4 vũ khí hạng nặng phương Tây viện trợ có thể ảnh hưởng cục diện xung đột Nga – Ukraine

Trong giai đoạn 2 của xung đột Nga – Ukraine, phương Tây đang tỏ ra không hề kiêng dè trong việc viện trợ vũ khí hạng nặng một cách ồ ạt cho Kiev. Với một số vũ khí đang chứng minh được “tên tuổi” trong các cuộc chiến, Mỹ và NATO hy vọng Ukraine có thể xoay chuyển cục diện chiến trường Donbass.

Trước tháng 4, hầu hết vũ khí Mỹ và NATO gửi tới Ukraine đều có từ thời Liên Xô và không thể so sánh với dàn hỏa lực hiện đại của Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh Ukraine không ngừng than thở về chuyện thiếu vũ khí, phương Tây buộc phải “cắn răng” để viện trợ cho nước này những vũ khí đắt đỏ hơn.

M777 – lựu pháo mạnh bậc nhất thế giới của Mỹ (Presstv)

M777 – lựu pháo mạnh bậc nhất thế giới của Mỹ (Presstv)

1. Lựu pháo M777 của Mỹ

Mỹ đang là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Mục tiêu của nước này không chỉ là giúp đỡ Ukraine phòng thủ mà còn muốn khiến Nga “suy yếu”, theo Politico.

Tổng thống Mỹ Biden hôm 21.4 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine gồm 72 lựu pháo 155 mm, 144.000 quả đạn pháo. M777 là loại pháo được đánh giá mạnh bậc nhất thế giới hiện tại và là vũ khí mặt đất nguy hiểm hàng đầu Mỹ. M777 có trọng lượng nhẹ, tầm bắn xa với độ chính xác cao.

M777 do tập đoàn BAE Systems sản xuất cho kế hoạch loại biên dàn pháo M198 của Mỹ. Ban đầu, nó có tên là “lựu pháo chiến trường siêu nhẹ”. Mỹ hiện có khoảng hơn 1.000 khẩu pháo M777. Lục quân các nước như Úc, Canada, Ấn Độ cũng được trang bị loại pháo mạnh mẽ này.

M777 nặng khoảng 4,2 tấn, là loại pháo cỡ nòng 155 mm trọng lượng nhẹ nhất thế giới. Với trọng lượng nhẹ, M777 có thể được vận chuyển bằng trực thăng hoặc máy bay vận tải. Chỉ mất hơn 2 phút để triển khai loại pháo này và xả hỏa lực trên chiến trường. M777 có thể bắn tất cả loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn của NATO. Thông thường, nó được trang bị loại đạn M982 Excalibur với tầm bắn xa 40 km, độ lệch không quá 10 m, Politico cho hay.

Ukraine rất cần bổ sung pháo hạng nặng để củng cố phòng tuyến ở Donbass (ảnh: Globaldefensecorp)

Ukraine rất cần bổ sung pháo hạng nặng để củng cố phòng tuyến ở Donbass (ảnh: Globaldefensecorp)

Cách vận hành của M777 khá giống với Msta-B (loại pháo cỡ nòng 152 mm của Liên Xô). Vì vậy, các binh sĩ Ukraine được cho là dễ dàng sử dụng M777 chỉ sau thời gian ngắn huấn luyện.

Năm 2014, quân đội Mỹ bắt đầu nâng cấp M777, bao gồm việc trang bị màn hình cảm ứng, cập nhật phần mềm điều khiển cho pháo, trang bị đạn tiên tiến hơn để nâng tầm bắn, nâng cao tốc độ bắn.

Hiện tại, M777 có tốc độ bắn trung bình 2 viên/phút. Với hệ thống khai hỏa điện tử, nó có thể bắn tới 5 viên/phút. M777 được chế tạo để sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tương tự lựu pháo tự hành M109A6 Palladin để dẫn hướng, chỉ điểm và tự định vị với độ chính xác cao. Vì vậy, nó được mệnh danh là “súng bắn tỉa” của pháo binh.

Theo một chuyên gia quân sự, điểm yếu lớn của M777 là không có khả năng hạ góc bắn của pháo. Khi được bố trí trên điểm cao, M777 chỉ có thể bắn cầu vồng chứ không thể bắn thẳng. Tuy nhiên, ở Donbass, M777 vẫn là một trong những “át chủ bài” của Ukraine trong cuộc chiến hỏa lực tầm xa.

2. Pháo tự hành Caesar

Hôm 23.4, Pháp tuyên bố viện trợ cho Ukraine pháo tự hành Caesar (không tiết lộ số lượng). Đây là loại pháo tự hành cỡ nòng 155 mm do tập đoàn Nexter (Pháp) sản xuất, nặng 18 tấn và đặt trên xe tải 6 – 10 bánh.

Pháo tự hành là hệ thống pháo được đặt trên bệ bánh lốp hoặc bánh xích. Ưu điểm của loại pháo này là tính cơ động cao và dễ triển khai cũng như né tránh hỏa lực địch.

Tốc độ tối đa khi di chuyển trên đường nhựa của pháo Caesar là 100 km/giờ, trên đường đất là 50 km/giờ, phạm vi hoạt động 600 km. Trọng lượng không đạn của toàn bộ hệ thống Caesar là 17,7 tấn, theo Root Nation.

Với trọng lượng nhẹ và kích thước gọn như vậy, pháo tự hành Caesar có thể dễ dàng vận chuyển bằng các phương tiện khác nhau. Các máy bay vận tải tầm trung như C-130, C-160, A400M cũng có thể chở loại pháo này.

Pháo tự hành Caesar của Pháp được thiết kế để có thể chiến đấu độc lập với kíp chiến đấu 5 – 6 người. Pháo Caesar được trang bị 18 viên đạn. Với hệ thống nạp đạn tự động, tốc độ bắn thông thường của Caesar đạt 6 – 8 phát/phút hoặc 3 phát trong 15 giây khi bắn với tốc độ cao.

Pháo tự hành Caesar – niềm tự hào của lục quân Pháp (ảnh: CNN)

Pháo tự hành Caesar – niềm tự hào của lục quân Pháp (ảnh: CNN)

Theo Root Nation, đạn pháo thông thường bắn từ Caesar có thể xa tối đa 40 km. Với loại đạn tăng tầm, tầm bắn của Caesar lên tới hơn 50 km.

Pháo tự hành Caesar được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử FAST-Hit. Hệ thống điều khiển hiện đại này cho phép một đội gồm 8 khẩu Caesar rải hơn 1 tấn đạn pháo với độ chính xác cao trong vòng chưa đầy 1 phút. Đội hình 8 khẩu Caesar thậm chí có thể được sử dụng để phòng thủ một đường bờ biển dài.

Với phiên bản nâng cấp, Caesar được trang bị đạn Orge phát triển cho Lục quân Pháp. Mỗi quả đạn pháo Orge mang 63 đạn con. Một loạt bắn 6 đạn Orge sẽ rải 378 viên đạn con, phủ lên khu vực rộng 3 héc ta ở khoảng cách 35 - 40 km. Ngoài ra Caesar có thể sử dụng đạn chống tăng dẫn đường của BAE System (tập đoàn sản xuất vũ khí lớn bậc nhất thế giới của Anh) với tầm bắn lên đến 42 km.

Ưu điểm nổi bật của Caesar là dễ sử dụng. Marc Chassillan – chuyên gia vũ khí Pháp – cho rằng, các binh sĩ có thể học cách sử dụng Caesar trong vòng “một buổi sáng”. Điều này có thể giúp lực lượng Ukraine tiết kiệm thời gian đào tạo và sớm đưa Caesar ra chiến trường.

Pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH) của Đức có thể bắn 5 phát đạn gần như cùng lúc (ảnh: Politico)

Pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH) của Đức có thể bắn 5 phát đạn gần như cùng lúc (ảnh: Politico)

3. Pháo tự hành Panzerhaubitze 

Vào những năm cuối thập niên 1960, Tây Đức, Anh và Italia đã thảo luận về việc cùng phát triển mẫu pháo tự hành mới với hỏa lực vượt trội hơn hẳn pháo của Liên Xô và nguyên mẫu SP70 ra đời. Tuy nhiên, dự án sản xuất hàng loạt pháo SP70 sau đó bị hủy bỏ vì pháo tự hành M109 Paladin của Mỹ tỏ ra nhiều ưu điểm hơn.

Dựa trên những ưu điểm riêng của SP70, quân đội Đức cho ra đời mẫu pháo Panzerhaubitze (PzH) và trang bị cho riêng mình. Hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, Berlin sẽ chuyển giao 7 tổ hợp pháo tự hành PzH cho Ukraine.

Tham mưu trưởng quân đội Đức – ông Eberhard Zorn – cho biết, nước này đang huấn luyện 20 binh sĩ Ukraine để vận hành pháo PzH.

Pháo tự hành PzH dài 11,7 m, rộng 3,6 m và cao 3,1m, trọng lượng là 55,8 tấn. Với kích thước đồ sộ và trọng lượng thuộc hàng “khủng”, PzH chỉ có thể phát huy tối đa tính năng trên khung gầm bánh xích. Kíp chiến đấu của PzH bao gồm 5 người.

PzH sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức với động cơ 1.000 mã lực. PzH có thể di chuyển trên đường nhựa với vận tốc 67 km/giờ, tầm hoạt động 420 km. Với bánh xích của xe tăng Leopard 2, PzH có thể leo vách đá cao 1,1 m, vượt hào rộng 3 m và lội nước sâu 1,5 m. Điều này cho thấy tính cơ động rất cao của loại pháo tự hành được đánh giá là mạnh bậc nhất thế giới, Guardian cho hay.

PzH có thể bắn tất cả loại đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn của NATO. Với buồng đạn rộng (chứa được 60 viên pháo) và máy nạp đạn tự động, tốc bộ bắn pháo của PzH là 3 viên/8,4 giây. Tầm bắn là một hạn chế của PzH khi chỉ đạt tối đa 30 km với đạn thường và 40 km với đạn tăng tầm.

Điểm cộng lớn của PzH là hệ thống điều khiển kỹ thuật số MRSI có chức năng tấn công mục tiêu bằng nhiều phát đạn gần như cùng lúc. Để thực hiện cách tấn công này, PzH sẽ bắn 5 phát đạn với góc bắn từ cao xuống thấp trong khoảng chưa đầy 1,5 giây. Loạt đạn này hướng đến cùng một mục tiêu, gây sát thương cực lớn.

Do có khả năng xả hỏa lực dày đặc và hoạt động tốt trên nhiều dạng địa hình, PzH rất được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới.

Mi-17 – loại trực thăng đa năng được quân đội nhiều nước ưa chuộng (ảnh: AP)

Mi-17 – loại trực thăng đa năng được quân đội nhiều nước ưa chuộng (ảnh: AP)

4. Trực thăng Mi-17

Hôm 13.4, Mỹ tuyên bố gửi 11 trực thăng Mi-17 cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD. Trước đó, Mỹ đã gửi cho Ukraine 5 trực thăng loại này.

Mi-17 là loại trực thăng đa dụng, vừa có thể chở quân vừa có thể chiến đấu. Thông thường, mỗi chiếc Mi-17 có trọng lượng cất cánh tối đa 13 tấn, cho phép chở 36 lính trang bị hạng nặng.

Với 2 động cơ TV3-117BM công suất lên đến 1.900 mã lực/một động cơ, Mi-17 có thể đạt tốc độ tối đa 250 km/giờ, bay cao tối đa 6.000 m với tầm hoạt động 580 km. Nếu lắp thêm 2 thùng dầu phụ, phạm vi hoạt động của trực thăng này có thể lên đến 1.065 km, theo RT.

Ở độ cao tối đa 6.000 m, Mi-17 gần như không chịu sự uy hiếp của các loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ.

Với tốc độ và phạm vi hoạt động đáng nể, Mi-17 có thể trở thành trực thăng vũ trang hạng nặng nếu được trang bị thêm vũ khí. Mi-17 trong trạng thái chiến đấu được thiết kết 6 giá treo. Khi cần thiết, trực thăng này có thể mang theo 1,5 tấn vũ khí bao gồm bom, rocket, súng máy gắn ngoài và tên lửa chống tăng.

Mi-17 là loại vũ khí có từ thời Liên Xô, quân đội Ukraine được cho là có thể dễ dàng sử dụng trực thăng này trong cuộc xung đột với Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

Tuyệt vọng, chỉ huy quân Ukraine trong nhà máy Azovstal cầu cứu tỷ phú giàu nhất thế giới

Chỉ huy lực lượng Ukraine đang mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal (thành phố Mariupol) cho biết, ông đã lập một tài khoản Twitter với mục đích duy nhất là để gửi lời cầu cứu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN