn xuống Gaza?

Cho đến nay, chưa có thông tin chính thức về số lượng bom đạn mà lực lượng Israel đã rải xuống Gaza. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 12-2023, tờ The Wall Street Journal cho biết khoảng 300.000 trong số 439.000 ngôi nhà tại Gaza đã bị phá hủy do các cuộc tấn công của Israel.

Phân tích hình ảnh vệ tinh, tờ The Wall Street Journal ước tính Israel đã ném 29.000 quả bom xuống dải đất này. Phần lớn các quả bom trúng vào các khu dân cư, nhà thờ, bệnh viện và trung tâm mua sắm. Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng dân sự đã bị hư hại đến mức không thể sửa chữa được.

Israel chưa bình luận về thông tin trên.

Khói lửa bốc lên ở TP Gaza (bắc Gaza) sau khi Israel không kích vào nơi này. Ảnh: AFP

Khói lửa bốc lên ở TP Gaza (bắc Gaza) sau khi Israel không kích vào nơi này. Ảnh: AFP

Trong khi đó, lực lượng Israel ít tiết lộ về loại bom và pháo họ đang sử dụng ở Gaza.

Từ các mảnh vỡ của vụ nổ tại Gaza và qua phân tích các cảnh quay về cuộc tấn công, các chuyên gia cho rằng phần lớn bom mà Israel thả xuống Gaza là do Mỹ sản xuất. Họ cho biết các loại vũ khí này cũng bao gồm “bom boong-ke” nặng tới 900 kg. Theo kênh Al Jazeera, loại bom này có thể giết chết hàng trăm người ở các khu vực đông dân cư.

Ông John Chappell – chuyên gia vận động và pháp lý tại Trung tâm vì Thường dân trong xung đột (CIVIC - Mỹ, nhóm vận động giảm thiểu thiệt hại dân sự trong xung đột) – cho biết: “Việc sử dụng những quả bom nặng 900 kg ở một khu vực đông dân cư như Gaza có thể khiến nơi này mất hàng thập niên để phục hồi”.

Trả lời hãng tin AP, ông Corey Scher – chuyên gia tại ĐH bang Oregon (Mỹ) cho biết: “Gaza hiện có một màu sắc khác. Đó là một kết cấu khác”.

Các chuyên gia cũng cho rằng chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza hiện nằm trong số những chiến dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại. Các chuyên gia cũng chỉ trích việc Israel ném bom Gaza khi dải đất này là một trong những khu vực mật độ dân số cao nhất thế giới (2,3 triệu người sống trong diện tích 365 km vuông).

Binh sĩ Israel tại Gaza. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ISRAEL

Binh sĩ Israel tại Gaza. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ISRAEL

Người dân Gaza không thể chịu được nữa

Tính đến ngày 28-1, xung đột Israel-Hamas đã khiến hơn 26.400 người Palestine ở Gaza thiệt mạng và hơn 65.000 người bị thương. Theo Al Jazeera, nỗi đau khổ của người dân Gaza là không có hồi kết.

Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính xung đột đã khiến 85% dân số Gaza phải di dời chỗ ở trong bối cảnh tình trạng lương thực, nước sạch và thuốc men bị thiếu trầm trọng.

Hồi giữa tháng 1, trả lời đài CNN, ông Martin Griffiths – Phó Tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo – cho biết xung đột Israel-Hamas đã gây ra nạn đói với “tốc độ đáng kinh ngạc”.

Theo ông Griffiths, 400.000 người Gaza được các cơ quan của LHQ mô tả là có nguy cơ chết đói. Ông nhấn mạnh đại đa số người trong nhóm trên “thực sự đang trong nạn đói, chứ không chỉ có nguy cơ xảy ra nạn đói”.

"Đó là một khía cạnh bất thường và hoàn toàn không được ủng hộ trong xung đột tại Gaza. Nó đã mang đến nạn đói với tốc độ đáng kinh ngạc ở tuyến đầu” – ông Griffiths nói.

Trước đó, ông Griffiths cho biết: “Ba tháng kể từ vụ tấn công kinh hoàng ngày 7-10-2023, Gaza đã trở thành nơi chết chóc và tuyệt vọng. Gaza đã thành nơi không thể ở được. Người dân ở đây đang chứng kiến những mối đe dọa hàng ngày đối với sự tồn tại của họ. Các cơ quan nhân đạo đã phải gánh một sứ mệnh bất khả thi là hỗ trợ hơn hai triệu người”.

Ngày 26-1, Ông Ajith Sunghay – người đứng đầu bộ phận nhân quyền của LHQ chịu trách nhiệm giám sát Gaza và Bờ Tây – cảnh báo thời tiết mùa đông lạnh giá ở Gaza đang khiến vùng đất này “hoàn toàn không thể ở được” sau nhiều tháng xung đột.

“Tôi lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều thường dân thiệt mạng” – ông Sunghay nói.

Ông Sunghay cho hay văn phòng của ông cũng lo ngại về tác động của mưa và thời tiết lạnh ở Gaza.

“Điều này hoàn toàn có thể dự đoán được vào thời điểm này trong năm và có nguy cơ khiến người dân không thể ở được. Hầu hết người dân không có quần áo ấm hoặc chăn. Tại bắc Gaza – nơi lực lượng Israel tiếp tục tấn công, chúng tôi hầu như không thể tiếp cận được, thậm chí không thể cung cấp viện trợ nhân đạo cơ bản” – ông Sunghay nói.

Trong khi đó, ngoài việc đối mặt nạn đói, người dân Gaza thường xuyên nhận được lệnh từ Israel phải di dời. Theo đó, kể từ khi xung đột ở Gaza nổ ra, Israel đã nhiều lần yêu cầu dân thường di dời đến TP Deir al-Balah (miền trung Gaza) để đảm bảo an toàn.

Theo LHQ, Deir al-Balah chứng kiến số lượng lớn những người di tản đến đây. Tuy nhiên, TP này cũng không tránh khỏi các chiến dịch ném bom của lực lượng Israel.

Điều tra của đài ABC News cho thấy kể từ ngày 7-10-2023, Israel đã 91 lần tấn công vào Deir al-Balah.

Một khu vực ở Rafah (nam Gaza) sau khi bị Israel không kích. Ảnh: REUTERS

Một khu vực ở Rafah (nam Gaza) sau khi bị Israel không kích. Ảnh: REUTERS

Tình trạng khốn khó của người dân Gaza khiến quan chức nhiều nước lên tiếng. Hôm 26-1, Ngoại trưởng Ireland – ông Micheal Martin nhấn mạnh rằng dân thường ở Gaza “không thể chịu đựng thêm nữa”.

“Tôi quyết tâm hợp tác với Liên minh châu Âu và các đối tác quốc tế để đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài và hướng tới một tiến trình hòa bình có ý nghĩa” – ông Martin nói.

Trước đó, trong chuyến thăm Ai Cập đầu tháng 1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng: “Quân đội Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ thường dân ở Gaza. Nỗi đau khổ của rất nhiều người Palestine vô tội không thể tiếp diễn như thế này”.

Trước tình hình hiện tại, tất cả người dân Gaza đều mong muốn xung đột kết thúc.

“Xung đột thật ngu ngốc. Cháu muốn nó kết thúc. Cháu đã tiết kiệm được 1.000 shekel (270 USD). Bố cháu đang giữ chúng. Cháu muốn đưa gia đình đi ăn nhà hàng sau khi xung đột kết thúc” – một cậu bé tại trại tị nạn Bureij (miền trung Gaza) nói với Al Jazeera.

Bộ trưởng Israel nhắc đến việc sử dụng bom hạt nhân ở Gaza

Ngày 24-1, Bộ trưởng Di sản Israel – ông Amichai Eliyahu nhắc lại lời kêu gọi tấn công Dải Gaza bằng một quả bom hạt nhân.

Trước đó, hồi tháng 11-2023, ông Eliyahu từng nói về “lựa chọn” sử dụng bom hạt nhân ở Gaza.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các quan chức cấp cao khác đã nhanh chóng bác bỏ quan điểm của ông Eliyahu.

“Những lời nói của ông Amichai Eliyahu xa rời thực tế. Israel và Lực lượng Phòng vệ Israel đang hành động phù hợp với các tiêu chuẩn cao nhất của luật pháp quốc tế, nhằm ngăn chặn tổn hại cho những người không liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến khi giành chiến thắng” – ông Netanyahu nói.

Sau tuyên bố hồi tháng 11 của ông Eliyahu, Thủ tướng Israel đã đình chỉ ông tham dự các cuộc họp nội các trong một thời gian ngắn.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 7/2 (giờ địa phương) đã bác bỏ lời đề nghị mới nhất của Hamas về lệnh ngừng bắn và trao trả các con tin bị giữ ở Dải Gaza, tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn lạc quan về việc đàm phán một thỏa thuận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN