Chuyện ly kỳ về hồ ly tinh khét tiếng, mê hoặc từ hoàng đế Trung Hoa đến thiên hoàng Nhật Bản
Ở phương Tây, cáo được xem là sinh vật biểu tượng của sự thông minh. Nhưng ở phương Đông, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc quan niệm cáo có thể trở thành hồ ly tinh chuyên mê hoặc và gây hại cho con người.
Đát Kỷ từ lâu đã bị gắn với giai đoạn về hồ ly tinh. Ảnh: Hình tượng nhân vật Đát Kỷ trong bộ phim điện ảnh Trung Quốc.
Loài cáo xuất hiện rất nhiều lần trong tập truyện ngụ ngôn của Aesop, một nhà văn Hy Lạp cổ đại. Cáo thường được mô tả là loài động vật nhanh nhẹn, thông minh và dễ thích nghi. Đối với nhiều nền văn hóa, cáo trở thành biểu tượng của sự thông minh.
Trong thần thoại Lưỡng Hà thời kỳ đầu, cáo là một trong những con vật linh thiêng và là sứ giả của nữ thần Ninhursag. Người Moche ở Peru thời cổ đại mô tả cáo giống như một chiến binh dùng trí óc để chiến đấu. Trong thần thoại Scotland, Dia Griene, con gái của mặt trời bị giam giữ ở thế giới ngầm và được phép quay trở lại thế giới phàm trần dưới hình dạng một con cáo. Ở phương Đông, loài cáo còn được miêu tả là có khả năng mê hoặc và quyến rũ.
Trong thần thoại Trung Quốc, cáo là một trong năm loài động vật tâm linh chuyên hoạt động về đêm, bên cạnh chồn, nhím, rắn và chuột. Điều đó dẫn đến quan niệm chúng mang năng lượng âm trong triết lý âm dương.
Trải qua thời gian và kết hợp các yếu tố khác, người Trung Quốc quan niệm là một con cáo thành tinh có thể biến thành hồ ly chín đuôi (cáo chín đuôi) hay còn gọi là hồ ly tinh. Hồ Ly đạt được 9 đuôi được coi là đã chạm ngưỡng cảnh giới cao nhất với năng lực mạnh nhất, theo trang Martinifisher.com.
Tài liệu đầu tiên được biết đến có đề cập về sự tồn tại của cáo chín đuôi là cuốn Sơn Hải Kinh, tuyển tập các văn bản thần thoại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 1 TCN.
Cuốn sách mô tả sự tồn tại của một ngọn núi có vàng và ngọc bao phủ trên đỉnh. Nó cũng mô tả một con vật sống ở đó trông giống như một con cáo chín đuôi. Con cáo có thể tạo ra tiếng động như tiếng trẻ con và chuyên ăn thịt con người.
Hồ ly tinh là sinh vật huyền thoại xuất hiện rộng rãi trong tín ngưỡng Á Đông.
Các nhà sử học Trung Quốc cho rằng, cuốn sách là tác phẩm được viết bởi nhiều người từ thời Chiến Quốc đến đầu triều đại nhà Hán.
Ji Yun, một học giả thời nhà Thanh, viết rằng cáo có thể trở thành thần nếu theo con đường tốt đẹp hoặc trở thành kẻ chuyên đi mê hoặc người khác nếu theo con đường tà đạo.
Trong các câu chuyện kể dân gian Trung Quốc, cáo tích lũy nguồn năng lượng âm, cho phép nó biến thành nữ giới để tương tác với con người.
Để cân bằng, nó cần thu thập nguồn năng lượng có yếu tố dương ở nam giới. Đó là khởi của những câu chuyện cáo trở thành hồ ly tinh, hấp thụ sinh lực của con người để kéo dài tuổi thọ
Truyền thuyết "Sự sáng tạo của các vị thần" xuất hiện ở thời nhà Minh càng giúp lan tỏa hình tượng cáo chín đuôi. Chuyện lấy bối cảnh vào thời nhà Thương (1600-1046 TCN). Đát kỷ được quan niệm một con cáo chín đuôi cải trang thành thiếu nữ xinh đẹp nhằm mục đích dụ dỗ Trụ Vương.
Trong nhiều bộ phim và tiểu thuyết Trung Quốc, đại mỹ nhân Đát Kỷ được xây dựng hình ảnh là "hồng nhan họa thủy" vì đã khiến Trụ Vương chìm đắm vào các buổi hoan lạc, bỏ bê triều chính và cuối cùng khiến nhà Thương sụp đổ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hình tượng Đát Kỷ và Trụ Vương đã bị triều đại nhà Chu "bôi nhọ". Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đại nhận định, Đát Kỷ bị "bôi nhọ" danh tiếng để nâng cao hình tượng và công lao của Chu Vũ Vương, vị vua soán ngôi nhà Thương, lập triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.
Tranh vẽ hồ ly 9 đuôi của tác giả Utagawa Kuniyoshi sống vào thời kỳ Edo, Nhật Bản.
Nhà Chu có thể gán ghép Đát Kỷ với hình tượng hồ ly tinh để mê hoặc Trụ vương, can dự vào triều chính đẩy nhà Thương từng bước đến bờ vực diệt vong. Những lời đồn này được truyền từ đời này sang đời khác suốt hàng ngàn năm. Cuối cùng, Đát Kỷ ngày nay được coi là hồ ly tinh khét tiếng nhất trong thần thoại Trung Quốc.
Ở Trung Quốc hiện đại, hồ ly tinh thường được dùng để ám chỉ những phụ nữ không đứng đắn, rất thành thạo trong việc quyến rũ đàn ông và phá hoại gia đình người khác. Mặc dù văn hóa dân gian Trung Quốc chủ yếu miêu tả hồ ly tinh là nữ, nhưng cũng có trường hợp hồ ly là nam.
Nhật Bản, quốc gia Đông Á trong lịch sử chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nên quan niệm về hồ ly tinh cũng được du nhập vào văn hóa Nhật Bản.
Truyền thuyết Nhật Bản thời Edo kể rằng, sau khi nhà Thương sụp đổ, hồ ly tinh trong thân xác Đát Kỷ không chết mà chạy đến xứ sở xa xôi ở phía tây nam (nay là Ấn Độ). Hồ ly tinh xuất hiện với thân phận mới là Khoa Dương Phu Nhân, trở thành thê thiếp của Ban Túc Thái Tử, gây ra vụ 1.000 nam giới bị chém đầu.
Hồ ly tinh gây ra vô số điều tàn ác, cuối cùng bị xua đuổi khỏi Ấn Độ. Năm 780 TCN, nó quay trở về Trung Hoa, xuất hiện với danh tính mới là Bao Tự, thê thiếp của hoàng đế nhà Chu và một lần nữa bị con người xua đuổi.
Kể từ đó, hồ ly tinh biến mất trong một thời gian dài, đến khi xuất hiện ở Nhật Bản với thân phận Tamamo-no-Mae, kỹ nữ của thiên hoàng Toba. Tamamo-no-Mae được cho là người phụ nữ xinh đẹp và thông minh nhất. Nhưng sự xuất hiện của cô khiến thiên hoàng ngày càng trở nên ốm yếu, bị bệnh nặng. Tamamo-no-Mae bị nhà chiêm tinh Abe no Yasuchika phanh phui thân phận. Nhiều năm sau, thiên hoàng phái quân đội đi săn lùng hồ ly chín đuôi.
Năm 1653, một phụ lục đã được thêm vào câu chuyện, mô tả Tamamo-no-mae khi chết đã nhập vào một hòn đá gọi là Sessho-seki.
Dư luận Nhật Bản năm 2022 từng xôn xao khi hòn đá lịch sử bị nứt làm đôi một cách tự nhiên. Một số người suy đoán, linh hồn hồ ly chín đuôi Tamamo-no-Mae đã được giải phóng.
Ở Hàn Quốc, hồ ly chín đuôi xuất hiện trong các câu chuyện dân gian với tên gọi Gumiho. Theo truyền thuyết, Gumiho là một con cáo thành tinh sống ngàn năm có thể dễ dàng biến đổi ngoại hình. Kumiho được cho là có khả năng ăn thịt người để tăng cường sinh lực. Nó cũng có thể hút máu nạn nhân giống như ma cà rồng.
Trong khi phương Tây đã quen với hình tượng rồng và phượng trong thần thoại Trung Hoa, có nhiều sinh vật thú vị khác ít được nhắc đến. Một trong số đó...
Nguồn: [Link nguồn]