Hoàng đế Napoleon ra lệnh cho nổ tung Điện Kremlin, chuyện gì xảy ra sau đó?

Trong một lá thư gửi Ngoại trưởng Pháp Hugues-Bernard Maret năm 1812, hoàng đế Napoleon Bonaparte từng tuyên bố cho nổ tung Điện Kremlin, công trình được coi là trái tim của nước Nga.

Quân và dân Moscow đã tự đốt thành, tiêu hủy toàn bộ những thứ gì mà quân Pháp có thể sử dụng trước khi rút lui.

Quân và dân Moscow đã tự đốt thành, tiêu hủy toàn bộ những thứ gì mà quân Pháp có thể sử dụng trước khi rút lui.

Ngày 20.10.1812, Napoleon gửi lá thư viết theo dạng mật mã, cho Bộ trưởng Ngoại giao Hugues-Bernard Maret (1763-1839) ở Paris, thông báo tình hình bi đát của các đội kị binh do đói rét và quyết định triệt thoái khỏi Moscow.

“3 giờ sáng ngày 22.10, tôi sẽ cho nổ tung Điện Kremlin”, lá thư có đoạn viết.

Ngày 24.6.1812, hoàng đế Pháp Napoleon thống lĩnh hơn 60 vạn quân tiến vào lãnh thổ đế quốc Nga. Ngày 14.9, Napoleon dẫn quân tiến vào thủ đô Moscow, nhận thấy cảnh tượng kỳ lạ.

Moscow rất khác với các thành phố châu Âu khác đã khuất phục trước đội quân hùng mạnh của Napoleon. Người dân Nga không đón chào Napoleon, không ai trao cho Napoleon một chiến thắng dễ dàng.

Thay vào đó, hoàng đế Pháp chứng kiến một Moscow trống không, bị bỏ hoang, bị thiêu rụi trong những ngọn lửa. Quân và dân Nga đã áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống”, không để lại bất cứ thứ gì hay lương thực cho quân Pháp.

“Một cảnh tượng kinh khủng. Họ đốt thành phố của chính mình. Thật cương quyết”, Napoleon khi đó thốt lên, theo báo Nga RBTH.

Napoleon kiểm soát Moscow trong 36 ngày, chờ đợi Sa hoàng Nga Alexander I tới ký hiệp ước hòa bình nhưng không có ai tới cả. Napoleon đã đánh giá thấp ý chí của người Nga.

Quân Pháp rơi vào cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng, trong khi lực lượng liên tục bị hao tổn do người dân Nga phát động chiến tranh du kích.

Ở phía tây nam Moscow, quân Pháp do Thống chế Joachim Murat chỉ huy bị quân Nga đẩy lùi. Đứng trước lựa chọn khó khăn, ngày 19.10.1812, Napoleon ra lệnh rút quân khỏi Moscow, hướng về Paris.

Nhưng hoàng đế Pháp không muốn rời đi một cách đơn giản. Ông vẫn chưa dàn xếp được mối bất hòa với Sa hoàng Nga Alexander I. 

Đến cuối cùng, Napoleon ra lệnh hủy hoại trái tim của nước Nga. Đó là Điện Kremlin. “Ta phải rời khỏi Moscow. Ta đã ra mệnh lệnh cho nổ tung Điện Kremlin”, Napoleon viết trong một bức thư khác gửi tới người vợ.

Điện Kremlin những năm 1800.

Điện Kremlin những năm 1800.

Điện Kremlin và Quảng trường Đỏ của Nga ngày nay là Di sản văn hóa thế giới năm 1990. Cách đây gần 900 năm, trên khu vực Kremlin ngày nay, người Nga đã xây dựng những công trình quân sự đầu tiên với chiều dài tổng cộng khoảng 700 mét. Pháo đài được đặt tên là Kremlin vào năm 1331. Trong giai đoạn từ cuối thế kỉ 13 đến thế kỉ 15, Kremlin được mở rộng thành cung điện và đã được trùng tu nhiều lần.

Sau khi quân chủ lực do Napoleon chỉ huy rời đi, khoảng 8.000 người ở lại có nhiệm vụ phá hủy Điện Kremlin. Lực lượng này nằm dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Edouard Mortier.

Mortier ra lệnh cài mìn quanh Điện Kremlin, phóng hỏa thiêu rụi cung điện và các tòa nhà là nơi ở của hoàng gia Nga.

Trong khoảng 3 ngày, quân Pháp đã tập hợp một số người địa phương, buộc họ phải đào hào xung quanh Kremlin và đặt mìn. 

Một số người không thể chấp nhận điều này, bỏ trốn tới thông báo tình hình cho tướng Ferdinand von Wintzingerode, người khi đó đang đóng quân tại một ngôi làng ở ngoại ô Moscow.

Tướng Wintzingerode giận dữ nói: “Không, Bonaparte sẽ không tàn phá Moscow. Nếu chỉ 1 nhà thờ bị phá hủy, tất cả những người Pháp bị giam cầm ở đây sẽ bị treo cổ”.

Tướng Wintzingerode nóng lòng muốn bảo vệ Điện Kremlin, đích thândẫn quân vào Moscow và bị quân của Nguyên soái Mortier bắt sống, may mắn bảo toàn được tính mạng.

Điện Kremlin ngày nay.

Điện Kremlin ngày nay.

Ngay khi những binh sĩ Pháp cuối cùng rời khỏi Moscow, những quả mìn gài sẵn bắt đầu phát nổ. “Khắp nơi toàn những tiếng thất thanh kêu gào, la hét, tiếng rên rỉ của những người chứng kiến cảnh các tòa nhà đang đổ xuống. Họ kêu gào sự giúp đỡ, nhưng không ai có thể giúp. Những quả mìn nối nhau phát nổ, mặt đất rung chuyển không ngừng. Nó giống như ngày tận thế”, một nhân chứng kể lại, theo RBTH.

Chuỗi các vụ nổ khiến các ngọn tháp ở cung điện bị phá hủy hoặc hư hại. Điều kỳ diệu là công trình cao nhất ở Moscow, tháp chuông Ivan vẫn còn nguyên vẹn. Hậu quả có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều, nhưng có vẻ như, chính tự nhiên đã không chấp nhận ý định của Napoleon. 

Một trận mưa lớn trút xuống đã dập tắt ngòi nổ, khiến những quả mìn còn lại không phát nổ. Người dân địa phương cũng góp công lớn giúp tháo dỡ những quả mìn còn sót lại.

Mặc dù phần lớn lượng thuốc nổ đã không nổ, nhưng tổn thất nói chung là đáng kể. Quá trình khôi phục các công trình bị phá hủy kéo dài 20 năm, từ năm 1815 – 1836.

Khác với quan niệm của người Nga rằng Napoleon đã thất bại trong việc phá hủy hoàn toàn Điện Kremlin, có một luồng quan điểm ở phương Tây cho rằng, quân Pháp đã không có đủ thời gian để phá hủy toàn bộ các công trình.

_________________________

Đánh bại đội quân của hoàng đế Pháp Napoleon trên chiến trường không phải là điều dễ dàng. Nhưng quân Nga đã làm được như vậy, không chỉ một lần. Mời độc giả đón đọc trong bài kỳ 4 xuất bản 0h30 ngày 24.5 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý do thực sự khiến đại quân hùng mạnh của Napoleon đại bại ở Nga

Trong cuộc chinh phạt Nga của hoàng đế Napoleon năm 1812, người Nga và người Pháp đều trải qua giá rét tương đương nhau. Tuy nhiên, không phải nhiệt độ thấp là nguyên nhân khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN