Lãi suất huy động hạ xuống mức thấp kỷ lục

Với đợt giảm lãi suất mới từ đầu tháng 3, mức lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ghi nhận thấp nhất trên thị trường chỉ còn 4%/năm.

Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 3, các ngân hàng đang “nhìn nhau” hạ lãi suất thêm từ 0,2-0,4%/năm. 

Hiện Vietcombank và Agribank là 2 ngân hàng đang giữ “kỷ lục” về niêm yết mức lãi suất kỳ hạn gửi huy động 1 tháng, chỉ 4%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) vừa giảm tiếp 0,1-0,2%/năm tùy kỳ hạn gửi. 

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được Agribank giảm từ 4,3%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn gửi 12-18 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm 0,1%/năm, xuống còn 6,2%/năm. Kỳ hạn trên 18 tháng giảm thêm 0,2%/năm, xuống còn 6,3%/năm.

Lâu nay Vietcombank và BIDV là hai nhà băng luôn đi đầu trong các đợt giảm lãi suất, tuy nhiên trong đợt điều chỉnh lãi suất từ đầu tháng 3 này, chưa có động tĩnh gì đến từ 2 “ông lớn”. Đợt điều chỉnh lãi suất gần nhất của Vietcombank diễn ra ngày 9/2/2015, với mức lãi suất thấp nhất dành cho kỳ hạn 1 tháng là 4%/năm và lãi suất cao nhất 6,2%/năm dành cho kỳ hạn gửi trên 24 tháng.

Lãi suất huy động hạ xuống mức thấp kỷ lục - 1

 Các nhà băng lại vào đợt giảm lãi suất mới

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất, tổng cộng với mức giảm 0,2-0,4%/năm. 

Eximbank cũng là ngân hàng có mức giảm lãi suất ở các kỳ hạn mạnh nhất trên thị trường hiện nay.

Cụ thể, với khoản tiền gửi tiết kiệm lĩnh lãi hàng tháng, lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng tại ngân hàng này là 4,5%/năm, từ 3 - 5 tháng là 4,7%/năm; 6 tháng là 5,3%/năm và 12 tháng là 5,9%/năm. Tuy nhiên, cùng khoản tiền gửi này nhưng nếu khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ mức lãi suất sẽ cao hơn khoảng 0,2%/năm. Đột biến trên biểu niêm yết lãi suất của Eximbank, ngân hàng này dành mức lãi suất ưu đãi lên tới 7,5%/năm đối với khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng với khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ. Mức lãi suất này cũng tương đương với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ trên thị trường.

Tại Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), các mức lãi suất huy động có kỳ hạn cũng được điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,3%/năm. Cụ thể, từ ngày 4/3, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm từ mức 4,6%/năm xuống còn 4,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm từ mức 4,85%/năm còn 4,55%/năm; 6 tháng giảm còn 5,02%/năm từ mức 5,25%/năm.

Cũng nằm trong số các ngân hàng thương mại cổ phần có đợt giảm lãi suất mới, từ 2/3 biểu lãi suất của DongABank đã giảm thêm 0,2-0,3%/năm. Cụ thể, kỳ hạn gửi 1 tháng tại nhà băng này chỉ còn 4,3%/năm, 3 tháng là 4,9%/năm; 6 tháng là 5,3%/năm và 12 tháng là 6,6%/năm.

Chia sẻ với Infonet, TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng DongABank cho biết, việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động căn cứ vào việc tính toán và cân đối lại “đầu vào – đầu ra”, cụ thể là cơ cấu nợ - huy động – cho vay của ngân hàng. Lãi suất huy động giảm chắc chắn sẽ kéo giảm lãi suất vay của các khoản vay mới thời gian tới. Hiện “margin” (chênh lệch) giữa lãi suất huy động – cho vay tại ngân hàng này dao động từ 3,5-3,7%/năm. Ít nhất phải sau 15 ngày hoặc 1 tháng nữa, khi các khoản vay mới được ký kết thì người vay mới được hưởng lãi suất vay giảm hơn so với hiện tại. 

"Nguyên tắc kinh doanh ngân hàng không thể lấy khoản huy động cao để cho vay thấp, do vậy phải đến khi các khoản huy động giá rẻ hơn vào hệ thống và hợp đồng vay mới được ký thì chắc chắn người vay, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay mới với giá mềm hơn" - TS. Kiêm giãi bày.

Nói về diễn biến các đợt giảm lãi suất tiếp theo trong ngắn hạn, ông Kiêm cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào diễn biến lạm phát, sức mua của nền kinh tế thời gian tới. “Nếu lạm phát những tháng tới vẫn trong xu hướng giảm thì chắc chắn các ngân hàng, trong đó có DongABank sẽ phải cân đối lại để tiết giảm thêm lãi suất” – ông nói.

Tuy nhiên, cũng giống như những đợt giảm lãi suất trước, vị Chủ tịch DongABank vẫn tin tưởng, dù mặt bằng lãi huy động tiết kiệm nhưng so với mức lạm phát đang rất thấp thì gửi tiền vào ngân hàng người dân vẫn có lãi. Vì thế, không lo “tiền chạy khỏi ngân hàng”.

Động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng trên thị trường cũng nằm trong chủ trương chung của toàn ngành ngân hàng và đây cũng được coi là hành động hưởng ứng lời kêu gọi giảm tiếp lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1-1,5%/năm trong năm nay của Thống đốc Nguyễn Văn Bình hồi đầu năm.

Thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu ngành ngân hàng đang mang đến nhiều kỳ vọng lãi suất có thể được điều chỉnh xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới. Tuần qua, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) với khoảng 0,5%/năm.

Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), lãi suất vẫn còn dư địa để giảm thêm nhưng vẫn cần cân nhắc nhiều yếu tố. Trước hết là lạm phát dù đang ở mức thấp do giá xăng dầu giảm nhưng có thể tăng trở lại vào cuối năm. Số liệu lạm phát bình quân 12 tháng năm ngoái trên 4%, trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra năm nay không quá 5%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN