Điều ít biết về chương trình "Cho vay - Cho thuê" vũ khí của Mỹ trong Thế chiến II

Ngày 11.3.1941, Franklin D. Roosevelt – vị Tổng thống huyền thoại của nước Mỹ – đã ký phê duyệt “Lend-Lease”, một chương trình nhằm hỗ trợ ngân sách và vũ khí cho các đồng minh trong Thế chiến II. Roosevelt muốn Mỹ đứng ngoài Thế chiến, nhưng không muốn phe đồng minh thua cuộc.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký đạo luật Lend-Lease năm 1941 (ảnh: BI)

Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký đạo luật Lend-Lease năm 1941 (ảnh: BI)

Tháng 9.1939, Thế chiến II bùng nổ. Ban đầu, Mỹ giữ lập trường trung lập, nhưng khi Đức Quốc xã liên tiếp giành những chiến thắng ở châu Âu, chính quyền của Tổng thống Roosevelt bắt đầu tỏ ra lo ngại. Mỹ muốn viện trợ nhằm giúp Anh phòng thủ trước Đức Quốc xã, nhưng không muốn bị kéo vào xung đột, theo National Interest.

Năm 1940, trước tình hình nguy cấp ở Anh, ông Roosevelt tuyên bố Mỹ là “kho vũ khí của nền dân chủ” với số lượng vũ khí, đạn dược ở mức “dư thừa” và không có lý do gì để Washington từ chối yêu cầu giúp đỡ của London.

Từ giữa năm 1940, các tàu hàng của Mỹ bắt đầu chở vũ khí sang Anh. Đổi lại, Anh đồng ý cho Mỹ thuê một số căn cứ hải quân ở Biển Caribe và Đại Tây Dương. Những cuộc thỏa thuận này đã giúp Tổng thống Roosevelt hình thành ý tưởng về Lend-Lease – đạo luật cho phép Mỹ viện trợ vũ khí cho phe Đồng minh theo dạng “cho vay, cho thuê”.

Tháng 9.1940, Mỹ gửi 50 tàu khu trục “dư thừa” cho hải quân Anh và hải quân Canada. Tuy nhiên, Anh vẫn bị Đức áp đảo ở nhiều mặt trận châu Âu. Để giảm bớt tình trạng thiếu vũ khí của London, Mỹ cho phép các tàu chiến Anh được sửa chữa ở các căn cứ hải quân của Mỹ và mở nhiều cơ sở đào tạo hải quân, không quân Anh.

Vũ khí Mỹ lên đường sang châu Âu (ảnh: America)

Vũ khí Mỹ lên đường sang châu Âu (ảnh: America)

Ngày 31.10.1941, tàu khu trục Reuben James của Mỹ bị tàu ngầm Đức bắn chìm. Tư tưởng trung lập trong Thế chiến II lúc này gần như không còn xuất hiện trên chính trường Mỹ. Với lý do những khoản hỗ trợ cho Anh chưa đủ để London cầm cự trước Đức ở châu Âu cũng như bảo vệ chính nước Mỹ, ông Roosevelt đã thúc giục Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua đạo luật Lend-Lease (Cho vay – Cho thuê).  Ngày 11.3.1941, Tổng thống Mỹ Roosevelt chính thức ký phê duyệt và công bố Lend-Lease, theo History.

Đạo luật này cho phép Tổng thống Roosevelt có quyền bán, cho thuê, trao đổi, cho mượn vũ khí đối với bất kỳ quốc gia nào mà ông thấy cần. Với Lend-Lease, Mỹ không chỉ viện trợ vũ khí cho Anh theo cách “không giới hạn” mà còn tuyên bố London chỉ cần trả lại vũ khí trong trường hợp nó chưa bị phá hủy.

Theo Thượng viện Mỹ, ông Roosevelt có quyền lực gần như vô hạn trong việc viện trợ vũ khí cho các nước châu Âu, miễn là điều này giúp nước Mỹ được an toàn. Tháng 4.1941, Trung Quốc nhận vũ khí của Mỹ. Tháng 9.1941, Mỹ gửi vũ khí cho Liên Xô. Cùng thời điểm này, xe tăng Đức cũng tràn vào biên giới Liên Xô.

Chương trình Lend-Lease là một trong những yếu tố quan trọng giúp phe Đồng minh nhanh chóng kết thúc chiến tranh (ảnh: History)

Chương trình Lend-Lease là một trong những yếu tố quan trọng giúp phe Đồng minh nhanh chóng kết thúc chiến tranh (ảnh: History)

“Giả sử, nhà hàng xóm bắt lửa và tôi có một cái vòi nước, tôi sẽ không nói: ‘Này, anh bạn, cái vòi của tôi giá 15 USD và anh phải trả cho tôi 15 USD’. Tôi không muốn 15 USD, tôi chỉ cần nhận lại cái vòi sau khi đám cháy bị dập. Nói cách khác, nếu bạn cho mượn vũ khí và chúng sẽ quay trở lại sau khi chiến tranh kết thúc, bạn vẫn ổn”, ông Roosevelt nói về chương trình Lend-Lease.

Ngày 7.12.1941, Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng khiến Mỹ thiệt hại nặng nề. Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật Bản, tham gia Thế chiến II. Tất cả các đạo luật định hướng lập trường trung lập của Mỹ trong Thế chiến đều bị bãi bỏ.

Lend-Lease được thực hiện trước cả khi Mỹ tham gia Thế chiến II. Điều này được đánh gia là có ý nghĩa quan trọng trong chiến thắng của phe Đồng minh trước phát xít. Lương thực, vũ khí và nhu yếu phẩm của Mỹ chở đến Anh khi tàu ngầm Đức đang bao vây hòn đảo. Xe tăng, máy bay Mỹ xuất hiện ở Liên Xô khi Đức Quốc xã đang muốn tốc thắng ở Moscow.

Tới khi Thế chiến II kết thúc, Mỹ đã viện trợ vũ khí cho hơn 40 nước theo Chương trình Lend-Lease. Tổng số vũ khí, thiết bị quân sự Mỹ chi theo Lend-Lease trị giá 50,1 tỷ USD (tương đương hơn 575 tỷ USD theo thời giá hiện tại), chiếm 17% tổng chi tiêu của nước này trong toàn bộ cuộc chiến, theo Warfarehistorynetwork.

Ban đầu, Mỹ tuyên bố cho các nước phe Đồng minh vay vũ khí không lấy lãi và việc trả nợ sẽ bắt đầu vào năm thứ 5, sau chi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, trên thực tế, số vũ khí Mỹ viện trợ trong Thế chiến II gần như không được hoàn lại. Người dân Mỹ cũng không có phản ứng gì về vấn đề này. Họ hiểu rằng, các khoản viện trợ vật chất không thể so sánh được với những hy sinh to lớn về con người đối với những nước tham gia cuộc chiến chống phát xít.

Xe tăng Sherman Mỹ gửi cho Liên Xô (ảnh: NI)

Xe tăng Sherman Mỹ gửi cho Liên Xô (ảnh: NI)

Khi Thế chiến II bước vào những năm cuối, các nước phe Đồng minh đã khắc phục được những khó khăn trong sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, điều này lại vô tình khiến sản lượng hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp trong nước giảm đáng kể. Lend-Lease một lần nữa trở thành cứu cánh trong tình hình này. Năm 1944, khoảng 2/3 số xe tải mà Hồng quân sử dụng thuộc dòng Dodges và Studebakers do Mỹ chế tạo. Ngoài ra, Liên Xô cũng nhận được hơn 2.000 đầu máy kéo từ Mỹ.

Mỹ cũng nhận được vũ khí từ các nước đồng minh theo chương trình “Lend-Lease ngược”. Khi các lực lượng Mỹ bắt đầu đổ bộ vào châu Âu, họ đã được Anh cung cấp linh kiện để vận hành và sửa chữa những chiếc máy bay Supermarine Spitfire. Quân đội Mỹ cũng được các nước đồng minh gửi thực phẩm, cho sử dụng chung căn cứ và hỗ trợ hậu cần.

“Nếu không có trang bị của Mỹ, phe Đồng Minh không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến”, Stalin – lãnh đạo Liên Xô – phát biểu hồi tháng 3.1943, trong một buổi tiệc ở Hội nghị Teheran.

Theo National Interest, tổng số viện trợ Mỹ gửi cho Liên Xô trong Thế chiến II là 11,3 tỷ USD (tương đương 180 tỷ USD thời giá hiện nay). Theo số liệu được làm tròn, những vật tư, vũ khí Liên Xô nhận của Mỹ bao gồm, 400.000 xe tải các loại, 14.000 máy bay, 13.000 xe tăng. Tuy nhiên, những con số này vẫn chẳng thấm vào đâu khi so sánh với hàng chục nghìn vũ khí hạng nặng mà Hồng quân Liên Xô tung ra trên chiến trường.

Theo Drive, hơn 25.000 xe tăng T-34 đã được Liên Xô sản xuất trong Chiến tranh Vệ quốc. Hơn 36.000 máy bay bọc thép Ilyushin Il-2 của Liên Xô cũng tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.

Một số chuyên gia phương Tây đề cao Lend-Lease, cho rằng nhờ sự giúp đỡ của Mỹ nên Liên Xô mới có thể thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều cho rằng, dù không có vũ khí từ Lend-Lease, với sức chiến đấu kiên cường và chiến lược đúng đắn, Hồng quân Liên Xô vẫn sẽ thắng phe phát xít.

Mỹ cũng nhận được một số lợi ích nhờ Chương trình Lend-Lease (ảnh: Greelane)

Mỹ cũng nhận được một số lợi ích nhờ Chương trình Lend-Lease (ảnh: Greelane)

Trong khuôn khổ Chương trình Lend-Lease, xe tải Studebaker, xe tăng Sherman và máy bay Hurricane được cho là những phương tiện, vũ khí lợi hại nhất Mỹ gửi cho Liên Xô.

Theo History, 150.000 xe tải Studebaker được chuyển đến Liên Xô theo Chương trình Lend-Lease của Mỹ đã trở thành “ngựa thồ” thực sự cho Hồng quân. Studebaker được Hồng quân Liên Xô ưa chuộng bởi động cơ mạnh mẽ và cabin rộng. Nhiều thiết kế xe tải sau Thế chiến của Liên Xô cũng dựa trên khuôn mẫu của Studebaker.

Được trang bị pháo 75mm và súng máy phòng không Browning, xe tăng Sherman cũng Mỹ cũng là loại vũ khí rất được Hồng quân ưa chuộng. Hơn 4.000 xe tăng Sherman của Mỹ đã được gửi tới Liên Xô và tham chiến cùng Hồng quân. Trong khi quân đội Mỹ chưa đặt chân đến Berlin, xe tăng Sherman đã làm được điều đó cùng Hồng quân Liên Xô.

Anh là nước phụ thuộc nhiều nhất vào chương trình Lend-Lease của Mỹ. Tổng số vũ khí, thiết bị quân sự Anh nhận từ Mỹ trị giá 31,2 tỷ USD (khoảng 343 tỷ USD theo thời giá hiện nay). Pháp và Trung Quốc cũng nhận nhiều vũ khí, trang bị quân sự của Mỹ, lần lượt là khoảng 35,2 tỷ USD và 17,6 tỷ USD giá trị tính theo thời giá hiện nay.

Tháng 9.1945, Tổng thống Mỹ khi đó là Truman đã tuyên bố chấm dứt tuyên bố chấm dứt Chương trình Lend-Lease.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Zelensky: Nga mở ”cuộc chiến tổng lực” với Ukraine, Severodonetsk lâm nguy

Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng Nga đang tiến hành “cuộc chiến tổng lực” và cố gắng phá hủy cơ sở hạ tầng của Ukraine càng nhiều càng tốt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN