10 chiến dịch quân sự khiến Càn Long tự đắc, xưng “Thập Toàn lão nhân”

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56

Càn Long về già luôn tự gọi mình là “Thập toàn lão nhân”. Ông ta cho rằng từ cổ chí kim, không một hoàng đế nào trong lịch sử Trung Quốc có thể lập được những chiến công hiển hách như mình. Vậy mười chiến công theo cách gọi của Càn Long là gì?

Khi về già, Càn Long ngày càng trở nên kiêu căng, ngạo mạn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Khi về già, Càn Long ngày càng trở nên kiêu căng, ngạo mạn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Vào những năm cuối đời, Càn Long ngày càng trở nên tự phụ. Ông ta thích phô trương sự giàu có và tài giỏi của mình, để cả thiên hạ phải ngưỡng mộ tài đức.

Ngoài việc cho xây dựng những công trình lớn, tổ chức những yến tiệc xa hoa, Càn Long còn muốn lưu danh tên tuổi, bằng những công việc mà chưa từng có hoàng đế nào thực hiện được trước đó.

Năm Càn Long thứ 55 (1790), trong lễ chúc thọ 80 tuổi, Càn Long đã cho tổ chức bữa tiệc lẩu lớn nhất trong lịch sử, gọi là Yến tẩu thiên. Gần 6.000 bậc phụ lão, quan lại hưu trí được mời tham gia. Càn Long muốn thể hiện sự rộng rãi, “vui cùng dân chúng”, để cho mọi người phải chúc tụng, ca ngợi công đức của mình.

Càn Long về già rất thích làm những công việc được tiếng là vĩ đại, cao cả. Lại muốn bắt chước theo cách làm của hai vị vua Nghiêu, Thuấn, có ý định truyền ngôi, lên làm Thái thượng hoàng.

Hiểu Càn Long không ai bằng Hòa Thân. Ông ta làm ngay một bản tấu, kể rõ những công trạng của Càn Long từ xưa đến nay:

“Hoàng thượng ở ngôi đã sáu mươi năm, trong nước yên ổn, công nghiệp khải hoàn. Vì thế, nên cho tổ chức lễ khánh chúc 60 năm đăng cơ và sai nội các Hàm lâm viện biên soạn sách kỷ yếu ghi công, để hiểu dụ thiên hạ, truyền mãi muôn đời”.

Hòa Thân cùng hùa với quan lại trong triều, cho rằng, Càn Long từ khi làm hoàng đế, đã lập được “mười đại chiến công”. Họ cùng xin Càn Long lấy tôn hiệu là “Thập toàn đại đế”, để thể hiện công lao hiển hách.

Càn Long cho ghi chép lại những “chiến công” hiển hách của mình để lưu danh muôn đời (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Càn Long cho ghi chép lại những “chiến công” hiển hách của mình để lưu danh muôn đời (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Càn Long nghe vậy vô cùng đắc ý, bèn sai Hàm lâm viện biên soạn ngay hai bộ sách. Một bộ “Kỷ công thư” và một bộ “Lục tuần Giang, Chiết”, giao cho Hòa Thân và Kỷ Hiểu Lam chủ trì biên soạn.

Tuy nhiên, Càn Long cũng ra lệnh, việc ghi công trạng không được quá phô trương và cũng không sử dụng tôn hiệu “Thập toàn đại đế”.

Càn Long rất quan tâm đến việc biên soạn hai bộ sách ghi công, thường xuyên xuống Hàm lâm viện để kiểm tra. Bộ “Kỷ công thư”, sắp hoàn thành, Càn Long đã hỏi Hòa Thân đặt nhan đề cho sách chưa. Hòa Thân đáp:

- Xin tạm thời đặt tựa là Thập toàn đại võ công ký (thường gọi là Thập toàn ký).

Càn Long nghe vậy vô cùng thỏa mãn:

- Nếu vậy thì Trẫm phải xưng là “Thập toàn lão nhân” cho hợp.

Sách soạn xong, Càn Long sai người chép ra các thứ tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng để khắc lên văn bia.

Hai từ “thập toàn” vốn được lấy trong câu “thập toàn thập mỹ”, để chỉ sự hoàn hảo, Càn Long lại tự xưng là Thập toàn lão nhân, ý muốn thể hiện rằng bản thân là vị hoàng đế tài giỏi về mọi mặt, không có một chút khuyết điểm nào.

Tuy nhiên, Càn Long chỉ tự coi mình là một “lão nhân” (ông già), không dám xưng thẳng ra hai từ “đại đế”, để tránh bất kính với những vị hoàng đế đi trước.

Dưới thời Càn Long, đã có 10 chiến dịch quân sự lớn (ảnh minh họa)

Dưới thời Càn Long, đã có 10 chiến dịch quân sự lớn (ảnh minh họa)

Theo Thanh sử, mười “đại chiến công” (thực ra không phải tất cả đều thành công), chính là mười chiến dịch quân sự lớn, được thực hiện dưới thời hoàng đế Càn Long, bao gồm:

1. Trấn áp thành công cuộc nổi dậy của những bộ tộc vùng Lưỡng Kim Xuyên lần thứ nhất và xâm lược Tây Tạng (nắm 1747 – 1749).

2. Trấn áp thành công cuộc nổi loạn bộ tộc lớn Dzungar ở vùng biên giới Trung Quốc – Mông Cổ lần thứ nhất ( năm 1755).

3. Trấn áp cuộc nổi loạn bộ tộc Dzungar ở vùng biên giới Trung Quốc – Mông Cổ lần thứ hai và tiêu diệt bộ tộc Dzungar (năm 1757).

4. Trấn áp và tiêu diệt bộ tộc lớn Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), thành lập tỉnh Tân Cương (năm 1757 – 1759).

5. Xâm lược Miến Điện (Myanmar) (năm 1765 – 1769).

6. Trấn áp thành công cuộc nổi dậy của những bộ tộc vùng Lưỡng Kim Xuyên lần thứ hai (năm 1771 - 1776).

7. Trấn áp thành công và tiêu diệt cuộc phản loạn của Thiên Địa hội do Lâm Sảng Văn cầm đầu tại Đài Loan ( năm 1786 - 1788).

8. Xâm lược Việt Nam nhưng thất bại (năm 1788 – 1789).

9. Chiến tranh biên giới với Nepal lần thứ nhất (1790).

10. Chiến thắng Nepal trong chiến tranh biên giới lần thứ hai (năm 1791 – 1792).

Những cuộc viễn chinh của Càn Long có hiệu quả, nhưng cũng làm hao hụt ngân sách rất lớn (ảnh minh họa)

Những cuộc viễn chinh của Càn Long có hiệu quả, nhưng cũng làm hao hụt ngân sách rất lớn (ảnh minh họa)

Càn Long còn sai vẽ 94 bức tranh, mô tả các “chiến công” của mình, chia làm 8 bộ, gồm:

1. Bộ "Bình định Chuẩn Cát Nhĩ Hồi Bộ đắc thắng đồ" (16 bức tranh).

2. Bộ "Bình định Lưỡng Kim Xuyên đắc thắng đồ" (16 bức tranh).

3. Bộ "Bình định Đài Loan đắc thắng đồ" (12 bức tranh).

4. Bộ "Bình định An Nam đắc thắng đồ" (6 bức tranh).

5. Bộ "Bình định Khuếch Nhĩ Khách đắc thắng đồ" (8 bức tranh).

6. Bộ "Bình định Miêu Cương đắc thắng đồ" (16 bức tranh).

7. Bộ "Bình định Trọng Miêu đắc thắng đồ” (4 bức tranh).

8. Bộ "Bình định Hồi Cương đắc thắng đồ" (10 bức tranh).

Có thể nói, nhiều chiến dịch quân sự dưới thời Càn Long đã góp phần bảo đảm an ninh biên giới cho quốc gia này. Dưới thời Càn Long, Trung Quốc trở thành một cường quốc về quân sự trên thế giới và lãnh thổ mở rộng tối đa.

Có những chiến dịch quân sự thất bại nhưng lại được tô vẽ là giành chiến thắng (ảnh minh họa)

Có những chiến dịch quân sự thất bại nhưng lại được tô vẽ là giành chiến thắng (ảnh minh họa)

Tuy chủ yếu là thắng trận, nhưng cũng có nhiều chiến dịch quân sự của Càn Long chỉ nhằm giương oai, giễu võ, thậm chí là thất bại. Điển hình là năm 1788, quân đội nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu đã mở cuộc xâm lược Việt Nam và bị quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ đánh cho đại bại, nhưng lại được ngụy tạo là chiến thắng.

Đáng nói hơn, thời Càn Long thực hiện quá nhiều chiến dịch quân sự lớn, lại phải hành quân xa, tốn kém ngân sách rất nhiều. Theo ước tính, tổng số chi phí cho những chiến dịch này, lên tới 151 triệu lượng bạc.

Bên cạnh đó, với sở thích ăn chơi, hưởng lạc, Càn Long còn cho xây cất rất nhiều công trình kỳ vĩ, xa hoa, đốt tiền vào những chuyến tuần du, làm cho quốc khố nhà Thanh bị thâm hụt rất lớn.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 2 3 4 56
Càn Long có tài năng gì?

Nhiều người biết đến Càn Long là một vị hoàng đế chỉ thích ăn chơi, hưởng lạc cùng những mỹ nhân xinh đẹp. Tuy nhiên,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Càn Long - Phong lưu bậc nhất hoàng đế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN