Báo Mỹ tiết lộ kế hoạch tinh vi biến máy nhắn tin, bộ đàm thành nỗi khiếp sợ ở Lebanon

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Theo thông tin do một tờ báo lớn của Mỹ đăng tải, các quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ cho rằng chính phủ Israel không can thiệp vào những chiếc máy nhắn tin hay bộ đàm đã phát nổ của Hezbollah. Israel được cho là đã sản xuất chúng như một phần của một kế hoạch tinh vi.

Người ủng hộ Hezbollah tới dự đám tang của 4 thành viên Hezbollah thiệt mạng trong các vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: AFP

Người ủng hộ Hezbollah tới dự đám tang của 4 thành viên Hezbollah thiệt mạng trong các vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: AFP

Các máy nhắn tin bắt đầu kêu bíp bíp vào khoảng 15h30 đến 16h ngày 17/9 tại Lebanon, báo với các thành viên Hezbollah về một tin nhắn mới.

Theo tờ New York Times của Mỹ, đó không phải chỉ thị của giới lãnh đạo Hezbollah gửi đến mà là tin nhắn từ kẻ thù không đội trời chung của Hezbollah. Chỉ vài giây sau, hàng loạt vụ nổ xảy ra liên tiếp. Những tiếng kêu đau đớn và sự hoảng loạn xuất hiện trên các đường phố, cửa hàng và nhà cửa ở khắp Lebanon.

Theo các nhân chứng và video, chỉ với vài gram thuốc nổ được giấu trong các thiết bị (máy nhắn tin và bộ đàm), các vụ nổ đã khiến nhiều người đàn ông ngã khỏi xe máy và văng vào tường. Nhiều người đi mua sắm ngã xuống đất, quằn quại trong đau đớn khi khói bốc ra từ túi của họ. 

Mohammed Awada, 52 tuổi, đang lái xe chở con trai đi ngang qua một người đàn ông có máy nhắn tin đúng lúc nó phát nổ. "Con trai tôi như phát điên và bắt đầu hét lên khi thấy bàn tay của người đàn ông đó không còn nguyên vẹn", ông Awada nói.

Đến cuối ngày 17/9, ít nhất 12 người đã thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Mọi chuyện tưởng chừng đã dừng lại thì ngày hôm sau, thêm 20 người nữa thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương khi nhiều máy bộ đàm ở Lebanon cũng bắt đầu phát nổ một cách bí ẩn. Một số người chết và bị thương là thành viên của lực lượng Hezbollah, nhưng những người khác thì không; trong đó bốn người chết là trẻ em.

Israel không xác nhận hay phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm, nhưng 12 quan chức và cựu quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ đã được thông báo về vụ tấn công cho rằng người Israel đứng sau vụ việc. Họ mô tả hoạt động này là phức tạp và được thực hiện trong thời gian dài. Họ đã chia sẻ các thông tin với tờ The New York Times với điều kiện giấu tên, vì tính nhạy cảm của chủ đề trao đổi.

Một người đàn ông cầm trên tay chiếc bộ đàm sau khi đã bỏ phần pin của nó hôm 18/9/2024. Ảnh: Getty Images

Một người đàn ông cầm trên tay chiếc bộ đàm sau khi đã bỏ phần pin của nó hôm 18/9/2024. Ảnh: Getty Images

Những máy nhắn tin và bộ đàm có gắn chất nổ là đòn tấn công mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Hezbollah, lực lượng vũ trang mạnh và kiểm soát nhiều phần lãnh thổ Lebanon, nước láng giềng với Israel.  

Theo New York Times, Iran và các lực lượng được nước này hậu thuẫn như Hezbollah từ lâu đã dễ bị Israel tấn công bằng cách sử dụng các công nghệ tinh vi. Năm 2020, Israel đã ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bằng một robot hỗ trợ AI được điều khiển từ xa qua vệ tinh. Israel cũng được cho là từng sử dụng tin tặc để ngăn chặn sự phát triển hạt nhân của Iran.

Tại Lebanon, khi Israel ám sát các chỉ huy cấp cao của Hezbollah bằng các vụ tấn công có chủ đích, lãnh đạo Hezbollah đã đưa ra một kết luận: Nếu Israel sử dụng công nghệ cao, Hezbollah sẽ chuyển sang sử dụng công nghệ thấp hơn. 

Thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah đang lo ngại về việc Israel tận dụng mạng lưới điện thoại di động để định vị các thành viên Hezbollah.

“Các bạn hỏi tôi gián điệp ở đâu,” ông Nasrallah nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng 2. “Xin thưa với các bạn rằng chiếc điện thoại trong tay các bạn, trong tay vợ các bạn và trong tay con cái các bạn chính là gián điệp.”

Sau đó, ông Nasrallah đưa ra một lời kêu gọi.

“Hãy chôn nó,” ông Nasrallah nói. “Hoặc đặt nó trong một chiếc hộp sắt và khóa lại.”

Theo các đánh giá tình báo của Mỹ, trong nhiều năm, thủ lĩnh Hezbollah đã thúc đẩy lực lượng này đầu tư vào máy nhắn tin, thiết bị có khả năng nhận dữ liệu mà không làm lộ vị trí hoặc thông tin quan trọng của người sử dụng, dù còn hạn chế về tính năng.

Giới chức tình báo Israel đã nhìn thấy cơ hội từ điều đó.

Thậm chí, trước khi ông Nasrallah quyết định mở rộng việc sử dụng máy nhắn tin, Israel đã đưa ra kế hoạch thành lập một công ty bình phong đóng vai trò là nhà sản xuất máy nhắn tin quốc tế.

Theo New York Times, nhìn bề ngoài, BAC Consulting là một công ty có trụ sở tại Hungary, được ký hợp đồng sản xuất các thiết bị thay mặt cho công ty Đài Loan - Gold Apollo. Trên thực tế, theo 2 sĩ quan tình báo Mỹ, đây là một phần của mặt trận Israel. Họ cho biết ít nhất 2 công ty vỏ bọc khác cũng được thành lập để che giấu danh tính thực sự của những người tạo ra máy nhắn tin - các sĩ quan tình báo Israel.

BAC đã tiếp nhận những khách hàng và sản xuất một loạt máy nhắn tin thông thường. Nhưng khách hàng duy nhất thực sự quan trọng là Hezbollah, và máy nhắn tin sản xuất cho Hezbollah không hề bình thường. Theo 3 sĩ quan tình báo Mỹ, các máy nhắn tin này được sản xuất riêng. Chúng chứa pin được cấy thuốc nổ.

Một chiếc điện đàm phát nổ ở Lebanon. Ảnh: CNN

Một chiếc điện đàm phát nổ ở Lebanon. Ảnh: CNN

Các máy nhắn tin bắt đầu được vận chuyển đến Lebanon vào mùa hè năm 2022 với số lượng nhỏ, nhưng sản lượng đã nhanh chóng tăng lên sau khi ông Nasrallah cấm sử dụng điện thoại di động.

Theo 3 sĩ quan tình báo Mỹ, ông Nasrallah không chỉ cấm điện thoại di động trong các cuộc họp của các thành viên Hezbollah, mà còn ra lệnh rằng các chi tiết về hoạt động và kế hoạch của Hezbollah không bao giờ được truyền đạt qua điện thoại di động. Thủ lĩnh Hezbollah ra lệnh, các thành viên của lực lượng này phải luôn mang theo máy nhắn tin. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, máy nhắn tin sẽ được sử dụng để báo cho các tay súng biết nơi cần đến.

Theo 2 quan chức tình báo Mỹ, trong suốt mùa hè năm nay, các chuyến hàng máy nhắn tin đến Lebanon đã tăng lên, với hàng nghìn chiếc được chuyển đến nước này và được phân phối cho các thành viên Hezbollah.

Theo New York Times, đối với Hezbollah, máy nhắn tin là biện pháp phòng thủ, nhưng với Israel, các sĩ quan tình báo gọi máy nhắn tin là "nút" có thể bấm khi thời cơ chín muồi.

Có vẻ như khoảnh khắc đó đã đến vào tuần này.

Phát biểu trước nội các an ninh vào ngày 15/9, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ông sẽ làm mọi thứ cần thiết để cho phép hơn 70.000 người Israel phải sơ tán do cuộc giao tranh với Hezbollah ở khu vực biên giới có thể về nhà. Ông Netanyahu cho biết những cư dân đó không thể trở về nếu không có "một sự thay đổi cơ bản về tình hình an ninh ở phía bắc", theo một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Israel.

Ngày 17/9, lệnh kích nổ các máy nhắn tin được đưa ra.

Theo 2 quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ, để gây ra vụ nổ, Israel đã gửi tới các máy nhắn tin một tin nhắn bằng tiếng Ả Rập trông giống như được gửi từ giới lãnh đạo cấp cao của Hezbollah.

Vài giây sau, Lebanon chìm trong hỗn loạn.

Với rất nhiều người bị thương, xe cứu thương xuất hiện trên nhiều đường phố, và các bệnh viện ngay lập tức quá tải. Hezbollah cho biết ít nhất 8 thành viên của họ đã thiệt mạng, nhưng những người không phải thành viên cũng bị ảnh hưởng.

Ở miền nam Lebanon, tại ngôi làng Saraain, bé gái tên Fatima Abdullah, vừa mới về nhà sau ngày đầu tiên học lớp 4 thì nghe thấy máy nhắn tin của bố phát ra loạt tiếng kêu bíp bíp, cô của Fatima kể lại. Cô bé nhặt máy lên để mang cho bố và đang cầm thì nó phát nổ, khiến cô bé thiệt mạng. Fatima mới 9 tuổi.

Một người đàn ông đau buồn trong đám tang những người thiệt mạng do loạt vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: Anwar Amro

Một người đàn ông đau buồn trong đám tang những người thiệt mạng do loạt vụ nổ máy nhắn tin. Ảnh: Anwar Amro

Ngày 18/9, khi hàng nghìn người tụ tập ở vùng ngoại ô phía nam Beirut để tham dự đám tang ngoài trời của 2 người thiệt mạng trong loạt vụ nổ các máy nhắn tin, tình trạng hỗn loạn lại bùng phát: Lại có một vụ nổ nữa.

Giữa làn khói cay nồng, những người đưa tang hoảng loạn chạy ra đường, tìm nơi trú ẩn ở hành lang của các tòa nhà gần đó. Nhiều người lo sợ điện thoại của họ, hoặc điện thoại của một người đứng cạnh họ trong đám đông, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

“Tắt điện thoại đi!” một số người hét lên. “Tháo pin ra!” Ngay sau đó, một giọng nói trên loa phóng thanh tại đám tang thúc giục mọi người làm điều đó.

Đối với người dân Lebanon, loạt vụ nổ các bộ đàm là sự xác nhận cho bài học ngày hôm trước: Họ hiện đang sống trong một thế giới mà những thiết bị liên lạc phổ biến nhất cũng có thể trở thành công cụ giết người.

Nguồn: [Link nguồn]

Các nhân chứng ở Lebanon đã mô tả với truyền thông thế giới về cảnh tượng đáng sợ mà họ thấy trong vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ ở quốc gia này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - New York Times ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN