Bán đảo Triều Tiên leo thang với loạt diễn biến nóng

Tình hình bán đảo Triều Tiên đang leo thang căng thẳng với loạt diễn biến nóng từ Mỹ cùng các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên.

Tình hình bán đảo Triều Tiên diễn tiến đáng ngại với loạt động thái nóng từ các bên liên quan. Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản đang có loạt cuộc tập trận rầm rộ. Triều Tiên gây chú ý với các bước đi của lãnh đạo Kim Jong-un và vụ phóng vệ tinh do thám quân sự.

Hàng loạt cuộc tập trận từ Mỹ và đồng minh

Ngày 29-8, ba nước Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản tập trận phòng thủ tên lửa trên các vùng biển quốc tế ở phía nam bán đảo Triều Tiên, theo hãng thông tấn Yonhap. Tham gia tập trận có các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis - ROKS Yulgok Yi I của Hàn Quốc, USS Benfold của Mỹ và JS Haguro của Nhật Bản. Cuộc tập trận mô phỏng ứng phó với kịch bản Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Cùng ngày, phó phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ Sabrina Singh cho biết Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) cùng con gái Ju-ae (giữa, bên phải), đội danh dự trong chuyến thăm trụ sở Bộ chỉ huy hải quân Triều Tiên ngày 27-8 năm 2023. Ảnh: KCNA công bố ngày 29-8

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) cùng con gái Ju-ae (giữa, bên phải), đội danh dự trong chuyến thăm trụ sở Bộ chỉ huy hải quân Triều Tiên ngày 27-8 năm 2023. Ảnh: KCNA công bố ngày 29-8

Cuộc tập trận này diễn ra song song với cuộc tập trận thường niên Lá chắn tự do Ulchi giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài 11 ngày (từ ngày 21 đến hết 31-8). Cuộc tập trận dựa trên kịch bản chiến tranh tổng lực với loạt diễn tập ứng phó với tình huống khẩn cấp, như diễn tập chỉ huy mô phỏng trên máy tính, huấn luyện thực địa và diễn tập phòng thủ dân sự Ulchi. Tham gia có lực lượng biệt kích đặc biệt của hải quân Hàn Quốc và Mỹ, nhằm tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu. Hai nước cũng phối hợp huấn luyện chiến đấu đô thị nhằm tăng cường năng lực tác chiến hợp đồng.

Đầu tuần trước, không quân Hàn Quốc tập trận phòng thủ trên không với sự tham gia khoảng 20 máy bay chiến đấu, theo kịch bản phóng tên lửa hạ máy bay địch xâm phạm không phận. Hôm 23-8, Hàn Quốc diễn tập phòng thủ dân sự toàn quốc lần đầu tiên kể từ năm 2017 nhằm giúp người dân chuẩn bị tốt trước kịch bản không kích, bao gồm hành động khiêu khích bằng tên lửa của Triều Tiên, theo Yonhap.

Một diễn biến đáng chú ý, trong ngày 29-8, tướng Anthony J. Cotton - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (phụ trách giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ) đến Hàn Quốc nhằm tái khẳng định cam kết “sắt thép” của Mỹ với đồng minh, Yonhap dẫn thông tin từ lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc tại trại David, bang Maryland (Mỹ) hôm 18-8 đạt một loạt thỏa thuận: cam kết nhanh chóng tham khảo ý kiến của nhau trường hợp có các mối đe dọa chung, tổ chức các cuộc tập trận chung hằng năm; tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Ông Kim muốn Triều Tiên sẵn sàng cho chiến tranh

Trong khi đó tại Triều Tiên, Yonhap ngày 29-8 dẫn lại thông tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Bộ chỉ huy hải quân nước này. Trong chuyến thăm diễn ra vào ngày 27-8, ông Kim tố cáo việc Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác quân sự ba bên đã khiến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trở thành “vùng biển bất ổn nhất có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân”, kêu gọi hải quân Triều Tiên tăng cường lực lượng và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến tranh.

Quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng việc ông Kim tới Bộ chỉ huy hải quân lần này dường như là “bất thường” vì đây là lần đầu tiên ông Kim có chuyến thăm đến trụ sở này nhân kỷ niệm ngày hải quân, kể từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2011.

Theo nhà nghiên cứu Hong Min tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, chuyến thăm của ông Kim tới Bộ chỉ huy hải quân có thể báo hiệu rằng Triều Tiên có thể sớm triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cho lực lượng hải quân.

Chuyến thăm của ông Kim tới Bộ chỉ huy hải quân Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo này thị sát một vụ thử tên lửa hành trình trên một tàu chiến.

Gần đây, ông Kim cũng liên tục thị sát tới các nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược, bao gồm nhà máy sản xuất tên lửa chiến thuật, kêu gọi tăng cường sản xuất vũ khí và thiết bị quốc phòng. Động thái này được chú ý trong bối cảnh căng thẳng bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao. Triều Tiên được cho đang đẩy mạnh việc xây dựng năng lực quân sự bằng cách phát triển vũ khí mới, từ tàu không người lái tấn công có khả năng hạt nhân đến vệ tinh trinh sát quân sự.

Một động thái đáng chú ý khác, sáng 24-8, Cơ quan Phát triển vũ trụ Triều Tiên (NADA) vệ tinh do thám quân sự Malligyong-1 cùng tên lửa đẩy Chollima-1, KCNA đưa tin. Vụ phóng không thành công và NADA cho biết vấn đề nằm ở tên lửa Chollima-1 do lỗi hệ thống nổ khẩn cấp. Trước đó, Triều Tiên cũng đã có một vụ thử vệ tinh được tuyên bố thất bại vào ngày 31-5.

Trong ngày 29-8, Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh đang theo dõi chặt chẽ Triều Tiên để phát hiện thêm các hành động khiêu khích sau hai vụ phóng vệ tinh quân sự này.

Tranh cãi gay gắt về Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã có cuộc họp vào ngày 25-8 bàn về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, theo đài ABC News.

Tại cuộc họp này, Đại sứ Mỹ tại LHQ Thomas Linda-Greenfield chỉ trích Triều Tiên một lần nữa thách thức các nghị quyết của HĐBA với việc theo đuổi “chương trình tên lửa đạn đạo bất hợp pháp”. Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Hwang Joon Kook nhấn mạnh rằng các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên là lý do khiến Seoul tăng cường hợp tác răn đe mở rộng với Mỹ.

Đáp trả, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song nhấn mạnh các vụ phóng tên lửa của nước này nhằm “thực thi quyền tự vệ chính đáng để ngăn chặn các hành động quân sự thù địch ngày càng gia tăng” của Mỹ và các nước đồng minh.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng nói tại cuộc họp rằng những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên có liên quan chặt chẽ cuộc tập trận quân sự của Mỹ và đồng minh, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Diễn biến mới nhất, Yonhap dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 29-8 cho biết Mỹ vẫn sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng, “các đường dây liên lạc với Triều Tiên vẫn mở”.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ-Nhật-Hàn dồn dập tập trận, Triều Tiên phản ứng ra sao?

Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 29/8 thông báo khởi động cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên ở vùng biển quốc tế phía Nam bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨNH KHANG - ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN