Căn phòng bí ẩn trong hầm mộ Hoàng đế Ai Cập

Hai lần quét radar cho thấy phòng bí mật đằng sau bức tường của lăng mộ hoàng đế Tutankhamun và có nhiều khả năng trong đó là mộ nữ hoàng nổi tiếng Nefertiti.

Căn phòng bí ẩn trong hầm mộ Hoàng đế Ai Cập - 1
Sau bức tường có thể là một ngôi mộ khác 

Sau 3339 năm, bí ẩn đằng sau bức tường phía Tây và phía Bắc lăng mộ hoàng đế Tutankhamun (trị vì từ 1333 đến 1324 trước cn, sau đây gọi tắt là vua Tut) sắp sửa được hé lộ. Vào thứ 5 tuần vừa qua, Bộ trưởng Di chỉ Ai Cập, Mamdouh Eldamaty đã tổ chức họp báo công bố kết quả quét radar chứng minh sự hiện diện của các căn phòng bí mật, đồng thời cho thấy cả vật liệu kim loại và hữu cơ, có thể là xác ướp.

"Đây có thể là phát hiện mang tính thế kỷ", ông nói. Để chắc chắn nhất, lăng mộ sẽ được quét thêm một lần nữa vào cuối tháng này.

Kết quả này là bước tiến lớn trong việc giải mã những bí ẩn của ngôi mộ nổi tiếng nhất tại Thung lũng Các nhà vua. Được khám phá bởi nhà khảo cổ học Howard Carter năm 1922, mộ vua Tut với hơn 5000 hiện vật hầu hết còn nguyên vẹn khiến thế giới kinh ngạc, mang lại hiểu biết rõ ràng hơn về đời sống vật chất của một vị vua cai trị từ thế kỷ 14 trước công nguyên.

Căn phòng bí ẩn trong hầm mộ Hoàng đế Ai Cập - 2
Hirokatsu Watanabe, chuyên gia radar từ Nhật Bản đang đẩy máy phát dọc bức tường phía Bắc lăng mộ vào đợt quét mùa thu năm ngoái.

Tuy nhiên, cả thế kỷ qua không ai mảy may nghĩ rằng việc khám phá thực chất vẫn còn dở dang. Tháng 7 năm ngoái, Nicholas Reeves, một nhà khảo cổ học người Anh đã công bố thông tin rằng có thể có một ngôi mộ khác ẩn sau bức tường lăng mộ vua Tut. Kết luận được Reeves đưa ra nhờ vào việc nghiên cứu kỹ kết quả quét laser lăng mộ, chỉ rõ dấu vết đường hầm và cửa đã được lấp và trát vữa phục vụ việc hoàn thành lăng vua Tut.

Rất nhiều nhà khảo cổ Ai Cập bác bỏ lập luận của Reeves, tuy nhiên các cuộc kiểm tra liên tục trong vòng nửa năm qua dường như chứng minh cho điều đó. "Tôi không thấy có điều gì đáng ngờ cả, sớm hay muộn rồi mọi người sẽ thấy", Reeves nói.

Kết quả quét radar dường như là bằng chứng rõ ràng nhất. Cuối tháng 11, Eldamaty đã mời Reeves và Horikatsu Watanabe tới thực hiện kiểm tra trong vòng 2 ngày. Kết quả ban đầu khá triển vọng. Ngay sau đó, Eldamaty thông báo rằng ông chắc chắn 90% rằng có phòng bí mật sau bức tường phía Bắc lăng mộ. Tuy nhiên kết luận được đưa ra nhờ phân tích sơ bộ của Watanabe. Còn kết luận lần này dựa trên báo cáo đầy đủ đã được trình lên Bộ trưởng. Eldamaty lưu ý rằng Watanabe rất chắc chắc rằng có sự xuất hiện của những vật liệu hữu cơ và kim loại sau bức tường, nhưng hiện chưa rõ đó là thứ gì.

Căn phòng bí ẩn trong hầm mộ Hoàng đế Ai Cập - 3
Watanabe chỉ vào màn hình, giải thích các bước sóng trên biểu đồ.

"Chắc chắn có thứ gì sau bức tường đó"

Kết quả quét radar đã được xem xét bởi nhiều chuyên gia khác. Remy Hiramoto, chuyên gia bán dẫn và vi điện tử, từng làm tư vấn viên cho Dự án Lăng mộ Ai Cập của ĐH California (UCLA), đã kiểm tra các dữ liệu thô cùng đồng nghiệp, bao gồm Adrian Tang, nhà nghiên cứu từ NASA. Hiramoto cảm thấy thiết bị của Watanabe hoạt động khá tốt, và "chứng minh giả thuyết rằng có một khoang hay phòng nhân tạo bên kia bức tường. Dựa trên dữ liệu, chắc chắn có thứ gì đó bên trong", Hiromoto nhận xét.

Ông cho biết ông cùng các đồng nghiệp không thể khẳng định chất liệu của chúng, là tự nhiên hay nhân tạo, tuy nhiên kết quả này rất đáng chú ý.

Jason Herrman, chuyên gia địa vật lý khảo cổ tại ĐH Eberhard Karls Universität Tübingen ở Đức nhận xét rằng chuyên gia về radar hoàn toàn có thể nhận diện kỹ lưỡng hơn các vật thể này. "Theo kinh nghiệm của tôi, việc chỉ ra đá và kim loại khá dễ dàng", ông nói, dẫn chứng lần công tác dùng radar tìm cổ vật kim loại trong những cồn cát ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đồng thời lưu ý rằng hiện vật nằm trong đá dễ phát hiện hơn trong cát rất nhiều.

"Nếu cậu ta chỉ ra được các vật liệu bức sóng thấp hơn đá và kim loại [chất hữu cơ] thì tôi cũng không ngạc nhiên", ông bình luận.

Cuối tháng này, một nhóm các chuyên gia từ National Geographic sẽ tới Ai Cập sau lời mời của Eldamaty, để xác nhận một lần nữa phát hiện của Watanabe. Tại họp báo, ông cho biết lần quét tới nhằm xác định độ dày bức tường nhưng từ chối cho biết chi tiết mục đích. "Chúng ta phải chờ thôi", Eldamaty nói.

Dấu vết của Nữ hoàng Nefertiti?

 
Căn phòng bí ẩn trong hầm mộ Hoàng đế Ai Cập - 4

Bất cứ phát hiện nào từ mộ vua Tut đều được giới khoa học chào đón vì nó cung cấp thêm chi tiết về đời sống của vị vua trẻ này. "Mọi thứ sẽ được nhìn lại từ đầu", Kara Coonry, nhà Ai Cập học tại UCLA nhận xét. Cô đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng về triều đại thứ 18 của vua Tut. Kara lưu ý rằng triển vọng nhất trong giả định của Reeves có khả năng là Nefertiti được an táng sau bức tường.

Hiện chưa có bằng chứng nào đáng tin cậy cho giả thuyết này, nhưng có khá nhiều nhà Ai Cập học tỏ ra đồng ý với các giả thuyết rằng mặt nạ vua Tut cũng như nhiều cổ vật ban đầu được làm cho một người khác.

Triều đại thứ 18 được chuyển giao trong bối cảnh khá hỗn độn. Akhenaten có 5 con gái với hoàng hậu chính cung Nefertiti và Tutankhamun là con vợ hai. Pharaoh này xóa bỏ tín ngưỡng đa thần truyền thống và đắm chìm trong việc thờ thần Mặt trời. Nefertiti trở thành nữ hoàng sau khi chồng mất và nắm quyền một thời gian trước khi Tutankhamun lên ngôi. Ông quay lại tín ngưỡng cũ và dành nhiều công sức khôi phục quan hệ với các nước láng giềng xuống dốc từ thời vua cha. Giới khoa học cho rằng rất nhiều cuộc thanh trừng tranh giành quyền lực đã diễn ra trong thời kỳ bất ổn này. 

Cooney nói rằng khi nhìn tượng vua Tut, cô thấy bóng dáng của Nefertiti nhiều hơn. "Nhìn vào quan tài, lăng mộ, những bức tượng, có lẽ toàn bộ khoảng thời gian đó cần phải được xem xét lại từ đầu"

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mẫn Di - National Geographic ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN