Cảnh báo thành viên NATO "trả giá đắt", Thổ Nhĩ Kỳ bị phản pháo

Ankara cáo buộc một quốc gia thành viên NATO "chiếm đóng" quần đảo Aegean, vốn được giữ trạng thái phi quân sự theo các hiệp ước trong lịch sử giữa hai nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo một đồng minh NATO về trạng thái của quần đảo phi quân sự giữa 2 nước. Ảnh minh họa: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo một đồng minh NATO về trạng thái của quần đảo phi quân sự giữa 2 nước. Ảnh minh họa: Reuters

Đài RT hôm 3/9 đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thúc giục Hy Lạp dừng hoạt động xây dựng quân sự ở quần đảo Aegean, cảnh báo nước láng giềng này sẽ phải "trả giá đắt". 

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để yên với việc quần đảo Aegean bị chiếm đóng. Khi tới thời điểm phù hợp, chúng tôi sẽ làm những việc cần làm", ông Erdogan nói tại tỉnh Samsun, miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 3/9. 

"Hãy nhìn lại lịch sử. Nếu các bạn đi quá xa, cái giá phải trả là rất đắt. Chúng tôi chỉ có một lời nhắc nhở với Hy Lạp rằng: Đừng quên trận chiến Izmir", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhắc đến trận chiến giữa đôi bên ở thành phố Izmir, gần bờ biển Aegean, năm 1922. 

Trận chiến Izmir dẫn đến việc quân đội Hy Lạp bị trục xuất khỏi bán đảo Tiểu Á và thành phố Izmir cũng bị thiêu rụi. Nhiều sử gia cho rằng, đám cháy lớn năm đó do người Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, nhằm thanh trừng người dân Hy Lạp trong thành phố. 

Đáp lại cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố sẽ không bị cuốn theo cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ nói với NATO về các tuyên bố thù địch của Ankara với Hy Lạp. 

"Chúng tôi sẽ thông báo cho các đồng minh và đối tác về nội dung của các tuyên bố khiêu khích để làm rõ ai có ý định phá vỡ sự gắn kết của NATO", Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố. 

Quần đảo Aegean, từng thuộc quyền cai trị của đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), được trao cho Hy Lạp theo các hiệp ước năm 1923 và 1947 với điều kiện Athens không quân sự hóa khu vực, vì chúng nằm gần đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ankara nhiều lần cáo buộc Athens theo đuổi việc xây dựng quân sự trên quần đảo Aegean, nhấn mạnh rằng chủ quyền của Hy Lạp trên hòn đảo chỉ được đảm bảo nếu họ giữ nguyên trạng thái phi quân sự của hòn đảo này. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bác bỏ những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp diễn ra khi Ankara ngày 23/8 cáo buộc hệ thống phòng không S-300 được Athens triển khai trên đảo Crete đã khóa mục tiêu vào 2 tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở độ cao hơn 3.000 mét ở khu vực phía trên của vùng biển trung lập. Các nguồn tin quân sự Hy Lạp phủ nhận cáo buộc này.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói gì sau khi chiến đấu cơ F-16 bị đồng minh NATO ”khóa mục tiêu”?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu Mỹ phải có phản ứng sau vụ tên lửa phòng không S-300 Hy Lạp khóa mục tiêu chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bằng Lâu - RT ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN