Chia tay "bà đầm thép" Angela Merkel

Sự kiện: Angela Merkel

Trong 16 năm làm thủ tướng, bà Angela Merkel đã ghi dấu trong chính sách đối ngoại của Đức, giúp gia tăng đáng kể vai trò của nước này trên trường thế giới.

Khởi đầu của "người vô danh"

Hầu như không ai bên ngoài nước Đức biết Angela Merkel là ai khi bà lần đầu trở thành thủ tướng vào năm 2005.

Khi đó, khó ai có thể tưởng tượng được người phụ nữ xuất thân từ Đông Đức này sẽ phần nào tái định hình nền chính trị thế giới. Tuy nhiên, bà Merkel đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình cả ở trong và ngoài nước.

Ngay từ những ngày đầu, bà đã tự định hình cách tiếp cận của chính phủ đối với chính sách đối ngoại.

Là người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8, được tổ chức tại khu nghỉ mát Heiligendamm bên bờ biển Baltic, vào năm 2007, bà Merkel tự tin đối mặt với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.

Bà Angela Merkel đã ghi dấu trong chính sách đối ngoại của Đức, giúp gia tăng đáng kể vai trò của nước này trên trường thế giới. Ảnh: Raymong Tang

Bà Angela Merkel đã ghi dấu trong chính sách đối ngoại của Đức, giúp gia tăng đáng kể vai trò của nước này trên trường thế giới. Ảnh: Raymong Tang

Cuộc khủng hoảng đồng euro

Chính quyền bà Merkel nhanh chóng đối mặt cuộc khủng hoảng đầu tiên. Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ và đồng euro, một trong những biểu tượng mạnh nhất của sự thống nhất châu Âu, chịu sức ép lớn.

Bà Merkel cảnh báo: "Nếu đồng euro sụp đổ thì châu Âu cũng sụp đổ theo". Dưới sự lãnh đạo của bà, Đức đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu.

Một mặt, chính phủ Berlin áp đặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", thực hiện cải cách, đồng thời áp dụng chính sách cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ. Mặt khác, Đức thông qua gói viện trợ mở rộng của châu Âu.

Khi đó, trách nhiệm pháp lý của Đức đối với các khoản nợ của các quốc gia khác ngày càng lớn. Nhìn chung, các nước còn lại trong EU đều chấp nhận vai trò thủ lĩnh mới của Đức vì cách cư xử khéo léo của bà Merkel.

Chính sách tị nạn hào phóng

Quyết định mở cửa biên giới nước Đức cho hàng trăm ngàn người tị nạn và di cư vào tháng 8 và tháng 9-2015 mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel. Bước đi khiến bà Merkel nổi tiếng hơn trên toàn thế giới nhưng cũng gây phân cực dữ dội trong dư luận trong nước lẫn quốc tế.

Nữ thủ tướng lèo lái nước Đức qua nhiều khủng hoảng. Ảnh: Reuters

Nữ thủ tướng lèo lái nước Đức qua nhiều khủng hoảng. Ảnh: Reuters

Thời điểm đó, tạp chí Time (Mỹ) bình chọn bà Merkel là "nhân vật của năm" với danh hiệu "Thủ tướng của thế giới tự do".

Thế nhưng, nhiều nhà lãnh đạo khác, đặc biệt ở các nước Đông Âu,  không đồng tình với việc bà Merkel cố áp đặt chính sách tị nạn hào phóng của Đức cho toàn EU. Kể từ đó, chủ nghĩa dân túy cánh hữu ở châu Âu đã gia tăng đáng kể.

Ngoại giao khéo léo

Không thể phủ nhận rằng vai trò ngày càng lớn của Đức đã tạo ra sự mất cân bằng trong cán cân quyền lực với Pháp. Tuy nhiên, bà Merkel đã có những cam kết rõ ràng với đối tác thân cận nhất của mình khi để các nhà lãnh đạo Pháp quyết định một số vấn đề khác trong EU, như việc bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro.

Thủ tướng Merkel cũng duy trì chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm như khách quan, tổ chức tốt, thỏa thuận tốt với tất cả các bên trong chừng mực có thể, luôn hướng đến lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức.

Chính sách này đã giúp thương mại của Đức, đặc biệt là với Trung Quốc, tăng trưởng nhanh chóng. Bà Merkel còn có khả năng phi thường trong việc gắn kết châu Âu và kết nối các bên xung đột đối thoại. Bà đã nhiều lần nỗ lực hòa giải cho cuộc xung đột Ukraine - Nga.

Bà Merkel là động lực thúc đẩy sự gắn kết của châu Âu và nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: DPA

Bà Merkel là động lực thúc đẩy sự gắn kết của châu Âu và nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: DPA

Trong quan hệ với Mỹ, bà Merkel ban đầu là một người ủng hộ nhiệt tình cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ. Tuy nhiên, quan hệ Berlin - Washington đã nguội lạnh dưới thời bà Merkel do chính sách của cựu Tổng thống George W. Bush và cựu Tổng thống Barack Obama xoay trục sang châu Á.

Đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, Đức và Mỹ mâu thuẫn về vấn đề Iran, thương mại, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều vấn đề khác.

Trước khi rời nhiệm sở, bà Merkel đã có những bước chuẩn bị cho việc thúc đẩy quan hệ Mỹ - Đức dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm Mỹ của bà Merkel hồi tháng 7 vừa qua đã gửi một tín hiệu rõ ràng về việc tái khởi động và nâng tầm quan hệ Mỹ - Đức sau 4 năm rạn nứt dưới thời ông Trump.

Theo đài CNN, bà Merkel là động lực thúc đẩy sự gắn kết của châu Âu và nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Trung Quốc.

Ứng phó Covid-19

Bà Merkel, thủ tướng tại vị lâu thứ hai trong lịch sử của Đức, đã lèo lái đất nước vượt qua nhiều thách thức bao gồm việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (BREXIT) và gần đây nhất là đại dịch Covid -19.

Những tháng đầu năm 2020, Đức đã thành công trong việc duy trì tỉ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 6%. Đức cũng tích cực xét nghiệm và truy vết các ca mắc Covid-19. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Đức được đánh giá khá thành công dưới sự dẫn dắt của nữ thủ tướng có 30 năm kinh nghiệm trong chính trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Đức bước vào ‘ngày hội’ bầu cử, ai là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel?

Người Đức đang bước vào cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng, khép lại 16 năm lãnh đạo của bà Merkel và mở ra một chương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Mai ([Tên nguồn])
Angela Merkel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN