Hình ảnh "độc" về thủ đô Triều Tiên nhìn từ vũ trụ

Từ độ cao 400 km so với mặt đất, video độ phân giải cao do camera Iris gắn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đã cung cấp những hình ảnh “độc” về thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Theo Science Alert, camera Iris được công ty UrtheCast của Canada chế tạo năm 2013 nhưng một năm sau đó mới được phi hành gia Nga gắn lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Trong khi ISS bay vòng quanh quỹ đạo với tốc độ 28.100 km/giờ, Iris theo dõi và ghi lại hình ảnh Trái đất với độ phân giải 4K, khoảng 1 mét một điểm ảnh. Độ phân giải cao như vậy đủ để thấy bóng người hay thậm chí là các tán lá cây lớn.

Những hình ảnh “độc” về thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên được camera Iris ghi lại ngày 30.5.2016 nhưng chỉ mới được công bố gần đây. Thành phố 3,3 triệu dân trông khá yên bình và vắng bóng người qua lại ngay cả ở thời điểm ban ngày.

Những hình ảnh trong video trông như bị bóp méo bởi ISS luôn quay quanh quỹ đạo với vận tốc cực lớn và camera Iris với sự trợ giúp của phần mềm cố gắng làm nét hình ảnh vào một khu vực cụ thể nào đó.

Hình ảnh "độc" về thủ đô Triều Tiên nhìn từ vũ trụ - 1

Một gốc thủ đô Bình Nhưỡng chụp từ camera Iris.

Người xem có thể nhận thấy ánh sáng phản chiếu trên con đường dẫn đến Cung kỷ niệm Kumsusan, nơi cất giữ thi hài của cố lãnh đạo Triều Tiên, công ty UrtheCast viết thông qua email gửi đến các phương tiện truyền thông.

Tập trung vào khu vực này, Iris còn ghi lại hình ảnh “bóng người Triều Tiên” di chuyển ở lối vào Cung kỷ niệm Kumsusan.

Trên thực tế, hình ảnh từ camera Iris trên ISS chưa thể chi tiết bằng ảnh chụp từ các vệ tinh thương mại. Vệ tinh do thám quân sự còn có thể nhìn rõ vật thể hơn. “Những con mắt” trong không gian thậm chí còn nhìn thấy điện thoại di động mà con người cầm trên tay dưới mặt đất.

Chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn giới hạn độ chi tiết của những hình ảnh chụp từ vũ trụ với mục đích thương mại. Trong khi đó, các công ty tư nhân muốn bán bức ảnh chi tiết hơn cho bất kỳ ai, miễn là họ không đe dọa đến an ninh quốc gia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Science Alert ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN