Nỗi lo trẻ em vi phạm pháp luật

Chỉ trong 2 ngày 26 và 28-5-2012, Cơ quan CSĐT CAQ Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 11 đối tượng liên quan đến vụ cố ý gây thương tích, gây mất ANTT tại địa bàn P. Hòa Hiệp Bắc vào đêm 24-5. Vụ việc một lần nữa cho thấy tình trạng đáng báo động về tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

Từ vụ “tập kích” quán nhậu...

Vụ việc bắt đầu từ trưa 20-5, khi Nguyễn Linh (1988-cu Lỳ, trú tổ 8, Hòa Hiệp Bắc) cùng Trần Xuân Phước (1990, trú tổ 1, Hòa Hiệp Bắc) ngồi lai rai tại một quán nhậu thì xảy ra mâu thuẫn và bị nhóm thanh niên có biệt danh “Bà Mốt” đánh (nhóm này nhà ở gần quán chè bà Mốt nên lấy tên là nhóm “Bà Mốt”). Hậu quả, Linh bị ném chai bia trúng đầu gây thương tích nhẹ. Vốn là thanh thiếu niên hư, từng bị đưa đi cơ sở giáo dục 2 năm, nên với Linh, việc bị nhóm thanh niên “Bà Mốt” gây sự rồi “tặng” vỏ chai bia vào đầu là một... mối nhục! Linh ôm hận và rắp tâm tìm cơ hội để trả thù.

Nỗi lo trẻ em vi phạm pháp luật - 1

Lê Minh Kim Thành Long và các chứng từ đòi nợ thuê

Sáng 24-5, khi gặp nhau tại quán cà-phê Minh Châu, Linh rủ Phước đi tìm nhóm “Bà Mốt” đánh thì Phước nhận lời ngay. Chiều hôm đó, Linh gọi điện cho Nguyễn Thành Công (1991, trú tổ 31, Hòa Hiệp Bắc) - cũng là đối tượng từng đi trại giáo dục ở Hoàn Cát (Quảng Trị) để... nhờ đi chi viện cho mình. Không chỉ đồng tình ủng hộ, Công còn chuẩn bị 7 cây mã tấu chờ Linh đến đón. Chập tối, Phước, Linh, Công đi nhậu và rủ thêm Nguyễn Nhất Linh (1989, gọi là Liều), Nguyễn Hạnh (1990), Trương Minh Hiếu (1993). Tại đây, Linh tiếp tục rủ 3 đối tượng này đi đánh nhóm “Bà Mốt”.

Biết nguyên nhân xích mích giữa Linh và nhóm “Bà Mốt” từ trước nên Hạnh, Linh “Liều” và Hiếu nhận lời giúp sức! Cả nhóm ai về nhà nấy chuẩn bị hung khí và hẹn gặp nhau tại đường ray gần chợ Kim Liên. Khi biết Phước không có hung khí, Linh đã gọi điện cho Nguyễn Văn Trung (1994 - cũng là thành phần lêu lổng) để mượn mã tấu. Khi xuống nhà chở Công đi, phát hiện nhóm thanh niên “Bà Mốt” đang ngồi nhậu rất đông trước quán cà-phê Linh Nhi số 176-Nguyễn Văn Cừ, sợ sự chênh lệch “quân” có thể khiến nhóm mình bị thua nên Linh gọi Trung kêu người đến chi viện.

Trung gọi thêm Dương Quý Ngọc (1991), Đặng Văn Tuấn (1994), Trần Thanh Đông (1994), Đặng Anh Huy (1993), mang theo hung khí đến địa điểm đã hẹn để hỗ trợ nhóm của Linh. Khi tiếp cận nhóm “Bà Mốt”, Xuân Phước chém vào lưng Mai Thanh Hùng (1989), Linh chém trúng bả vai Nguyễn Chương (1989). Bị “tập kích” bất ngờ, cả nhóm “Bà Mốt” tháo chạy tán loạn. “Thừa thắng”, nhóm Linh đuổi theo và chém Tiêu Văn Vỹ, Huỳnh Ngọc Kiên, Nguyễn Thái Minh gây thương tích. Sau khi hả hê với trận đòn thù, Linh ra hiệu cho cả nhóm rút quân. Cả bọn theo Linh ra hướng bờ biển thuộc tổ 21, P. Hòa Hiệp Bắc thu 9 cây mã tấu, riêng Linh “Liều” thì cầm cây mã tấu của mình và Công về nhà.

Nhận tin báo, CAP Hòa Hiệp Bắc phối hợp cùng cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra. Theo đó, đến ngày 26-5 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ cố ý gây thương tích, đồng thời khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Linh, Trần Xuân Phước, Nguyễn Hạnh. Đến ngày 28-5, tiếp tục khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam 7 đối tượng còn lại.

Nỗi lo trẻ em vi phạm pháp luật - 2

Từ trái sang: Nguyễn Linh, Trần Xuân Phước, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Văn Trung,...

... đến “bộ tam” sống ở nghĩa địa

Chiều 27-5, Lê Minh Kim Thành Long (1993, trú Điện Hòa), Phan Thanh Nghĩa (1997, trú Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam) đến thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) để trộm cắp quần áo cũ thì bị người dân phát hiện bắt giữ, giao cho CA địa phương xử lý. Tại trụ sở CAX Hòa Tiến, Long, Nghĩa khai nhận, ngoài việc trộm tiền, vàng của người thân, chúng còn câu kết với Nguyễn Văn Trình (1996, trú Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ) nhiều lần đột nhập bệnh viện khu vực Hòa Vang nằm trên địa bàn P. Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ) cạy cốp xe máy khách gửi để lấy tài sản.

Mỗi đứa một hoàn cảnh, mẹ chết, cha lấy vợ khác, gia đình thiếu quan tâm, thích chơi chán học rồi từ quê dạt ra Đà Nẵng, “cùng hội cùng thuyền” nên khi gặp nhau đã nhanh chóng kết bạn. Tuy nhiên, khi đã rời xa mái ấm gia đình, cả nhóm đã sa ngã và trở thành những kẻ “sống nhờ trộm cắp”. Long bỏ nhà đi từ năm 15 tuổi, tụ tập, chơi bời với các thành phần hư hỏng và hệ lụy tất yếu là sa vào trộm cắp để có tiền tiêu xài. Long đột nhập nhà chị ruột 3 lần lấy trộm 2 chỉ vàng, hơn 13 triệu đồng. Tiêu hết tiền, Long gia nhập đội ngũ đòi nợ thuê.

Còn Nghĩa, do thường xuyên trộm vặt nên năm 2009 đã bị chính quyền địa phương đưa ra giáo dục, kiểm điểm trước dân nhưng vẫn “chứng nào tật nấy”. Nghĩa bỏ học, lấy trộm của chú 1,5 chỉ vàng, 2 ĐTDĐ và cầm cố xe máy của bố rồi bỏ nhà đi “bụi”. Riêng Trình, tuy mới 16 tuổi nhưng đã là đối tượng hình sự nổi, nằm trong diện “quan tâm đặc biệt" của CA địa phương. Tháng 2-2012, do mâu thuẫn, Trình dùng dao tấn công anh Nguyễn Viết Diệp (trú Yến Nê 1, Hòa Tiến) gây thương tích 48%... Sau những ngày lang thang, “bộ tam” này kết với nhau thành một nhóm, tại các khu dân cư bỏ hoang, nghĩa địa vắng người, khi hết tiền thì đi trộm.

Nỗi lo trẻ em vi phạm pháp luật - 3

Từ trái sang: Trần Thanh Đông, Trương Minh Hiếu, Đặng Văn Tuấn, Dương Quý Ngọc, Đặng Anh Huy và Nguyễn Nhất Linh

Cảnh tỉnh

Trao đổi với cơ quan chức năng CAQ Liên Chiểu, được biết, hầu hết số thanh thiếu niên tham gia vụ đánh lộn là những đối tượng nằm trong diện quản lý tại địa phương. Đặc biệt, trong số đó có Nguyễn Linh, Nguyễn Thành Công, Trương Minh Hiếu, Đặng Văn Tuấn từng bị xử lý hành chính hoặc đưa đi cơ sở giáo dục, giáo dưỡng. Ngoại trừ Anh Huy, Nhất Linh là có nghề nghiệp, số còn lại đều không nghề ngỗng gì. “Nhàn cư vi bất thiện”, không biết tu dưỡng, rèn luyện bản thân để vươn lên trong cuộc sống, các đối tượng chỉ thích tụ tập để ăn nhậu, muốn thể hiện cái tôi, nóng nảy, xốc nổi, nên chỉ cần một mâu thuẫn chẳng đâu vào đâu là sẵn sàng dùng bạo lực “nói chuyện”.

Câu hỏi đặt ra, “Tại sao tình trạng thanh thiếu niên có hành vi sai lệch và vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng?”, chúng ta cần suy nghĩ các nguyên nhân chủ yếu sau: công tác phòng, ngừa vi phạm pháp luật chưa được chú trọng. Việc quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động kinh doanh giải trí ở địa bàn nông thôn, quán karaoke, cửa hàng Internet với hàng loạt loại phim ảnh bạo lực... thiếu chặt chẽ, đã tạo cho các cơ sở này trở thành nơi tụ tập, sinh hoạt của một số thanh thiếu niên hư hỏng.

Chúng tôi mượn lời của Đại úy Nguyễn Phú Bền - Đội phó Đội CSĐTTPVTTXH CAH Hòa Vang để thay phần kết bài viết này: “Làm việc với trẻ phạm pháp, tôi thấy nhiều em có hoàn cảnh thật thương tâm. Nhiều bậc phụ huynh không chú ý đến sự phát triển tâm, sinh lý của con cái, hoặc nuông chiều quá mức đã khiến các em mất ý thức tự lập, rèn luyện. Một số em phải sống trong hoàn cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ bất hòa dẫn đến sự thiếu hụt về tình cảm, sự phát triển lệch lạc. Hơn nữa do thiếu sự chỉ bảo, quan tâm của gia đình nên số thanh thiếu niên này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và lôi kéo vào con đường phạm tội”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P. Nết - An Dương (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN