6 "vũ khí" giúp Mỹ chặn Triều Tiên sau vụ "bom nhiệt hạch"

Chính sách phớt lờ Triều Tiên hay “sự kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thất bại, nhưng vẫn còn 6 lựa chọn dành cho Mỹ để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

6 "vũ khí" giúp Mỹ chặn Triều Tiên sau vụ "bom nhiệt hạch" - 1

Truyền hình Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch

1. Gia tăng lệnh trừng phạt

Dù một số ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt đến lúc này không thể khiến Triều Tiên thay đổi thì trừng phạt thêm cũng vô ích, nhưng Victor D. Cha, nguyên Giám đốc Đối ngoại châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush khẳng định các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên còn rất nhẹ so với trừng phạt dành cho Iran.

Trước đây Washington đã khiến Bình Nhưỡng chú ý khi đóng các tài khoản ngân hàng của gia đình lãnh đạo Triều Tiên ở Macao. Mặc dù chính quyền Bush đã bãi bỏ nhưng một số ý kiến đang kêu gọi lặp lại và gia tăng các lệnh trừng phạt đó.

2. Trừng phạt đi kèm với cách tiếp cận mới mẻ

Triều Tiên sẽ không thu hẹp chương trình hạt nhân của mình nếu Mỹ không có “cách tiếp cận ngoại giao hiệu quả và mới mẻ”. Nhà Trắng nên theo đuổi các cuộc đối thoại hướng đến một mục tiêu khiêm tốn hơn để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên thay vì “đạt được cam kết thiếu tin cậy nữa về phi hạt nhân rồi thất bại”.

Cho tới lúc này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un không hề quan tâm tới việc thương lượng để hủy kho hạt nhân bởi ông coi đây là chính sách bảo đảm sự sống còn cho Triều Tiên.

3. Tăng cường cấm thử hạt nhân trên toàn cầu

Andrew Weber, nguyên cố vấn cho Tổng thống Obama tại Lầu Năm Góc thúc giục Mỹ và các nước lớn khác tăng cường việc cấm thử hạt nhân trên toàn cầu bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trì hoãn ký hoặc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996. Chỉ còn Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên chưa ký hiệp ước này. Trung Quốc, Ai Cập, Iran, Israel và Mỹ đã ký nhưng chưa nước nào bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước này.

6 "vũ khí" giúp Mỹ chặn Triều Tiên sau vụ "bom nhiệt hạch" - 2

Nước Mỹ sẽ phải lựa chọn một giải pháp cứng rắn hơn đối với Triều Tiên

4. Quân bài Trung Quốc

Gây áp lực lên quốc gia cung cấp cho Triều Tiên phần lớn nhiên liệu và thực phẩm là mấu chốt để ngăn chặn các nỗ lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, tuy nhiên Bắc Kinh không hề sẵn lòng làm như vậy.

“Trung Quốc hiện không phải là bạn của Triều Tiên. Nhưng dù vậy, Trung Quốc còn lo Triều Tiên sụp đổ hơn là chương trình hạt nhân của nước này bởi không muốn quân đội Mỹ và Hàn Quốc ở sát biên giới với mình”, một chuyên gia cho biết.

5. Chính sách an ninh quốc gia bớt “nhân nhượng và yếu đuối”

Robert Joseph, cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống Bush, khẳng định Mỹ chỉ có thể ngăn chặn Triều Tiên nếu Washington theo đuổi một chính sách an ninh quốc gia dựa trên “nguyên tắc và sức mạnh thay vì nhân nhượng và yếu đuối”, nhằm ám chỉ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông thúc giục chính quyền hiện tại xúc tiến các chương trình chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông cùng một số nhân vật khác cũng ủng hộ chương trình lá chắn tên lửa bảo vệ Mỹ và một số chương trình an ninh gây tranh cãi khác.

6. Thay đổi lãnh đạo

Jack David, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt còn đưa ra ý kiến mạnh mẽ hơn. Theo ông, mục tiêu của Mỹ nên hướng vào thay đổi chế độ, không nên quá “giữ mãi hy vọng Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng về vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa”, “không chấp nhận lời hứa hẹn tiếp theo để rồi Bình Nhưỡng lại nuốt lời”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Tùng (Theo Fox, Reuters) ([Tên nguồn])
Triều Tiên thử bom nhiệt hạch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN