Hy vọng về thuốc điều trị Covid-19 giá rẻ

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chương trình ACT-A do WHO đứng đầu đang tìm kiếm thêm 22,8 tỉ USD từ các nhà tài trợ cho hoạt động từ giờ đến tháng 9-2022

Một chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu đang đặt mục tiêu bảo đảm tiếp cận được thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ với giá thấp nhất là 10 USD/liệu trình.

Đó là tiết lộ của Reuters hôm 19-10 dựa trên nội dung dự thảo tài liệu của chương trình "Access to Covid-19 Tools Accelerator" (ACT-A, tạm dịch là "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó Covid-19"). Văn kiện này phác thảo các mục tiêu của chương trình ACT-A từ giờ đến tháng 9-2022, như cung cấp khoảng 1 tỉ bộ kit xét nghiệm Covid-19 và đủ thuốc điều trị cho tối đa 120 triệu người bệnh nhẹ trên thế giới. Để đạt được các mục tiêu này, chương trình ACT-A đang tìm kiếm thêm 22,8 tỉ USD từ các nhà tài trợ cho hoạt động trong giai đoạn nói trên.

Dự thảo tài liệu sẽ được gửi đến các nhà lãnh đạo trên thế giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra tại Ý vào cuối tháng này. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp 18,5 tỉ USD cho chương trình ACT-A. Trong khi đó, theo ước tính của WHO, thế giới sẽ có khoảng 200 triệu ca nhiễm mới trong vòng 12 tháng tới.

Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi 700 USD/liệu trình khi đặt mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir Ảnh: Merck & Co

Chính phủ Mỹ đã đồng ý chi 700 USD/liệu trình khi đặt mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir Ảnh: Merck & Co

Chương trình ACT-A ra đời để bảo đảm các nước nghèo tiếp cận công bằng vắc-xin, công cụ xét nghiệm và thuốc điều trị Covid-19. Dù vậy, kế hoạch mới cho thấy WHO muốn tăng cường nguồn cung thuốc điều trị và bộ kit xét nghiệm với mức giá tương đối thấp sau khi thất bại trong cuộc đua về nguồn cung vắc-xin với các nước giàu. Đáng chú ý, chương trình ACT-A hy vọng có thể trả 10 USD/liệu trình cho "loại thuốc kháng virus dạng uống mới" dành cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Dù dự thảo tài liệu không công khai tên bất kỳ loại thuốc nào, hiện chỉ mới có thuốc Molnupiravir của hãng Merck & Co (Mỹ) cho kết quả tích cực trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối.

Con số chương trình ACT-A đưa ra thấp hơn nhiều so với mức 700 USD/liệu trình mà chính phủ Mỹ đã đồng ý chi khi đặt mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir. Một cuộc nghiên cứu của Trường ĐH Harvard (Mỹ) ước tính thuốc Molnupiravir có giá khoảng 20 USD/liệu trình nếu được sản xuất bởi các hãng thuốc generic (thuốc phiên bản). Merck có kế hoạch sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir (uống 2 lần/ngày trong 5 ngày) trong năm nay và 20 triệu liệu trình trong năm tới. Ngoài ra, hãng này cho phép 8 nhà sản xuất thuốc tại Ấn Độ bào chế các loại thuốc phiên bản của Molnupiravir để cung cấp cho 109 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo Reuters, chương trình ACT-A cũng đang thương thảo với Merck và các nhà sản xuất thuốc phiên bản về việc mua loại thuốc này và hy vọng đạt được thỏa thuận vào cuối tháng tới.

Dù vậy, các tổ chức sức khỏe quốc tế nhận định những diễn biến trên có thể chưa giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được thuốc Molnupiravir với số lượng đủ lớn. Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (MPP), một tổ chức quốc tế được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và có trụ sở ở TP Geneva - Thụy Sĩ, cho biết đã có 24 công ty sẵn sàng sản xuất thuốc nếu được Merck bật đèn xanh. Ông Peter Maybarduk, một thành viên MPP, cảnh báo về nguy cơ giá thuốc quá cao và tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận liệu pháp điều trị Covid-19 nếu nguồn cung bị hạn chế. Ngoài Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã đạt thỏa thuận hoặc đang đàm phán mua molnupiravir. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc mua thuốc này sau khi Merck xin cấp phép sử dụng khẩn cấp tại châu Âu. 

Nỗi lo chậm tiêm chủng cho trẻ em ở Anh

Một số nhà khoa học ở Anh đang lo ngại việc triển khai vắc-xin quá chậm tại trường học đã khiến số ca mắc Covid-19 ở trẻ em trong độ tuổi 12-15 gia tăng tại nước này gần đây. "Rõ ràng, điều đáng lo ngại hiện nay là chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi đang diễn ra không mấy suôn sẻ" - ông Lawrence Young, chuyên gia tại Trường ĐH Warwick (Anh), nói với hãng tin Reuters. Ông Young cảnh báo thêm tình trạng này sẽ gây ra áp lực lớn cho Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) vào mùa đông nếu các trường hợp nhiễm ở trẻ em lây sang những người lớn tuổi, dễ bị tổn thương hơn.

Giới chức y tế Anh vào tháng rồi khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12 đến 15 tuổi nên được tiêm vắc-xin Covid-19 để tránh bị gián đoạn việc học. Dù vậy, trước tình trạng nhiều học sinh và giáo viên bị mắc Covid-19 trong thời gian không đến trường, một số nhà khoa học cho rằng việc triển khai kế hoạch tiêm chủng này là quá chậm trễ. Dữ liệu được công bố hôm 14-10 cho thấy 28,8% trẻ em trong độ tuổi 12-17 đã được tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19 tại Anh.

Trong khi đó, hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hôm 18-10 nộp đơn đề nghị Bộ Y tế Canada phê duyệt sử dụng vắc-xin của họ để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đơn xin cấp phép này được dựa trên dữ liệu thử nghiệm đối với 2.268 trẻ trong độ tuổi 5-11, với liều lượng giảm xuống còn 10 microgram/liều, tức chỉ bằng 1/3 liều tiêu chuẩn. Hiện Canada chỉ cho phép tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech cho người từ 12 tuổi trở lên. Trước đó, Pfizer và BioNTech cũng đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm vắc-xin của họ cho trẻ từ 5-11 tuổi tại Mỹ.

Xuân Mai

Nguồn: [Link nguồn]

Biết gì về nguy cơ tử vong ở các ca nhiễm ”đột phá”?

Theo các chuyên gia, nguy cơ tử vong ở các ca nhiễm "đột phá" rất hiếm nhưng không phải không xảy ra. Người cao tuổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN