Iraq: Hồ Mosul cạn trơ đáy lộ ra "thành phố mất tích" hơn 3.400 năm tuổi

Thành phố có niên đại hơn 3.400 tuổi “nổi lên” sau khi hồ chứa Mosul (miền bắc Iraq) cạn nước do hạn hán nghiêm trọng.

Tàn tích thành phố cổ Zakhiku hiện ra giữa hồ Mosul (ảnh: CNN)

Tàn tích thành phố cổ Zakhiku hiện ra giữa hồ Mosul (ảnh: CNN)

CNN hôm 21.6 đưa tin, các nhà khảo cổ học người Kurd và Đức đã chạy đua với thời gian để khai quật một thành phố cổ trong lòng hồ chứa Mosul. Địa điểm khảo cổ được cho là tàn tích của thành phố Zakhiku – một trong những trung tâm của đế chế Mittani.

Theo các nhà khoa học, Mittani là đế chế lớn mạnh, trị vì vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ biển Địa Trung Hải đến miền Bắc Iraq trong suốt khoảng thời gian từ năm 1550 đến 1350 TCN.

Tàn tích của thành phố Zakhiku bị nhấn chìm dưới nước sau khi chính phủ Iraq cho xây dựng hồ chứa Mosul vào năm 1980. Kể từ đó, thành phố cổ hiếm khi lộ ra. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, tình hình hạn hán kéo dài đã khiến hồ Mosul dần cạn nước và lộ đáy.

Ivana Puljiz – giáo sư khảo cổ học tại Đại học Freiburg (Đức), một trong những người chỉ đạo dự án khai quật – cho biết, các nhà nghiên cứu đã làm việc cật lực trước khi hồ Mosul đầy nước trở lại.

“Do áp lực thời gian quá lớn, chúng tôi phải làm việc bất chấp thời tiết khắc nghiệt. May thay, đôi khi trời cũng hửng nắng đẹp”, bà Puljiz nói với CNN.

Theo CNN, năm 2018, một cung điện trong tàn tích Zakhiku đã hiện ra khi lượng nước trong hồ Mosul giảm đáng kể. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, nước trong hồ đã đầy trở lại khiến giới khoa học không thể nghiên cứu kỹ lưỡng tàn tích.

Bà Puljiz cho biết, trong cuộc khai quật mới nhất, nhóm của mình đã khám phá nhiều công trình bên trong Zakhiku, bao gồm những tòa tháp, nhà nhiều tầng và các công sự phòng thủ. Phần lớn thành phố cổ Zakhiku được xây dựng bằng loại gạch làm từ bùn phơi khô. Vì vậy, nhiều công trình trong Zakhiku bị hư hại nghiêm trọng do ngâm dưới nước quá lâu.

Cổ vật được phát hiện trong tàn tích (ảnh: CNN)

Cổ vật được phát hiện trong tàn tích (ảnh: CNN)

Theo các nhà khoa học, vào khoảng năm 1350 TCN, Zakhiku đã phải hứng chịu một trận động đất lớn, khiến nhiều tòa nhà bị phá hủy và thành phố mất đi sự sầm uất.

“Một lượng lớn cổ vật được tìm thấy ở Zakhiku. Chúng có thể đến từ bất kỳ khu vực nào của Trung Đông”, bà Puljiz cho hay.

Theo bà Puljiz, qua hàng ngàn năm tồn tại, việc Zakhiku duy trì được cấu trúc như ngày nay “gần như là một phép màu”.

Ở tàn tích Zakhiku, các nhà khảo cổ đã phát hiện 5 bình gốm chứa hơn 100 phiến đất sét khắc ký tự cổ. Những phiến đất sét này có niên đại trùng với khoảng thời gian động đất ở Zakhiku xảy ra và có thể làm sáng tỏ những bí ẩn về đế chế Mittani. Đến nay, giới khảo cổ học vẫn chưa thể xác định được thủ đô của đế chế này.

Những phiến đất sét khắc ký tự bí ẩn từ thành phố cổ Zakhiku (ảnh: CNN)

Những phiến đất sét khắc ký tự bí ẩn từ thành phố cổ Zakhiku (ảnh: CNN)

“Tôi rất tò mò về những ký tự cổ khắc trên đất sét. Điều gì đã xảy ra với số phận thành phố và người dân của nó sau trận động đất kinh hoàng?”, bà Puljiz nói.

Trước khi Zakhiku một lần nữa chìm xuống nước, các nhà khảo cổ đã phủ tấm che lên khu vực khai quật và hy vọng điều này sẽ giúp thành phố cổ không bị biến mất vĩnh viễn.

Iraq là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Vào mùa hè, nhiệt độ ở một số khu vực nước này có thể lên đến hơn 45 độ C kèm theo tình trạng hạn hán.

Nguồn: [Link nguồn]

Bênh Lithuania chặn hàng hóa Nga, Mỹ nhắc đến Điều 5 NATO

Mỹ tuyên bố kiên quyết ủng hộ Lithuania trong bối cảnh quốc gia Bắc Âu nổ ra tranh cãi căng thẳng với Nga về vấn đề hàng hóa đến Kaliningrad (thuộc Nga) bị chặn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN