Mỹ từng thua trận, bị nước phát xít chiếm phần lãnh thổ thế nào?

Việc để phần lãnh thổ này rơi vào tay “kẻ tử thù” phát xít suýt nữa đã đẩy cả một hạm đội hải quân Mỹ vào chỗ chết và lịch sử Thế chiến II có thể phải viết lại.

Sau khi gây thiệt hại nặng cho Mỹ ở trận Trân Châu Cảng, phát xít Nhật lo sẽ bị báo thù (ảnh: NI)

Sau khi gây thiệt hại nặng cho Mỹ ở trận Trân Châu Cảng, phát xít Nhật lo sẽ bị báo thù (ảnh: NI)

Năm 1942, thế trận giằng co của hải quân Nhật – Mỹ trên Thái Bình Dương diễn ra vô cùng cam go. Nhật Bản đặc biệt lo ngại quân đội Mỹ đóng trên quần đảo Midway có thể bất ngờ tấn công đổ bộ vào quần đảo Kuril do mình kiểm soát. Nếu Mỹ chiếm được Kuril, các tỉnh phía bắc Nhật Bản sẽ chịu uy hiếp cực lớn bởi các vụ ném bom.

Mối lo này xuất hiện từ sau trận không kích Doolittle ngày 18.4.1942, khi một nhóm máy bay Mỹ xuyên qua mạng lưới phòng thủ của Nhật và ném bom Tokyo nhằm báo thù cho trận Trân Châu Cảng (Hawaii), theo National Interest.

Nhật Bản cho rằng, để giải tỏa áp lực từ những vụ không kích, cần phải chiếm được quần đảo Aleut (thuộc lãnh thổ Mỹ sau khi nước này mua bán đảo Alaska từ Nga năm 1867). Từ Aleut, phát xít Nhật có thể mở cuộc tấn công lớn, quét sạch căn cứ hải quân Mỹ trên quần đảo Midway, lập vành đai bảo vệ Tokyo từ xa.

Aleut là quần đảo trải dài 1.931 km, vươn ra từ phía tây bán đảo Alaska và ôm lấy biển Bering. Những đảo nhỏ của Aleut chủ yếu là đảo hình thành do núi lửa phun, ít cây cối. Thời tiết ở đây cũng rất khắc nhiệt, thường xuyên xảy ra bão lớn, tuyết rơi và những trận gió lạnh thấu xương. Theo các chiến lược gia Nhật Bản, quần đảo này có ý nghĩa địa chính trị đặc biệt quan trọng ở Thái Bình Dương nhưng Mỹ lại lơ là phòng thủ.

Đô đốc hải quân Nhật Bản Isoroku Yamamoto – một trong những chỉ huy của trận Trân Châu Cảng – là người vạch ra kế hoạch chiếm Aleut và Midway. Theo National Interest, đô đốc Yamamoto cho rằng, việc chiếm được quần đảo Aleut và Midway sẽ tạo lớp phòng thủ vững chắc cho Nhật Bản từ phía bắc Thái Bình Dương.

Nhật Bản quyết tâm chiếm Aleut - quần đảo có vị trí chiến lược nhưng Mỹ không hề phòng thủ (ảnh: Magazine)

Nhật Bản quyết tâm chiếm Aleut - quần đảo có vị trí chiến lược nhưng Mỹ không hề phòng thủ (ảnh: Magazine)

Để chiếm được quần đảo Aleut, Nhật Bản huy động lực lượng rất mạnh gồm 2 tàu sân bay và 3 tàu tuần dương do chuẩn đô đốc Kakuji Kakuta chỉ huy. Nhiệm vụ của hạm đội này là chiếm bằng được những đảo phía tây thuộc Aleut như Attu, Kiska và Adak.

Ngày 6.6.1942, quân Nhật đã chiếm thành công đảo Attu và Kiska và nhanh chóng thiết lập các đơn vị đồn trú. Quân Mỹ chỉ chống cự yếu ớt rồi đầu hàng hoặc bỏ chạy. Trên đảo Attu, chỉ có khoảng hơn 40 người bản địa sinh sống. Một số người bị sát hại trong khi phần còn lại bị đưa đến trại giam ở Nhật. Ban đầu, số lính Nhật tại Attu là hơn 1.400 người nhưng lực lượng này được tăng lên thành 3.000 người vào tháng 10.1942.

Theo History, trên đảo Kiska (cách Attu khoảng 320 km về phía đông), 500 lính Nhật bắt giữ được 10 lính Mỹ đang làm việc ở một trạm khí tượng. Charles House – một lính hải quân Mỹ – ban đầu trốn thoát được. Nhưng sau 50 ngày lẩn trốn trong rừng với chỉ một tấm vải che thân, ăn toàn giun đất để sống còn đồng đội thì đợi mãi không tới giải cứu, Charles House phải ra đầu hàng và bị giam cho tới khi kết thúc Thế chiến II.

Sau khi chiếm được Kiska, Nhật cho xây nhiều công sự, căn cứ ngầm và tăng quân lên số thành 5.000. Hàng chục tiêm kích A6M2-N, 6 thủy phi cơ săn ngầm H6K được Nhật bố trí ở Kiska để đón đánh quân Mỹ.

Người Mỹ đã bị sốc khi biết tin Nhật Bản đã tấn công và chiếm được một phần lãnh thổ của họ, bất kể nó xa xôi đến đâu. Giới chức Mỹ lo ngại việc Nhật chiếm một số đảo thuộc quần đảo Aleut chỉ là bước đầu để tạo bàn đạp tấn công thẳng vào Alaska.

Phát xít Nhật chiếm thành công 2 đảo Attu và Kiska thuộc lãnh thổ Mỹ (ảnh: History)

Phát xít Nhật chiếm thành công 2 đảo Attu và Kiska thuộc lãnh thổ Mỹ (ảnh: History)

Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn tái thiết lại Trân Châu Cảng và chuẩn bị lực lượng tham chiến ở châu Âu, quân Mỹ đáp trả quân Nhật ở Aleut rất yếu ớt. Từ 6.6 đến cuối tháng 7.1942, Mỹ chỉ tổ chức vài cuộc không kích ném bom vào quân Nhật đang đóng ở Attu và Kiska.

Trong khi đó, quân Nhật nhanh chóng học được cách thích nghi với khí hậu khắc nghiệt trên quần đảo Aleut và sẵn sàng tấn công vào căn cứ Midway. Theo tính toán của đô đốc Yamamoto, sau khi mất Aleut, Mỹ sẽ điều quân tới chiếm lại, lúc đó, Nhật sẽ điều quân tới chiếm Midway. Khi Midway – một căn cứ hải quân quan trọng – bị uy hiếp, Mỹ sẽ đưa quân từ Aleut quay lại để phòng thủ và lọt vào trận địa phục kích do Nhật giăng sẵn.

Tuy nhiên, kế hoạch này bị bại lộ vì tình báo Mỹ bắt được tín hiệu liên lạc của hải quân Nhật và chuẩn bị lực lượng phòng thủ mạnh ở Midway. Hải quân Mỹ đã có chiến lược đúng đắn là sẽ không chiếm lại những đảo đã mất ở Aleut cho tới khi lực lượng được củng cố. Biết Mỹ không bị trúng kế, Nhật Bản vẫn quyết tâm phòng thủ vững chắc 2 đảo Attu và Kiska, theo Navy History.

Tháng 1.1943, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ thuộc bộ Tư lệnh Alaska đã tăng lên 94.000 binh sĩ. Mỹ cho rằng thời cơ đuổi quân Nhật khỏi quần đảo Aleut đã chín muồi và liên tục đổ bộ lên các khu vực Nhật chưa chiếm được. Ngày 11.1.1943, quân Mỹ đã xây dựng được căn cứ lớn ở đảo Amchitka, chỉ cách Kiska hơn 80 km.

Tháng 3.1943, Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Thomas C. Kinkaid điều nhiều tàu chiến, thiết lập một vành đai phong tỏa ngoài khơi 2 đảo Attu và Kiska nhằm cô lập quân Nhật. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng cho thấy sức mạnh hải quân của mình không phải tầm thường.

Ngày 26.3.1943, Nhật Bản điều một hạm đội cố gắng tiếp cận Attu và Kiska để chuyển hàng tiếp tế nhưng bị quân Mỹ phát hiện. Hai bên giao chiến ác liệt trên biển, nã pháo vào nhau ở khoảng cách không đầy 20 km.

Lực lượng Mỹ gồm 2 tàu tuần dương Salt Lake City và Richmond, cùng 4 tàu khu trục bị đánh tan do bị hạm đội của Nhật áp đảo về hỏa lực. Khi đang thắng thế, quân Nhật bất ngờ ngừng tấn công truy kích tàu Mỹ do mục đích chính của họ là tiếp tế và e ngại bị máy bay Mỹ ném bom chi viện. Tuy nhiên, quân Nhật có thể sẽ tiếc nuối nếu biết rằng máy bay của đối thủ sẽ không thể tới bởi đội tàu Mỹ đã mất liên lạc với căn cứ từ trước đó.

Quân Mỹ đổ bộ vào đảo Attu (ảnh: History)

Quân Mỹ đổ bộ vào đảo Attu (ảnh: History)

Sau trận chiến này, Mỹ tăng cường hàng phòng thủ ở Attu và Kiska, khiến quân Nhật đóng trên 2 đảo này gần như bị cô lập hoàn toàn. Họ chỉ có thể nhận được số hàng tiếp tế ít ỏi từ tàu ngầm Nhật.

Theo History, ngày 11.5.1943, Mỹ điều 11.000 quân đổ bộ lên đảo Attu. Trước đó, Mỹ đã cho dội bom trên đảo này và dự kiến sẽ chiếm lại Attu chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, quân Nhật đóng ở Attu đông hơn Mỹ dự kiến rất nhiều. Họ rút lên các ngọn núi cao trên đảo, trút hỏa lực xuống và áp dụng lối đánh du kích khiến quân Mỹ thương vong nặng nề.

Thời tiết khắc nhiệt và địa hình hiểm trở cũng cản bước hành quân của những người lính Mỹ. Theo History, quân Mỹ đổ bộ lên đảo Attu chết vì sự khắc nghiệt của thời tiết, thiếu lương thực và bệnh tật còn nhiều hơn chết do trúng đạn của đối phương.

Tuy nhiên, với ưu thế tuyệt đối về lực lượng (11.000 lính Mỹ so với khoảng 3.000 lính Nhật) cùng sự yểm trợ của hải quân và không quân, quân Mỹ đã thành công dồn đối phủ về một góc của hòn đảo. Đến cuối tháng 5.1943, dù Mỹ tổ chức truy quét một cách thưa thớt nhưng binh sĩ Nhật vẫn chết rất nhiều, chủ yếu do bị đói.

Đại tá Yasuyo Yamasaki – chỉ huy quân phát xít Nhật trên đảo Attu – quyết định không nằm chờ chết mà mở đường máu thoát ra ngoài. Ngày 29.5.1943, quân Nhật mở cuộc tấn công dữ dội vào phòng tuyết của quân Mỹ nhưng nhanh chóng thất bại. Trong số 3.000 quân Nhật đóng ở đảo Attu, hơn 2.000 người đã tử trận, bao gồm cả đại tá Yamasaki.

Hạm đội “khủng” của Mỹ kéo tới đảo Kiska nhưng không còn lấy một bóng quân địch (ảnh: Navy History)

Hạm đội “khủng” của Mỹ kéo tới đảo Kiska nhưng không còn lấy một bóng quân địch (ảnh: Navy History)

Sau khi học được bài học cay đắng ở Attu, quân đội Mỹ quyết định chiếm lại đảo Kiska với ít thương vong hơn. Ngày 15.8.1943, sóng yên biển lặng, 35.000 binh sĩ được trang bị tốt đổ bộ lên đảo này nhưng không thấy một bóng người. Sau 9 ngày lục tung cả hòn đảo trong sương mù dày đặc, quân Mỹ kết luận phát xít Nhật đã rút sạch từ trước đó. Mặc dù chiến dịch này khá tốn kém, Mỹ vẫn hài lòng vì không đổ máu mà vẫn chiếm lại được đảo Kiska.

Trang The World bình luận, sau khi thất thủ ở quần đảo Aleut, phát xít Nhật buộc phải điều một số lực lượng đang chiến đấu ở Thái Bình Dương về bảo vệ khu vực phía bắc để chống chọi quân đội Mỹ đóng ở Alaska và Midway. Quyết định này khiến lực lượng của Nhật đã ít lại càng bị dàn mỏng và “hở sườn” ở khu vực phía nam. Mỹ cũng thỉnh thoảng điều máy bay từ quần đảo Aleut, ném bom vào quần đảo Kuril (lúc bấy giờ do Nhật kiểm soát) hòng đánh lừa rằng khu vực này luôn bị đe dọa.

2 năm sau khi chiếm quần đảo Aleut bất thành, Nhật Bản chính thức đầu hàng quân Đồng minh vào ngày 2.9.1945, chấm dứt Thế chiến II. Theo các chuyên gia quân sự, bộ máy chiến tranh của Nhật Bản có tầm nhìn tốt hơn Mỹ khi đánh giá đúng tầm quan trọng chiến lược của “quần đảo hoang” Aleut. Tuy nhiên, Nhật Bản lại không quyết tâm giữ vững phần lãnh thổ chiếm được của Mỹ mà nhanh chóng buông tay.

Nguồn: [Link nguồn]

5 lần phe phát xít tấn công tận đất Mỹ gây chấn động trong Thế chiến II

Quyết định tham chiến cùng khối Đồng minh của Mỹ là một trong bước ngoặt lớn nhất dẫn đến sự thất bại của phe...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN