Làm ăn thời khốn khó (1): Sống mòn

Hàng tồn kho nhiều, lãi suất ngân hàng cao, chi phí đầu vào tăng, thị trường thu hẹp... tất cả khó khăn đó bủa vây khiến không dưới 70% DN tại Đà Nẵng đang phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, xin giải thể, phá sản, công nhân thất nghiệp...

Làm cầm chừng

Chịu tác động tiêu cực trước nhất là khối SX-KD vật liệu xây dựng. Đây là hệ lụy tất yếu của việc thị trường BĐS đóng băng suốt thời gian dài vừa qua. Ông Nguyễn An - Tổng Giám đốc Cty thép Thái Bình Dương cho biết, mặc dù chỉ sản suất 30% công suất, nhưng hàng hóa vẫn tồn kho. Trong khi đó, chi phí đầu vào, từ lương công nhân, điện, dầu, cước phí vận tải... đều tăng mạnh đã làm tăng giá thành sản phẩm. Giữa lúc khủng hoảng, nhu cầu thị trường tiêu dùng giảm bớt, giá lại khó cạnh tranh dẫn đến hàng hóa tồn kho, buộc nhà máy không sản xuất hết công suất, đời sống của 400 công nhân bị ảnh hưởng. Tuy vậy, ông An cũng cho biết, do nắm bắt, phân tích, dự báo được nhu cầu thị trường nên Cty đã có những phương pháp chủ động điều chỉnh sản xuất để không bị sa lầy với lượng hàng tồn kho lớn.

Làm ăn thời khốn khó (1): Sống mòn - 1

Tại nhà máy chế biến thủy sản Phước Tiến (Đà Nẵng) chỉ còn khoảng 250 công nhân làm việc, khoảng 70% công nhân của nhà máy tạm thời thất nghiệp. Ảnh: VĂN THUẤN

Bà Huỳnh Thị Tâm - Giám đốc Cty Hoàn Thiện chuyên sản xuất mặt hàng mây tre, thủ công mỹ nghệ cho biết, mặc dù doanh thu tăng lên nhưng lợi nhuận không đáng kể. Nói cách khác, DN vẫn đang phải tồn tại cầm chừng. Lý do bà Tâm đưa ra là chi phí nhân công và lãi suất ngân hàng đều tăng cao.

“Tổn thương” không kém là các DN xuất khẩu (may mặc, giày da, đặc biệt là thủy sản). Không ít DN đã phải thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc, nghỉ luân phiên do khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Cty thủy sản Phước Tiến (Đà Nẵng) cho biết, Cty hiện chỉ còn duy trì khoảng 250 công nhân. Tức là đã phải thu hẹp, tạm ngừng sản xuất, khiến 70% công nhân mất việc. Cái khó của DN thủy sản nói chung không chỉ là đầu ra của sản phẩm, chi phí nhân công, điện, lãi suất tăng cao mà khó gay gắt hơn cả là thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Tuấn nói: “Chúng tôi mới ký hợp đồng cung cấp với phía Nhật, mua được vài lô hàng nguyên liệu để sản xuất thì bỗng nhiên giá bị đẩy lên trời. Lý do, các thương lái Trung Quốc tràn sang mua với giá cao hơn 10-20%. Họ đi gom từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn tới Vũng Tàu. Tôi không hiểu mua giá cao thế, phải tốn phí vận chuyển về Trung Quốc chế biến rồi mới xuất sang Nhật, nhưng giá bán vẫn rẻ hơn của DN Việt Nam xuất sang, thử hỏi họ lãi kiểu gì?”.

Họ lãi kiểu gì thì không biết, nhưng có một thực tế là sức ép từ thương lái Trung Quốc đang khiến các DN chế biến thủy sản khan hiếm nguyên liệu trầm trọng, thua ngay trên sân nhà. Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng nhìn nhận, trong khi thị trường xuất khẩu, tiêu dùng phần nào đã được cải thiện thì khó khăn đầu vào vẫn bủa vây DN, khiến phần lớn họ không chịu nổi áp lực sau thời gian dài nên phải làm cầm chừng, hoặc không gượng được nữa thì ngừng sản xuất. Hệ lụy trực tiếp là sản xuất định đốn, những DN còn tồn tại được thì giảm sức cạnh tranh rất nhiều, thậm chí ngay trên sân nhà do “nội thương” bị tổn thương nghiêm trọng sau thời gian dài chống đỡ với khủng hoảng.

Ông Phan Văn Hiếu - Chủ tịch HĐQT Cty Tân Hưng Yên nói ngắn gọn, trong 10 năm lại đây, chưa bao giờ kinh doanh xe máy lại bết bát như năm nay. Dù bán dưới giá công bố của nhà sản xuất 2-3 triệu đồng/chiếc song vẫn ế. Thực trạng buồn này khiến DN đang cầm cự, “sống mòn”, duy trì việc làm cho người lao động còn rất khó khăn chứ nói gì đến mở rộng đầu tư.

Làm ăn thời khốn khó (1): Sống mòn - 2

Thương lái Trung Quốc tìm tới tận các cảng cá thu gom nguyên liệu với giá cao hơn 10-20% khiến DN thủy sản Việt Nam lao đao

Thất nghiệp hàng loạt

Theo thống kê của Hiệp Hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng, 70% DN đang phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoặc phá sản. Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, có khoảng 6.000 công nhân đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong tổng số 63.000 công nhân trong các KCN hiện nay. Và tính chung tổng số khoảng 230.000 lao động đang làm việc trong các DN trên địa bàn Đà Nẵng thì tỷ lệ thất nghiệp hơn 4%. Và nếu chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2012, Đà Nẵng có 9.834 lao động phải nghỉ việc do các nguyên nhân lương thấp, DN giải thể, thu hẹp sản xuất. Đặc biệt nhất là những khó khăn về chi phí đầu vào, hàng tồn kho, lãi ngân hàng khiến DN làm ăn không có lãi, lương công nhân thấp, không đủ duy trì so với mức vật giá tăng cao, nên họ buộc phải nghỉ việc.

Cũng theo ông An, cuối năm 2011, Đà Nẵng có 10.075 DN, thì tới giờ có hơn 2.500 DN tự giải thể. Số liệu công bố là thế, nhưng điều tra mới nhất, trên toàn TP chỉ còn khoảng 5.100 DN là có địa chỉ rõ ràng. Trong đó, chỉ có 30 DN quy mô hơn 500 lao động. Ông An khẳng định, so với nhiều trung tâm lớn của cả nước, tỷ lệ DN giải thể, lao động thất nghiệp của Đà Nẵng vẫn ở mức thấp. Trong số 6.000 công nhân hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chủ yếu vì lương thấp, họ không theo được công việc, nên làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Một số biến động như việc hơn 3.000 công nhân của Cty Dệt may Phong Phú thất nghiệp, thì ngay lập tức hơn 500 công nhân đã tìm được việc. Trong thực tế, nhiều đơn vị vẫn đang tuyển công nhân, nhưng do mức lương quá thấp, không đảm bảo được cuộc sống nên người lao động không muốn làm.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Hậu (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN