Kịch bản hoàn hảo của... trộm

Gần đây, tại các khu dân cư trên địa bàn TP Đà Nẵng thường xảy ra những vụ trộm... ngớ người mà nguyên nhân chính là sự thiếu cảnh giác của người dân.

Rất nhiều kịch bản đã được kẻ gian dựng lên để công khai có mặt trong nhà rồi ung dung khoắng tài sản và thoát đẹp trước mặt chủ nhà. Nhiều vụ mất trộm khiến chủ nhà ngớ người, “tức ói máu” nhưng chỉ còn biết tự trách mình đã không cập nhật kịp thời những mánh lới không phức tạp nhưng rất hiệu quả của bọn tội phạm.

Trộm mặc... đồng phục!

Mới nghe đã tức cười, nhưng là chuyện có thật xảy ra cách đây chưa lâu tại P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê. Sáng dậy, vợ chồng anh N.Q.P. (trú tổ 48) mua đồ ăn sáng cho người giúp việc và đứa con nhỏ rồi lật đật đi làm. Khoảng hơn 9 giờ, thấy có hai người mặc bộ đồ màu cà-rốt giống của nhân viên điện lực tới kiểm tra đồng hồ và hệ thống điện trong nhà. Nghĩ cuộc sống ở thành phố văn minh, hằng ngày người thu tiền điện, tiền nước, tiền truyền hình cáp, tiền rác cứ đến nườm nượp, giải quyết trực tiếp được việc nào thì đỡ cho gia chủ việc đó nên chị giúp việc mời khách vào. Mà người ta chọn cái thời điểm rất hợp: hàng xóm vắng vẻ, ít người qua lại, đứa nhỏ cứ quấn lấy chân, không rời ra được. Chạy lên chạy xuống như đèn cù để bật điện, đóng điện rồi lại phải trông đứa trẻ khỏi chạy ra đường, nghịch đồ trong nhà nên chị giúp việc phó mặc mọi thứ cho hai chú thợ điện. Sau một hồi quần thảo, hai “nhân viên điện lực” thông báo là đã kiểm tra xong hệ thống điện rồi cáo từ.

Đến trưa về, vừa nghe kể lại sự việc anh P. đã rụng rời vì chắc chắn người giúp việc đã mắc lỡm. Y như rằng 1 máy tính xách tay hiệu Sony Vaio, 1 máy ảnh du lịch cùng chiếc Ipad để trên bàn làm việc đã ra đi theo “chú thợ điện”. Bây giờ chị giúp việc mới hiểu vì sao trời nóng nực mà 2 công nhân kia cứ trùm kín cái mũ và đeo khẩu trang suốt 10 phút làm việc trong căn nhà mát mẻ.

Kịch bản hoàn hảo của... trộm - 1

Kịch bản hoàn hảo của... trộm - 2

Những đối tượng đội lốt “thợ điện” để hoạt động phạm tội bị CA bắt giữ

Cũng trong trang phục của công nhân xử lý hầm cầu, 2 đối tượng lạ mặt đã đường đường chính chính vào nhà của chị P.T.B. (trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) để chào hàng các gói bột làm “sạch bong kin kít” phòng vệ sinh cũng như hệ thống hầm rút. Sau một hồi chạy ra chạy vào để khóa, mở nước, chị B. được 2 nhân viên này tặng sản phẩm dùng thử miễn phí trong một tuần. Đang vui vì được xử lý phòng vệ sinh, xài hàng miễn phí, mãi đến trưa chị và cả nhà mới tá hỏa vì 4 chỉ vàng trong tủ đồ cùng chiếc điện thoại Galaxy Note II để đầu giường ngủ đã “không cánh mà bay”.

Theo các nạn nhân, hầu hết những người mặc đồng phục cải trang là nhân viên thu phí, bảo trì, tiếp thị một số dịch vụ thông dụng đều đến và đi rất nhanh. Trong quá trình “làm việc” thường liên tục sai vặt khiến gia chủ chạy quáng gà để dễ bề ra tay. Dù đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng một số người dân vẫn sập bẫy vì cảm thấy mọi việc đều có lợi cho gia đình mình, thậm chí nhiều người còn tâm sự là không tin chỉ trong một thời gian ngắn mà người lạ có thể biết được mọi ngóc ngách trong nhà để lấy trộm.

Trộm gắn mác thương nhân

Chuyện nhà đất cho dù lên cơn sốt hay lúc nguội lạnh cũng thành đề tài bàn tán, thảo luận ở khắp nơi. Thế mới có chuyện tin tức rao bán nhà vừa lên mặt báo thì “cò” đã bay rợp ngõ. Kẻ xem hướng, luận phong thủy, người trả giá rộn ràng hẳn lên, cho dù có khi cả ngày gia chủ tốn mấy bình nước cỡ lớn mà giao dịch cũng chẳng đến đâu. Rồi chẳng biết từ bao giờ, kẻ gian đã áp dụng quy luật “bất động sản” để xây dựng kịch bản khoắng đồ.

Cho đến bây giờ, dù là người sành sõi trong các giao dịch làm ăn, là người từng trải trong cuộc sống nhưng anh Đ.P. (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn không thể lý giải được vì sao mình bay gần cả trăm triệu đồng một cách dễ dàng như vậy. Lại càng không hiểu vì sao mình chưa chính thức rao mà kẻ gian đã đánh hơi được ý định bán nhà. Sáng dậy đi làm, vợ chồng anh P. không quên dặn người chị là phải khóa cổng, không tiếp bất kỳ người lạ nào. Chuyện đó đã thành một nếp sống phổ biến của rất nhiều gia đình khi mà mánh lới của kẻ gian ngày càng đa dạng và tinh vi. Thế nhưng người chị gái của anh dù nâng cao cảnh giác vẫn sập bẫy trước một tay trung niên gắn mác thương nhân bất động sản. Số là vì mấy ngày qua, vợ chồng anh P. có bàn nhau chuyện bán nhà nên giờ có người tới hỏi xem thì chị gái anh có gì mà phải nghi ngờ. Ngay khi vừa tiếp xúc, vị khách này đã rút điện thoại gọi búa xua như là liên lạc với chủ nhà rồi nhắc mấy cái tên ra chừng thân thiết lắm. Vừa phải trông cháu vừa lo việc nhà, lại nghe những cuộc điện thoại thân mật nên chị gái anh P. yên tâm “rước” khách vào nhà. Tội cho chị là vừa đúng lúc vị khách tỏ ý muốn lên tầng trên để xem phòng thì đứa cháu lại ré lên đòi ăn. Vậy là khách tha hồ tự tung tự tác từ phòng này qua phòng khác. Chỉ độ 10 phút tính từ khi được “come in”, vị khách vui vẻ chào ra về với những lời khen nức nở về hướng nhà, kiến trúc, phong thủy cùng cam kết sẽ trở lại trao đổi cụ thể trước khi quyết định.

Trưa về, thấy chị hăm hở kể chuyện có khách đến xem nhà, anh P. hoảng hồn chạy lên phòng ngủ và rụng rời khi chiếc tủ có 5 chỉ vàng và tiền tổng trị giá gần 100 triệu đồng đã bị cạy ra. Thế là hết, công sức gom góp từ đồng lương và làm thêm mấy tháng trời đã bay đi chỉ vì mấy phút thật thà, cả tin của người chị. Buồn lắm nhưng anh cũng phải tự an ủi chị là “của đi thay người, là chị không biết chứ lúc đó mà chị biết nó là trộm rồi la lên thì không chừng lại nguy hiểm đến tính mạng”.

Quy cho tất cả những người lạ đến nhà đều là kẻ gian thì đúng là nghiệt ngã quá. Nhưng đúng là giữa lúc mà những mánh lới trộm cắp ngày càng đa dạng thì không còn cách nào khác là người dân phải cẩn trọng, nâng cao cảnh giác để nhận biết người đang đối diện với mình. Đặc biệt nhất là chú ý đến thời gian và không gian tiếp xúc, sau đó là ngôn ngữ, cử chỉ. Người có kinh nghiệm thì chỉ cần một vài câu “test” là có thể nhận biết được khách thật hay khách dỏm, người ngay hay kẻ gian. Nhưng không phải ai cũng có khả năng này. Cho nên, nếu là gia chủ, hãy cẩn thận khi tiếp xúc, nếu là người giúp việc hay bà con, cứ kín cổng cao tường là yên tâm nhất. Không chỉ có chuyện trộm mặc đồng phục, trộm gắn mác doanh nhân bất động sản mà sẽ còn nhiều “chiêu” khác nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Uyên (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN