Tự tôn hàng dân tộc
“Sử dụng hàng Việt (HV) là để phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc...” nghe có vẻ to tát, nhưng nó lại rất đỗi gần gũi mà những chuyện ghi được tại Hội chợ HV đang diễn ra ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng là ví dụ cụ thể, rất đáng suy ngẫm về ý thức tự tôn hàng dân tộc.
Bên gian hàng của Tổng Cty Dệt-May 29-3, ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT chia sẻ, hơn lúc nào hết, ý thức tự tôn hàng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Dân mình sính hàng ngoại, nhưng vừa rồi hàng loạt vụ hàng Trung Quốc bị phanh phui mất an toàn, thậm chí như các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Italia còn bị gắn mác giả, đánh lừa và móc túi người tiêu dùng (NTD) thì đâu phải cứ hàng ngoại đã là tốt. Trong khi đó, HV giờ đã không ngừng thay đổi mẫu mã, chất lượng, thâm nhập được cả các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU. Đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn về HV và coi đây là niềm tự hào. Ông Chính hỏi rồi tự trả lời, nghe khá xót xa: giờ hãy vào tất cả các khách sạn ở Đà Nẵng coi có nơi nào ghi bằng chữ “nhà vệ sinh”? Mình đã tự đánh mất đi tự tôn dân tộc, nên mang tâm lý nhược tiểu cho rằng HV không tốt, tiếng Việt không “oách”.
* Hội chợ HV Đà Nẵng diễn ra từ ngày 14 tới 18-12 với sự tham gia của 160 DN, hơn 350 gian hàng tới từ khắp các địa phương cả nước. Đây là Hội chợ lần thứ 3 liên tiếp được Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức, có quy mô lớn nhất, là dịp để NTD tìm được HV có chất lượng, giá rẻ, góp phần kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. |
Trở lại chuyện Hội chợ HV lần này, nét mới không phải là số lượng hay quy mô gian hàng hoành tráng mà là sự tham gia của 55 tiểu thương các chợ lớn ở Đà Nẵng. Thường thì tiểu thương ở các chợ luôn đặt lợi nhuận lên trên hết, không kể là bán hàng nội hay ngoại. Thế nên mới có các kiểu hàng Trung Quốc rẻ, kém chất lượng được “khóa áo” HV hay các thương hiệu nổi tiếng, ấy là “đất” cho hàng nguy hại, hàng lậu hoành hành, đẩy HV ra rìa, không cạnh tranh nổi.
Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng nói, 80% hàng hóa tiêu thụ trên thị trường vẫn thông qua chợ truyền thống. Thế nên các siêu thị có nỗ lực cổ vũ HV bao nhiêu đi nữa vẫn dừng ở giới hạn nhất định. Vậy cái gốc để HV đến được với NTD, bên cạnh rất nhiều các yếu tố mà chúng ta thường nói như chất lượng, mẫu mã, giá cả... thì ý thức tự tôn hàng dân tộc của các tiểu thương quan trọng hơn cả. “HV đắt hơn một chút, nhưng nếu bà tiểu thương có cảm tình, chỉ nói vài câu là khách vẫn móc tiền mua” - ông Tươi nói.
Người tiêu dùng Đà Nẵng chọn lựa những mặt hàng thiết yếu.
Vậy thì đây, chính tiểu thương các chợ lớn tham gia vào Hội chợ thuần túy chỉ bán HV này là một tín hiệu mừng. Đây là sự chia sẻ của tiểu thương Lê Thị Ngọc Anh (lô 25 chợ Hàn): Tới Hội chợ này thực ra cũng chẳng lãi lời gì, có điều lô hàng của mình được mọi người biết tới và khẳng định với họ mình bán HV 100%. Và chị phát cho tôi các card visit, điều thú vị là trên đó khẳng định chỉ bán HV, không nói thách, nếu hàng mắc lỗi được đổi lại. Anh Dương Quân (người Lý Sơn, Quảng Ngãi) tham gia Hội chợ này với gian hàng đặc sản hành tỏi. Điều thú vị ở chỗ khi khách tham quan, mua hàng được anh hướng dẫn, phân biệt tỉ mỉ đâu là tỏi Lý Sơn chính gốc và đâu là tỏi Trung Quốc để khách biết. Có thể hành động ấy phục vụ cho việc kinh doanh của anh, nhưng mừng ở chỗ chính những người làm ra HV đã tự tin vào sản phẩm của mình, có trách nhiệm với khách hàng. Ở một khía cạnh nào thì đó cũng là ý thức tự tôn hàng dân tộc.
Đặc biệt hơn, trong Hội chợ, có một gian hàng của các bạn sinh viên Đà Nẵng trong CLB Kirigami được nhiều khách chú ý. Bởi, đó là các sản phẩm lưu niệm, thiệp... do chính các bạn làm ra, đem tới đây bán để lấy tiền làm từ thiện. Bạn Hoàng Trâm (19 tuổi, khoa Hóa ĐHSP Đà Nẵng) chia sẻ: Toàn bộ lợi nhuận từ gian hàng sẽ được dùng tổ chức “Tết thương”, gói bánh chưng, mua bánh kẹo dành tặng trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và các mẹ già đơn thân bán vé số. Cũng bằng cách bán các mặt hàng tự tay làm ra, mới đây chúng em cũng đã tặng 350 ổ mì cho trẻ em đường phố, 50 cuốn vở và 500kg gạo cho người nghèo ở Tây Giang.
Có nhiều cách khác nhau để tự tôn hàng dân tộc, như cách nói của ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thì Hội chợ này là một cách đầy ý nghĩa. Ông Viết nói, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, hàng tồn kho nhiều, nền sản xuất trong nước gặp khó khăn dẫn tới việc thu ngân sách nhiều địa phương cũng gặp khó. Nên hơn lúc nào, rất cần NTD hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động dùng HV, để vực dậy sản xuất. Hội chợ này là một hành động thiết thực, một cơ hội lớn cho nhà sản xuất lẫn NTD. Các nhà sản xuất phải tranh thủ nắm bắt được nhu cầu, mong mỏi của NTD là gì để điều chỉnh sản xuất, thay đổi phương thức kinh doanh, đáp ứng tốt nhất cho NTD. Đây chính là nhịp cầu để gắn sản xuất với tiêu dùng, để quảng bá, tôn vinh HV, đồng thời là cơ hội để người dân thể hiện ý thức tự tôn hàng dân tộc.
Năm 2015, có 80% người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam Sáng 14-12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (HVN)” tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện CVĐ. Theo báo cáo, sau 3 năm triển khai, NTD VN đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của CVĐ và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Trên toàn quốc, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Theo tổng kết của Cty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện đã có 71% NTD tin tưởng vào HVN chất lượng cao. Kết quả công bố của Cty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cũng cho thấy, có đến 90% NTD tại TPHCM chắc chắn lựa chọn HVN, TP Hà Nội là 83%... Tại Hội nghị, nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của đại biểu đã thể hiện nhận thức sâu sắc và ý nghĩa to lớn của CVĐ. Ban chỉ đạo T.Ư CVĐ cũng đặt ra mục tiêu, từ nay đến năm 2015 sẽ có 80% NTD Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước; 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán HVN phục vụ nhân dân. Ban chỉ đạo T.Ư CVĐ cũng đã tuyên dương khen thưởng 76 tập thể, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 3 năm triển khai CVĐ. C.T |